Sở thích giúp nuôi dưỡng tâm hồn. Nuôi dưỡng một sở thích lành mạnh sẽ mang đến niềm vui trong cuộc sống, một tâm hồn đẹp. Và với chị Lê Thị Thanh Tuyền (Bình Dương), chị yêu cỏ cây hoa lá nên làm vườn chính là một phần quan trọng của trong cuộc sống hàng ngày của chị.
Chị Thanh Tuyền làm vườn từ năm 2018, và hiện tại có đủ loại rau trên sân thượng.
Con kiến tha đất từ ngày này qua ngày khác rồi thành cái vườn “trên mây”
Sau 8 năm ở nhà trọ, hai vợ chồng chị Tuyền cuối cùng cũng có một mái nhà của riêng mình. Cũng từ đây, chị đã được thỏa mãn đam mê của mình – làm vườn rau trên sân thượng.
“Tôi rất yêu thiên nhiên, yêu hoa, yêu lá, yêu cỏ cây. Có lẽ do xuất thân từ gia đình nông dân chính hiệu, được tiếp xúc với cỏ cây từ nhỏ nên tôi mới có niềm yêu cỏ cây mãnh liệt như vậy. Mà thật ra, ngoài để thỏa mãn đam mê làm vườn của mình, tôi cũng muốn trồng rau sạch để đem lại những bữa cơm ngon, đảm bảo sức khỏe cho gia đình nhỏ của mình”, chị Tuyền chia sẻ.
Khoảng sân trước trên sân thượng, chị Tuyền trồng một số loại cây ăn quả, điểm xuyết vài chậu hoa như hoa hồng, mười giờ,... Tại đây chị còn đặt một bộ bàn ghế để thỉnh thoảng lên đây ngồi "chill chill".
Mẹ đảm Bình Dương cho biết, khu vườn nhỏ của chị cỡ 50m2. Khi biết chị làm vườn trên sân thượng, ban đầu ông xã chị không hề ủng hộ, một phần vì thương vợ ngày đi làm vất vả về nhà còn làm vườn, sợ vợ mệt; một phần là sợ về lâu về dài trồng rau tưới nước nhiều sẽ thấm nước xuống sàn, làm hỏng sân thượng.
Dẫu vậy, vì đam mê ngấm trong “máu” nên chị Tuyền vẫn “cãi lời” chồng, đi mua cây về trồng. Mỗi lần chị sắm sanh từng chút một, qua 5 năm mới hình thành được khu vườn ngập tràn hoa trái như bây giờ.
“Buồn quá tôi đi mua cây, rồi những lúc tâm trạng vui tôi cũng mua cây, mua hoa. Lúc đầu chỉ là vài chậu, sau đó là nhiều chậu. Tôi cứ như một con ong chăm chỉ, con kiến tha đất, tha từ ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, rồi năm này qua năm khác, giờ mới thành cái vườn trên mây với đủ thứ rau và cây ăn trái”, chị Tuyền kể.
Một thoáng bình minh trên sân thượng nhà chị Tuyền.
Dần dần, chị Tuyền đã lây cái niềm đam mê sang ông xã, dần dần thái độ của anh cũng thay đổi. Mẹ đảm nhớ lại: “Sáng sáng anh hay lên sân thượng tập thể dục, rồi anh bảo chị: ‘Ngắm vườn rau nhà mình, cảm giác như mình đang ở quê nhà làm anh thấy nhớ má ghê’. Mà thật sự buổi sáng lên vườn là mọi buồn phiền đều tan biến hết cả. Chỉ cần nhìn thấy màu xanh của rau, thấy hoa nở, chim sẻ hót líu lo thì con tim bỗng vui trở lại. Và từ đó, chiều chiều ông xã sẽ phụ chị tưới vườn rau”.
