Loại cây được nhắc đến chính là cây thuộc họ nhà tre (tre, trúc, nứa,...). Đây là loại thực vật quá quen thuộc với mọi người, nhưng mấy ai đã từng nhìn thấy tre đơm hoa, kết trái dù nó được trồng rất nhiều tại Việt Nam?
Hoa tre nở thành từng chùm, có màu vàng nhạt, bao phấn ở nhị có cùng màu nhưng tươi hơn. Khi hoa tàn có thể kết trái, nhưng không phải loại tre nào cũng ra quả được.
Tre rất hiếm khi ra hoa, kết trái. 30-50 năm, có khi còn lên tới 100 năm cây mới kết trái một lần. Cho nên nó mới được mệnh danh là loại cây “trăm năm” mới kết quả một lần.
Tre ra hoa, kết trái có thực sự là dự báo của “điềm gở”?
Theo các dữ liệu đã ghi lại, bang Mizoram ở Ấn Độ có một rừng tre, cứ sau 48 năm là những cây tre ở đây lại cùng nhau nở hoa, kết trái. Đáng nói sau mỗi lần như vậy, địa phương này đều gánh chịu thảm họa dịch bệnh và nạn đói. Thảm họa ghi nhận sớm nhất vào năm 1815, và lần gần nhất là năm 2006-2008.
Tại Trung Quốc, huyện Văn (tỉnh Cam Túc) và huyện Vũ Bình (tỉnh Phúc Kiến) cũng từng xảy ra tình trạng tương tự vào năm 1976. Sau khi nhiều khu vực trồng tre đột nhiên nở hoa và kết trái, sau đó chết hàng loạt đã kéo theo nhiều gấu trúc bị chết đói vì thiếu thức ăn.
Chính vì vậy, dân gian mới có câu “tre, trúc nở hoa ắt có tai ương” hay “tre, trúc nở hoa, lập tức dọn nhà”. Hiện tượng này thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học và đến nay bí ẩn của cây tre đã được vén màn.
Giải mã bí ẩn của cây tre
Nhận định tre đơm hoa, kết trái là “điềm gở” thực chất bắt nguồn từ đặc tính của cây tre. Thứ nhất, tre thuộc bộ Hòa thảo, là loại thực vật có hoa nhưng chỉ ra hoa 1 lần duy nhất trong đời. Cây sẽ đơm hoa kết trái ở giai đoạn cuối đời. Điểm thú vị là chúng sẽ đơm hoa, kết trái trong cùng một thời điểm.
Việc ra hoa, kết trái khiến cho cây tre mất rất nhiều năng lượng. Hay nói cách khác là chúng dồn hết các chất dinh dưỡng cuối cùng trong cây để ra hoa nên hoa tàn thì cây cũng kết thúc sinh mệnh.
Ngoài ra, các nhà khoa học cũng đưa thêm một giả thuyết khác là cây tre mẹ chết để nhường chỗ cho cây con mọc lên.
Thứ hai, thảm họa do tre, trúc gây ra mà người xưa nhắc đến thực chất có liên quan tới quả của nó. Quả tre có phần vỏ dày và cứng như vỏ tre, phần thịt bên trong màu xanh vàng, không có hạt và rất mọng nước.
Đây là món khoái khẩu của các loại chim chóc và gặm nhấm. Vì vậy mỗi khi tre nở hoa, kết trái là trong rừng tre luôn thu hút vô số chuột, chim, từ đó chúng sẽ sinh sản nhiều hơn và gây hại cho con người cũng như mùa màng.
Còn ngày nay, tre trúc được trồng nhiều trong khuôn viên nhà để làm cảnh. Tre, trúc mang vẻ đẹp mộc mạc và giản dị, tượng trưng cho sự hiên ngang, vượt qua mọi sóng gió và mang đến sự may mắn, thịnh vượng cho gia chủ.
Tuy nhiên khi trồng tre, trúc cảnh trong nhà, chúng thường hiếm ra hoa, kết trái. Song, trong quá trình bảo dưỡng bạn nên cắt tỉa thường xuyên để tránh quá rậm rạp, gây ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt.