Nhân giống cúc theo phương pháp giâm cành là một phương pháp nhân giống phổ biến, được nhiều người áp dụng trong nông nghiệp. Nhân giống bằng phương pháp này không những tận dụng được chồi đỉnh, chồi nách của cây mẹ, dễ áp dụng trong sản xuất mà còn rút ngắn thời gian sinh trưởng của cây so với nhân giống từ hạt, nuôi cấy mô tế bào.
Nhất là Tết này, nhà nào cũng có một chậu hoa cúc, sau Tết đừng vội vứt đi, giữ lại giâm cành bạn sẽ có một cây lớn khoẻ mạnh.
1. Chuẩn bị
– Chuẩn bị dụng cụ
Kéo cắt cành
Cuốc xẻng đa năng
– Chuẩn bị cây mẹ, cây giống
Để nhân giống tốt nên chọn những cây giống tốt, sạch bệnh.
– Chọn đất
Nên chọn những nơi đất cao, tơi xốp, nhiều mùn và phơi ải xới xáo nhiều lần. Đặc biệt đất phải thoát nước, cỏ thể dùng đất thịt nhẹ, đất bùn ao hoặc đất cát pha tuỳ theo thời vụ giâm. Trước khi giâm, đất phải được xử lý hoá chất để diệt nấm, vi khuẩn.
Có thể dùng focmon, TMTD hoặc vôi xử lý đất trước 5 – 7 ngày. Ngoài ra đất phải thông thoáng, đủ ẩm nhưng không được ứ nước để tạo điều kiện cho rễ phát triển, tránh làm đất quá mượt như bột, khi tưới mặt đất sẽ chóng kết váng do khe hở giữa các hạt đất bị bết lại gây khó khăn cho việc ra rễ của cành giâm. Luống giâm làm cao, thuận tiện cho việc dỡ và đậy giàn che.
2. Thời vụ giâm
Đối với cây thân mềm như cúc, chỉ càn giâm chồi ngọn vào cát ẩm có che lợp 7 – 10 ngày, cây ra rễ răng cá là đem trồng được. Thời vụ giâm cúc có thể quanh năm nhưng thuận lợi nhất là vào mùa xuân vì thời tiết lúc này ấm áp, có mưa phùn, độ ẩm không khí cao, cành giâm đỡ mất nước.
Ở các thời vụ khác vẫn giâm được cúc nhưng phải chú ý điều kiện thời tiết lúc đó mà có các biện pháp kỹ thuật thích họp cho cành giâm ra rễ tốt nhất. Ở mùa hè nhiệt độ cao, mưa nhiều phải có giàn che để tránh mưa to và ánh sáng trực xạ mạnh.
Thu đông hanh khô phải tưới ẩm, tưới phun thường xuyên.
3. Phương pháp giâm
Chọn cành giâm tốt, không bị sâu bệnh, tốt nhất là chọn những ngọn bánh tẻ để giâm. Nếu cành non, mềm và quá ngắn dễ chết và mất nước, dễ bị thối trước khi mọc rễ hoặc cây sẽ mọc yếu. Cành già thì không đủ dinh dưỡng nuôi ngọn trong thời gian cây chưa ra rễ hoặc cây con lớn chậm hoa ra sẽ nhỏ.
Tiêu chuẩn cành giâm có khoảng 3 – 4 lá, dài từ 5 – 7 cm, từ những cây mẹ sinh trưởng phát triển tốt để đạt hiệu quả nhân giống tốt nhất. Sau khi cắt ngọn ở cây mẹ đem giâm liền trong ngày, tốt nhất là giâm vào lúc chiều tối, không nên để qua ngày sau. Ngọn giâm cần cắt vát gần sát mắt để tăng diện tích tiếp xúc với đất, nước, kích thích cây mau ra rễ.
Nên chọn ngày mát trời để cắt ngọn giâm, nên cắt vào buổi sáng sớm khi cây còn đang sung nhựa, những ngọn vừa cắt đưa ngay vào chỗ giâm mát. Tưới nước nhẹ, cắt sửa lại ngọn trước khi giâm. Sau khi giâm phải che kín gió, che ánh sáng khoảng 5 – 7 ngày để tạo bóng tối cho cành giâm mau phát sinh rễ non.
Sau đó để cây quen dần với ánh sáng ta bỏ giàn che dần dần, khi cây bắt đầu đâm rễ non, không nên cất giàn che quá sớm khi cây chưa đủ sức chịu ánh sáng mạnh, cây dễ bị khô và chết. Nhưng cũng không nên cất che quá muộn cây sẽ yếu, mọc vống hoặc úa vàng do thiều ánh sáng.
Để nhân giống có 2 cách giâm cành, giâm khô là cách giâm cắm ngọn giâm trước và tưới đẫm nước sau, còn giâm ướt thì tưới đẫm trước và cắm ngọn giâm sau.
4. Lưu ý khi tưới nước
Luôn giữ đủ ẩm cho vườn ươm bằng cách hằng ngày tưới nhẹ, những ngày đầu nên tưới 2-3 lần. Tốt nhất là tưới theo kiểu phun sương trên lá. Mùa hè và đất cát phải tưới làm nhiều lần. Nhưng không nên tưới quá nhiều, tưới vào một lúc, ngọn giâm dễ bị hỏng. Hằng ngày nên tỉa bỏ lá thối lá bị dính vào đất để cây trồng không bị nấm bệnh và lan truyền sang cây khác.