Chị Ngô Thúy (42 tuổi) ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội khiến các mẹ yêu hoa trầm trồ bởi từ những chai lọ vứt đi chị tận dụng tạo thành những “siêu phẩm tự chế” ngang ngửa bình hoa tiền triệu ngoài thị trường.
Chị Ngô Thúy yêu hoa, đam mê cái đẹp từ ngày còn rất nhỏ.
Theo lời chị Thúy, bản thân chị yêu cắm hoa từ nhỏ, từ những ngày còn học lớp 3, lớp 4 chị đã hái hoa dại ở vẹn đê đem về cắm trưng bày trong nhà.
Khi được hỏi về ý tưởng đi gom những đồ bỏ đi để tự chế thành bình hoa, mẹ Hà Nội không ngần ngại tiết lộ: Do mê phong cách cắm hoa nghệ thuật của Nhật Bản, song những bình cắm kiểu vậy thường rất khó mua vì hiếm nên bản thân đã nảy ra ý tưởng thú vị đó.
Hai bình hoa được chế từ xô đựng đá ngâm rượu.
Mẹ 7X thú nhận thuộc tuýp người cảm xúc nên cắm hoa cũng không ngoại lệ. Chị kể: “Có những buổi mình cắm trên dưới chục bình trong vòng 1-2 tiếng, nhưng lại có khi mất nửa ngày không lên được nổi ý tưởng cho 1 bình. Mình chưa có điều kiện đi học một lớp cắm hoa nào, nhưng như trên mình đã nói, mình mê Ikebana - nghệ thuật cắm hoa của Nhật Bản nên mình cảm tác khi cắm hoa cũng bị ảnh hưởng ít nhiều”.
Lên đến lớp 12, chị Thúy thích cắm hoa kiểu “bình đồng nát”. Từ chính vật dụng trong gia đình chị đã tận dụng hết ví dụ như vỏ hộp sữa bò, vỏ lon bia, cốc mỳ tôm, bình trà hỏng nắp... và thậm chí là vỏ bình rượu của hàng xóm cũng được mình xin lại nếu vô tình gặp họ đi bỏ. Các loại hoa thường được chị cắm với đống bình lượm lặt như hoa hồng, hoa lyly, hoa sao, hoa cúc, thậm chí cả hoa dại.
Bình hoa từ vỏ lon ngô hộp.
Một lọ hoa được chị Thúy tận dụng từ cốc uống nước.
Chứng kiến vợ đi nhặt nhạnh những thứ bỏ đi đem về cắm hoa, anh xã và các con thường hay trêu chị là “mụ đồng nát”, nghe xong chị chỉ cười tươi mà không nói gì.
Chia sẻ về việc cắm hoa vào các bình do mình lượm lặt về, mẹ 7X cho hay: “Mình hay lựa dáng bình cho phù hợp với dáng hoa. Ví dụ 1 chum rượu thì cắm hoa dáng phải khác 1 chai rượu. Nói chung là mình không gặp khó khăn gì so với cắm các bình hoa bán sẵn, mà cảm tác thì có khi nhiều hơn”.
Bình hoa từ chum đựng rượu
Bật mí về kinh nghiệm chơi hoa được lâu, chị Thúy cho rằng đó chính là việc “chuyển nhà cho hoa”, đồng nghĩa với việc hoa chơi đến ngày thứ 3, chị thường lấy ra nhặt lại những bông tươi và cắt bớt phần cuống ngâm trong nước để cắm lại thành 1-3 bình khác với dáng khác. Làm được như vậy nên ngày nào trong nhà chị cũng có hoa tươi mà 1 tuần chỉ phải mua 1-2 lần. Có những loài hoa cắm bền như loa kèn hay cúc họa mi thì cả tuần thậm chí 10 ngày chỉ mua 1 lần nhưng vẫn cắm được rất nhiều kiểu dáng bình lọ khác nhau là nhờ có vụ “chuyển nhà cho hoa”.
Bình hoa từ vỏ chai rượu.
Được tự tay bài trí và cắm những lọ hoa tự chế, thay “nhà mới” cho các loại hoa, chị Thúy cảm thấy vô cùng hạnh phúc: “Mình thấy vui lắm, vui vì đồ người ta bỏ đi mà mình lại tận dụng hữu ích được” – chị nói.
Sở hữu cho mình thú chơi “không giống ai”, tuy nhiên chị Thúy cảm thấy không lạc lõng khi mỗi ngày đều nhận được những tin nhắn hỏi kinh nghiệm và nhờ tư vấn cắm hoa vào các lọ bình đã bỏ đi. Chị cho hay: “Bạn bè, người quen sau khi biết "trường phái" hoa đồng nát của mình cũng có rất nhiều người bị ảnh hưởng. Mới hôm qua thôi, cuối ngày mình còn nhận được rất nhiều tin nhắn gửi hình ảnh cho mình xem để nhờ tư vấn cắm như này đã được chưa, cắm sao cho phù hợp”.
Bình hoa từ vỏ lon bia.
Bình hoa được làm từ ấm trà hỏng nắp.
Với chị Ngô Thúy thì mỗi sản phẩm được hoàn thiện từ các mình do chị nhặt nhạnh về đều là những đứa con tinh thần
Ngoài tận dụng lọ, chai, bình hỏng để cắm hoa, chị Thúy còn khéo léo chế hộp bút, túi xách từ bìa carton. Hoặc tận dụng bìa carton để làm một số đồ chơi cho con như ngôi nhà từ bìa carton, ô tô từ bìa carton... Tuy nhiên những sản phẩm từ bìa carton thường có nhược điểm là độ bền không cao.
Bình hoa được chế từ bình tưới.
Lọ hoa được chế từ quả phật thủ khoét ruột.
Là người yêu cái đẹp nên trong mắt chị Thúy mọi loài hoa đều rất đẹp, từ những bông hoa dại đẹp giản dị cho đến những bông hoa đẹp rực rỡ trong cửa hàng sang trọng. “Với mình cứ là hoa thì mặc nhiên là đẹp rồi, nên cắm bình đắt tiền hay không đắt tiền với mình không quan trọng” – chị cho biết.
Chậu hoa được chế từ chai lavie
Bình hoa được làm từ cốc mì tôm.
Từ câu chuyện “nhặt nhạnh” các loại chai, lọ, bình… của mình, chị Thúy nhắn nhủ đến các mẹ cũng đang ấp ủ ý định chơi “bình đồng nát” đó là, các chị em cần có ít nhất một góc hay một cái giá để xếp gọn gàng và phân loại những bình chai lọ tận dụng tránh biến nhà mình thành một cái kho chứa đồng nát lộn xộn.
Bình hoa được tận dụng từ ly uống rượu, cốc uống nước.