Tình hình lũ lụt miền Bắc còn khá phức tạp, một số địa phương như Yên Bái, Lào Cai, Thái Nguyên, Tuyên Quang... nước đã rút, người dân bắt đầu tiến hành dọn dẹp nhà cửa để quay lại cuộc sống. Dưới đây là một số bí kíp dọn nhà sau lũ mà người dân miền Trung chia sẻ.
- Nước trong nhà còn chừng nửa ống chân, có thể dùng chổi, cành cây quét đi quét lại trong nhà cho bùn non theo lũ trôi đi.
- Khoắng mạnh nền nhà theo đà nước rút để cho bùn non cuộn lên trôi theo nước lũ, đồng thời giảm mất sức vì sau lũ lượng phù sa, bùn rất nhiều. Khi đã cạn bùn trong nhà thì tiếp tục làm tương tự với ngoài sân.
- Nước rút đến đâu, dọn đến đó, tận dụng nước lũ, cọ rửa qua tường và các đồ đạc bị ngập như bàn ghế, tủ… Khi nào có nước máy thì chỉ cần rửa lại rất nhanh và không mất công, phòng ngừa trường hợp sau lũ chưa có nguồn nước sạch ngay.
- Nên cố gắng dọn ngay không để rút cạn nước mới dọn vì bùn đọng lại rất khó để vệ sinh.
Ngoài ra, đây là những điểm cần lưu ý khi dọn nhà sau lũ để vừa tiết kiệm thời gian, đảm bảo an toàn:
Lưu ý nguồn điện, đồ dùng điện: Đây là lưu ý đầu tiên mà bạn cần để tâm. Hãy kiểm tra thật kỹ xem có những thiết bị nào đang bị ngập nước hay bị ẩm ảnh hưởng không. Bởi nếu lơ là sẽ xảy ra sự cố giật điện, nguy hiểm đến tính mạng. Cách giải quyết là sấy khô toàn bộ. Riêng với những thiết bị gia dụng như nồi cơm, lò nướng, lò vi sóng, bàn là... thì bạn nên mang ra thợ sửa điện chuyên nghiệp. Hãy chắc chắn rằng các thiết bị điện đều phải khô ráo trước khi sử dụng.
Vệ sinh đồ nội thất, đồ gỗ: Cọ rửa toàn bộ về mặt đồ nội thất bằng chất tẩy rửa chuyên dụng. Hãy cọ thật cẩn thận và lặp lại một vài lần để đảm bảo mọi vi khuẩn bị tiêu diệt.
Làm sạch đồ nệm, da, vải: Những nội thất như sofa, tủ vải, đồ da... thì mang đến chuyên gia sẽ đảm bảo tốt hơn. Còn những đồ như chăn màn, gối, nệm... nếu bị ngấm nước quá lâu ngày thì nên vứt bỏ bởi vệ sinh sẽ không còn tác dụng. Tương tự với quần áo, nếu chúng bị ngấm nước, bùn bẩn quá lâu thì nên bỏ bởi chúng chứa rất nhiều vi khuẩn gây bệnh, đặc biệt là bệnh da liễu. Còn với những loại có thể sử dụng, bạn hãy ngâm hoặc chà trực tiếp vào nước hòa cùng chanh.
Giấy tờ: Đây là những tài liệu quan trọng mà một khi dính nước thì khó trở lại nguyên vẹn. Với các giấy tờ quan trọng, bạn nên thật cẩn thận và nhẹ nhàng. Một giải pháp là hong chúng trong tủ lạnh. Lưu ý là nên đặt một tờ giấy sáp giữa các lớp giấy cần hong khô. Đối với ảnh, phim thì khi làm khô, bạn nhớ đặt ngửa lên cùng giấy thấm phía dưới. Tránh chạm trực tiếp vào bề mặt ảnh bởi sẽ khiến ảnh bị nhòe, mờ.
Vệ sinh đồ bếp: Những đồ như dao, nĩa, đĩa... thì bạn nên rửa bằng xà bông hoặc nước rửa chén sạch sẽ. Tiếp theo tráng qua bằng nước nóng và rửa lại lần nữa bằng nước lạnh để loại bỏ tuyệt đối vi khuẩn.
Khử mùi nhà sau ngập, lụt: Nước lũ cuốn theo rác, bùn, chất thải, xác động vật... chắc chắn sẽ để lại mùi hôi thối trong nhà. Điều cần làm chính là mở hết các cửa sổ đến cửa ra vào để mùi hôi bay ra ngoài. Sau đó giặt sạch, tẩy rửa, lau chùi toàn bộ vật dụng trong nhà bằng chất tẩy rửa chuyên dụng. Cuối cùng là dùng xịt khử mùi hoặc sáp thơm.
Làm sạch nguồn nước sinh hoạt: Nguồn nước sinh hoạt trong bể, bồn chứa rất dễ bị nước lũ ngập vào. Cách xử lý là bạn hãy xả toàn bộ lượng nước bên trong, sau đó tiến hành khử trùng bằng cloramin B. Dùng 1 viên cloramin B 0,25g hòa trong một cốc nước, đổ trực tiếp cốc này vào nguồn chứa nước gia đình bạn (25l). Sau 30 phút là bạn có thể sử dụng trở lại. Tuy nhiên dù có khử khuẩn bạn cũng nên đun sôi nước trước khi sử dụng. Một cách khác là sử dụng phèn chua nếu cần nước sinh hoạt gấp. Cho một ít phèn chua vào cốc nước rồi đổ trực tiếp vào nguồn chứa nước khoảng 20-25l và khuấy đều. Sau 30 phút cặn sẽ lắng xuống đáy là có thể sử dụng được.