Thời gian vừa qua nhiều người mê cây cảnh đua nhau bỏ tiền tỷ để sở hữu những cây có thế dáng độc đáo. Mới đây, cây sanh cổ "xấu xí" được nhiều người chia sẻ lại. Người chủ nhân đã dành 10 năm chăm nom, tạo tác và biến nó thành tác phẩm có giá trị cao.
Lần đầu xuất hiện tại triển lãm cây cảnh Sơn Tây (2019), cây sanh cổ có tên “nghênh phong phụ tự” thu hút khá đông du khách cũng như giới chơi cây bởi dáng thế độc đáo.
Cây sanh cổ thế "lạ" thu hút nhiều người yêu cây cảnh đến chiêm ngưỡng. Ảnh: Dân Việt.
Trước đó, Anh Nguyễn Tiến Dũng (Thường Tín, Hà Nội), chủ nhân của tác phẩm chia sẻ trên báo Dân Việt, đây là lần đầu tiên mang tác phẩm này đi triển lãm, cây của anh có dáng thế "lạ", mang tính nghệ thuật cao nên được anh em, bạn bè rất thích.
Theo lời anh Dũng, hơn 10 năm trước, anh là một nhân viên của một công ty chuyên về giải khát. Vì tình yêu quá lớn với cây cảnh nên anh quyết định bỏ nghề và chuyển sang làm cây.
Nói về cây sanh độc lạ của mình, anh Dũng cho hay, cách đây 10 năm, anh mua cây sanh này ở TP.Thanh Hóa, thời điểm đó nó chỉ là một phôi (chưa có tay cành), thân rất già mang dáng trực. Khi mang cây về, anh nhận thấy có thể chuyển từ dáng trực sang dáng hoành cây sẽ đẹp hơn.
Rễ cây đã “ăn” vào từng hốc đá tạo thành một bệ rễ vững chắc.
Cây sanh cổ trước có tám tầng, khi chỉnh sửa anh Dũng dựa vào độ già của cây để tạo tác. "Hai tay cành phóng sang hai bên tạo dáng cân bằng cho cây, tượng trưng cho người cha dạy dỗ, truyền lại những kinh nghiệm cho người con", anh Dũng giải thích.
Để có bộ răm, bông dày đẹp như vậy, việc uốn nắn, cắt tỉa cây diễn ra trong một thời gian rất dài. Được biết, mỗi năm chủ cây ép lá rụng 4 lần. Sau mỗi năm chỉnh sửa, lượng răm dày lên gấp đôi tạo nên nét độc đáo riêng biệt mà không phải cây sanh nào cũng có được.
Cây sanh cao tính từ mặt chậu lên ngọn khoảng 1,3m, chiều dài bông tán khoảng 1,6m. Ảnh: Dân Việt.
Anh Vương Xuân Nguyên (người chuyên viết cây cảnh) đánh giá, cây tuy không già nhưng mang tính nghệ thuật rất cao, cây được làm rất tỉ mỉ từ thân đến ngọn, đặc biệt bộ răm, chi rất dày.
Tại thời điểm mang cây đi triển lãm, chủ cây đưa ra mức giá khoảng 2,5 tỷ đồng. Nếu tìm được người có duyên với cây thì sẽ chuyển nhượng.
Cây sanh cảnh được nhiều người ưa chuộng bởi vẻ đẹp độc đáo trong những loại cây cảnh. Thực tế, thị trường cây cảnh tại Việt Nam thời gian qua xuất hiện không ít cây sanh "cổ - kỳ - mỹ" đã được định giá tiền tỷ. Một tác phẩm “Vân vũ quần tùng” khác cũng mang giá trị nghệ thuật rất cao, được nhiều người ưa thích thuộc sở hữu của ông chủ tên Hưng ở Quảng Ninh. Trong các cuộc triển lãm, nhiều đại gia có tiếng muốn hỏi mua, trả giá vài tỷ đồng nhưng chủ nhân vẫn chưa muốn bán bởi anh coi cây như “báu vật” trong nhà.
Tác phẩm “Vân vũ quần tùng” của anh Hưng, từ bệ rễ, thân, tay càng và bông tán đều đã rất gọn gàng, tỷ lệ cân xứng. Nhìn cây mặt trước và mặt sau có chiều sâu, cây có tay cành tỏa đều, một ngọn trực và một tay cành lớn phóng tạo sự mềm mại nhưng cũng rất vững chãi.
Cây sanh cổ mới đầu có tán rất lớn, chủ nhân cây đã cùng một số nghệ nhân lên ý tưởng và tạo tác trong 10 năm mới có kiểu dáng hoàn thiện, nhìn mê mẩn như hiện tại. Ảnh: Dân Trí.
Trên báo Dân Trí, chia sẻ về cái duyên khi sở hữu được cây, anh Hưng cho biết: "Lần đầu tôi sang thấy cây đã thích nhưng chủ nhân không bán. Lần thứ hai sang họ có ý định bán nhưng mình không đủ tiền đành gán lại chiếc ô tô đang đi và bán nhà để có đủ tiền mua cây. Tổng số tiền mua cây lúc đó là 500 triệu đồng”.
Sau hơn 10 năm bán hết gia tài để có được cây sanh độc đáo này, anh Hưng đã chăm sóc, tạo dáng thế cẩn thận và đặt tên tác phẩm “Vân vũ quần tùng”. Hiện nay theo nhiều người trong giới chơi cây cảnh đánh giá cây có giá hàng tỷ đồng.