Thời tiết nắng nóng, oi bức lại hay mưa, rất thích hợp cho rệp sinh sản. Lũ rệp vừa bị diệt cách đây không lâu giờ có thể đã bò lên hoa hồng của chúng ta.
Nếu không làm tốt công tác phòng trừ, rệp sẽ bùng phát trên diện rộng và gây hại cho hoa hồng, khiến cây bị vàng lám chậm lớn, thậm chí là không có nụ hoa.
Chúng sẽ hút hết chất dinh dưỡng của cây, khiến lá bị vàng và ảnh hưởng tới quá trình sinh trưởng, phát triển của cây, thậm chí là chết cây. Vì vậy nếu thấy rệp đang bò lổm ngổm trên hoa hồng, hãy nhanh tay tiêu diệt chúng.
3 loại “nước thần” giúp tiêu diệt rệp hiệu quả
- Nước ớt
Nếu muốn dùng, tốt nhất nên chọn loại ớt thật cay, đem rửa sạch, cắt thành từng miếng nhỏ. Sau đó, cho thêm một lượng nước thích hợp vào, nấu ở lửa lớn trong 20 phút rồi cho thêm một ít hạt tiêu, giấm trắng vào đun khoảng 10 phút nữa.
Sau khi nước nguội, bỏ hạt tiêu và ớt, lấy phần nước rồi pha loãng với nước sạch. Cho vào bình xịt, phun 1-2 lần/tuần có thể trừ rệp sáp hiệu quả. Không những vậy, những loại sâu bệnh gây hại khác như sâu bướm, nhện đỏ,… cũng bị tiêu diệt, đồng thời có thể làm giảm sự phát triển của vi trùng.
- Nước tỏi
Tỏi có khả năng diệt khuẩn mạnh, có thể loại bỏ và ức chế sự phát triển của vi trùng, đồng thời phòng trừ rệp, sên, nhện đỏ,… một cách hiệu quả.
Với cách làm này, bạn hãy băm nhỏ tỏi rồi cho vào một bát nước, ngâm qua đêm rồi lọc lấy nước cốt. Thêm một lượng nước sạch vào để pha loãng rồi phun lên cây có thể dễ dàng xua đuổi rệp, đồng thời ngăn chặn được bệnh phấn trắng, thán thư,…
Mỗi ngày xịt một lần, thậm chí 3-4 lần để cải thiện các triệu chứng của hoa hồng. Ngoài ra, bạn cũng có thể thay thế tỏi bằng hành tây hoặc kết hợp cả hai đều được.
- Nước tro
Có thể nói tro thực vật là một “bảo bối” để trồng hoa, bởi nó có thể thúc đẩy quá trình sinh trưởng của cây, kích thích cây mọc rễ, ra hoa và nảy mầm,… Không những vậy, nước tro còn có tác dụng khử trùng, phòng trừ sâu bệnh hiệu quả. Cụ thể, nó có thể xua đuổi các loài gây hại như rệp, ốc sên, tiêu diệt vi khuẩn.
Cho tro thực vật vào thùng, thêm nước vào rồi ngâm qua đêm. Sau đó, chắt lấy phần nước trong bên trên rồi phun lên khu vực bị sâu bệnh tấn công, hiệu quả sẽ rất tốt. Sau 2-3 ngày, bạn hãy phun lại bằng nước sạch để rửa sạch lớp tro bám trên lá.
Ba loại nước trên chỉ hiệu quả với lượng rệp nhỏ, nhưng nếu bùng phát trên diện rộng thì bạn không nên dùng phương pháp này. Thay vào đó, bạn nên dùng các loại thuốc trừ sâu chuyên dụng, chẳng hạn như omethoate EC, phoxim EC, imidacloprid. Pha loãng dung dịch với nước theo tỷ lệ 1:1000 rồi phun cho cây.
Cách chăm sóc cây sau khi tiêu diệt rệp
Sau khi diệt hết rệp, bạn có thể tiến hành bón phân cho cây, bởi khi bị rệp tấn công, cây sẽ tiêu hao nhiều chất dinh dưỡng, cần phải bổ sung kịp thời để hoa hồng hồi sức. Lưu ý, chỉ nên bón phân sau khi diệt rệp khoảng 1 tuần, không nên bón ngay, bởi cần cho cây thời gian hồi phục lại trước đã.
Bên cạnh đó, nên bón thúc nửa tháng một lần, khi hoa hồng đã hấp thụ đủ chất dinh dưỡng thì mới có thể thúc đẩy sự phân hóa chồi nhánh, nụ hoa và tăng sức đề kháng cho bộ rễ. Ngoài ra, bạn nên đảm bảo hoa hồng được trồng ở nơi thông gió tốt, đủ ánh sáng, nhiệt độ cao, như vậy cây mới phát triển tốt và hạn chế được sự tấn công của các loài côn trùng gây hại.