Có cố gắng chắc chắn sẽ gặt được quả ngọt
Làm vườn dưới đất đã không hề dễ dàng, làm vườn trên sân thượng càng khó hơn. Với những nông dân thành thị, phần lớn mọi thứ đều phải mua chứ không hề dễ kiếm như ở quê. Đã vậy, không phải cứ lúc nào bỏ tiền ra mua đất, mua phân, hạt giống,… là sẽ gặt hái được quả ngọt.
Để có được khu vườn như hiện tại, chị Tuyền đã trải qua không ít lần thất bại, nản lòng. Chị kể lúc đầu mới làm vườn, chị trồng rau 3 lần đều thất bại. Chị mua đất tribat trộn sẵn, rau nảy mầm mà cả tháng trời không lớn. Dẫu vậy, chị vẫn không bỏ cuộc, lên mạng “cày” Youtube và lăn lộn trong các hội nhóm làm vườn, trồng rau để học hỏi thêm kinh nghiệm.
Sân thượng nhà chị Tuyền có đủ loại rau xanh như mồng tơi, xà lách, rau cúc, rau cải,... loại nào cũng xanh mướt mát.
Xem rất nhiều trang, rồi cuối cùng chị cũng học được cách trột đất trồng rau bằng đất thịt tự nhiên. Kể từ đó chị trồng rau nào đều xanh tốt, cây ăn trái thì trái sum sê, quanh năm ăn không hết.
Chia sẻ về những khó khăn trong việc làm vườn trên sân thượng, chị Tuyền cho biết vườn rau của chị từng bị rất nhiều loại côn trùng như kiến, sâu cuốn chiếu, sùng đất,… tấn công. “Ban đầu tôi sử dụng phân hữu cơ hoàn toàn, cụ thể là phân bò, mà không biết rằng dùng phân bò sẽ sinh nhiều sâu cuốn chiếu, chúng nhiều tới nỗi bò cả xuống nhà luôn.
Sau này tôi thay thế phân bò bằng phân gà viên của Nhật, phân đạm cá dạng viên, phân dơi, phân dê. Tôi còn ủ rác vỏ trái cây, rác nhà bếp làm phân bón cho cây nên khắc phục được tình trạng này. Thế nhưng, giải quyết được con này thì con khác lại đến. Có những lúc tôi đã rất nản lòng vì vườn quá nhiều kiến. Kiến sẽ sinh rầy trên lá rau”, chị Tuyền cho hay.
Bầu, dưa chuột,... sum suê trái.
Sau đó, chị cũng mày mò ngâm dung dịch sinh học từ ớt, tỏi, rượu và gừng để thay cho thuốc trừ sâu. Nhờ đó, rầy và kiến cũng bớt hẳn. “Sau nhiều lần thất bại, giờ tôi đã có rất nhiều kinh nghiệm trồng rau sạch”, chị Tuyền tự hào nói.
Dù chỉ trồng trong chậu, thùng xốp nhưng cây nào cấy nấy đều sai trĩu quả.
Hiện vườn rau nhà chị Tuyền có đủ loại rau xanh và cây ăn trái. Sân trước chị chuyên trồng cây ăn trái như táo, chanh, cóc, lựu, mãng cầu Thái, dưa lưới, dưa lê, dứa,... Sân sau chị ưu tiên trồng các loại rau xanh và cây dây leo như xà lách, rau thơm, cải ngọt, cải bẹ xanh, rau đắng, cần nước, hẹ, mướp đắng, bầu, bí đao, bí đỏ,…
Chỉ cần bước lên sân thượng là nhà chị Tuyền đã có rau ăn, phục vụ cho mỗi bữa cơm trong gia đình.
Chị Tuyền cho biết thêm, ngoài cung cấp nguồn rau sạch cho gia đình, sau 5 năm làm vườn cũng đã tôi luyện được cho chị tính kiên nhẫn. Không chỉ vậy, mỗi lần khi nhìn thấy thành quả của mình, chị lại như được “hồi sinh” sau những giờ làm việc mệt mỏi, cả người lại khoan khoái dễ chịu, tràn ngập năng lượng.