Khoai mỡ hay còn gọi là khoai tím, khoai vạc, củ mỡ,… tên khoa học là Dioscorea alata, có nguồn gốc ở Châu Phi. Khoai mỡ có kích thước to hơn hẳn so với các loại khoai khác, nặng khoảng 4-5kg/củ nhưng cũng có củ nặng tới 50kg.
Bên ngoài củ khoai mỡ có lớp vỏ xù xì, nhiều rễ với màu nâu đen; bên trong có màu tím đặc trưng. Một số loại sẽ có màu tím nhạt hoặc màu trắng, và loại này được gọi là khoai mỡ trắng. Tuy nhiên, khoai mỡ ruột tím được ưa chuộng hơn cả vì khi chế biến sẽ có màu sắc bắt mắt và độ thơm ngon cũng hơn hẳn khoai mỡ ruột trắng.
Loại củ này có thể chế biến được nhiều món ăn khác nhau như nấu chè, nấu canh, nấu cháo, làm bánh,… Không chỉ ngon, khoai mỡ còn rất bổ dưỡng vì nó chứa nhiều chất dinh dưỡng như chất xơ, chất chống oxy hóa, các loại vitamin và khoáng chất gồm kali, sắt, natri,…
Theo các nghiên cứu, ăn loại củ này rất tốt cho hệ tim mạch, hệ tiêu hóa cũng như tốt cho người mắc bệnh xương khớp. Ngoài ra, ăn khoai mỡ còn giúp giảm thiểu hội chứng mãn kinh ở phụ nữ, hỗ trợ kiểm soát lượng đường trong máu, ổn định huyết áp,… Chính vì bổ dưỡng, mang lại nhiều tác dụng như vậy nên khoai mỡ được đánh giá tốt ngang tổ yến.
Cách trồng và chăm sóc cây khoai mỡ
Khoai mỡ rất dễ trồng, đặc biệt phù hợp với thời tiết nước ta là ưa nóng, chuộng nước. Vì vậy, bạn hoàn toàn có thể trồng khoai mỡ tại nhà trong chậu hoặc thùng xốp, sân vườn.
Đặc biệt, cây khoai mỡ khi còn nhỏ có màu tím nhạt, khi lớn lá có màu xanh mướt mắt. Lá mọc theo từng dãy, so le nhau nhìn như mũi mác, trông khá đặc biệt. Thân dây leo nên bạn cũng có thể trồng trong chậu, làm giàn tạo kiểu cho cây và đặt ở ban công, sân thượng để làm cảnh trong khi chờ thu hoạch củ.
- Cách trồng khoai mỡ
Loại cây này có thể trồng được quanh năm, nhưng tốt hơn hết là nên trồng sau mùa lũ. Cây được nhân giống bằng củ. Hãy chọn những củ suôn to, vỏ không bị trầy xước, có thời gian sinh trưởng khoảng 6 tháng khi củ trưởng thành, không bị sâu bệnh để làm giống.
Tiếp theo, hãy ngâm củ giống trong nước sôi (3 sôi: 2 lạnh) khoảng 40 phút để xử lý tuyến trùng gây mục đầu khoai. Vớt ra để ráo nước rồi cắt củ khoai thành từng đoạn dài khoảng 5cm để ươm giống.
Dùng xi măng và vôi trộn theo tỉ lệ 1:1 thoa lên mặt cắt của củ khoai để mặt cắt của khoai không bị thối. Sau đó, đem mục giống đi ủ tro. Rải một lớp tro mỏng rồi xếp các mục giống vào, phủ tiếp một lớp tro nữa lên trên.
Sau khi ủ xong, cần tưới nước đều đặn cho khoai mỡ 2-3 ngày/lần. Sau khoảng 20 ngày, mục giống sẽ nảy mầm, lúc này bạn có thể mang mục giống đi trồng.
Lưu ý, khi trồng cần đặt mầm khoai quay hướng xuống dưới hố. Tiếp theo, nên phủ một lớp đất mỏng và rơm rạ lên trên để giữ ẩm rồi tưới nước.
Ngoài ra, bạn có thể mua sẵn giống cây từ các cửa hàng cây giống rồi mang về nhà trồng để tiết kiệm thời gian.
- Cách chăm sóc cây khoai mỡ
Trong quá trình chăm sóc khoai mỡ, bạn nên chú ý tới những yếu tố sau:
Đất trồng: Khoai mỡ có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau nhưng trồng trên đất sét pha, có độ tơi xốp vừa phải sẽ cho năng suất cao hơn cả. Bạn có thể trộn đất vườn với phân hoai mục, vỏ trấu, xơ dừa, mùn hữu cơ,… để trồng khoai mỡ. Lưu ý, trước khi trồng cần bón lót với vôi và phơi đất 7-10 ngày để xử lý mầm bệnh trong đất.
Tưới nước: Vì khoai mỡ chuộng nước nên bạn cần tưới nước thường xuyên cho cây, có như vậy đất mới đảm bảo đủ độ ẩm cho cây phát triển tốt. Tốt hơn hết nên tưới định kỳ 2 ngày/lần cho cây.
Bón phân: Loại cây này có khả năng tự sinh trưởng tốt nên không cần chăm bón nhiều. Tuy nhiên, muốn cây cho năng suất cao thì bạn nên tưới phân kali pha loãng cho cây sau khoảng 15 ngày sau khi trồng. Ngoài ra, bạn cũng có thể bổ sung thêm phân chuồng hoai mục cho cây sau khoảng 1 tháng trồng.
Thời gian để cây trưởng thành và cho thu hoạch khoảng từ 4-6 tháng. Trước khi thu hoạch khoảng một tuần, bạn nên tưới thêm nước để đất mềm, giúp dễ dàng thu hoạch củ.