Đối với những người trồng hoa lâu năm, hầu hết ai cũng sẽ chăm sóc tốt cho hoa và cây cảnh của mình, đồng thời đúc rút ra được một số kỹ năng và phương pháp trồng hoa hữu ích. Trong đó phải kể đến cách tận dụng những nguyên vật liệu đơn giản trong cuộc sống để tưới và bón cho hoa.
Dưới đây là 3 thứ phổ biến được người trồng hoa thường dùng, bạn có thể tham khảo để học theo. Tuy nhiên những mẹo này lại là “con dao 2 lưỡi”, dùng đúng thì cây sẽ tươi tốt, hoa nở rộ nhưng nếu làm sai có thể khiến cây bị thối rễ, vàng lá. Vì vậy bạn đừng hời hợt khi tìm hiểu kẻo làm sai rồi hại hoa, cây cảnh của mình.
1. Nước vo gạo
Nhà nào cũng có nước vo gạo và ai cũng biết thứ nước này rất giàu chất dinh dưỡng như đạm, lân, kali,… Đây là những chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của cây trồng nên bạn có thể dùng để tưới hoa.
Song cần nhớ rằng, bạn không nên tưới trực tiếp nước vo gạo vào chậu cây mà cần phải dùng nước vo gạo lên men. Nếu đổ trực tiếp nước vo gạo xuống đất mà không qua xử lý, nước sẽ lên men trong đất và giải phóng nhiệt, khí cacbonic, làm cháy rễ cây cảnh, khiến lá hoa chuyển sang màu vàng, thậm chí chết.
Hãy trữ nước vo gạo vào thùng nhựa, đậy nắp kín và để ngoài trời khoảng 1 tháng cho lên men hoàn toàn. Lấy nước này pha loãng với nước theo tỷ lệ 1:10 rồi dùng để tưới cây. Cây lan chi, lan càng cua, hoa trường sinh,… đều rất thích thứ nước dinh dưỡng này.
2. Nước đậu nành
Có lẽ nhiều người yêu hoa đều biết đậu nành (đậu tương) là một loại phân bón rất tốt để trồng hoa, vì đậu nành chứa rất nhiều đạm, lân, kali và các chất dinh dưỡng khác, có thể đáp ứng nhu cầu sinh trưởng của cây về mọi mặt. Tuy nhiên bạn không nên bón trực tiếp đậu nành hay bã đậu nành vào đất, vì thời gian phân giải chất dinh dưỡng lâu, khoảng 3-4 tháng thì cây mới có thể hấp thụ được các chất dinh dưỡng, khiến cây không có đủ chất để phát triển.
Hơn nữa, trong quá trình này dễ sản sinh nấm bệnh và gây ra mùi hôi thối ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày. Chìa khóa để sử dụng đậu nành bón cho cây cảnh, hoa chính là ủ đậu nành lên men hoàn toàn.
Để làm đậu nành lên men, trước tiên bạn cần nấu chín đậu rồi cho vào thùng. Sau đó chuẩn bị một ít vỏ cam, vỏ bưởi hoặc vỏ chanh, thái nhỏ, cho vào thùng. Đổ đầy nước đến 8 phần rồi đậy kín thùng và để nơi ấm áp, thoáng gió. Cứ 2-3 ngày mở nắp thùng một lần để ra bớt khí, sau khoảng nửa tháng đậu nành đã lên men hoàn toàn và có thể sử dụng được. Lúc này bạn hãy pha loãng dung dịch đậu nành lên men với nước theo tỷ lệ 1:50 để tưới cho cây.
3. Bia
Khi dưỡng cây vạn niên thanh, trầu xanh xanh, lan chi,… có thể dùng bia để tưới. Trong bia có chứa chất hữu cơ lên men dạng hạt, phong phú về chất dinh dưỡng và nguyên tố vi lượng, có tính axit nhẹ, rất hữu ích cho sự phát triển và ra hoa của một số loài cây cảnh ưa axit, đồng thời ngăn ngừa sự nén chặt của đất.
Tuy nhiên, nếu đổ bia trực tiếp vào chậu cây dễ khiến cây cảnh bị cháy rễ và chết. Cách tốt nhất để dùng bia tưới cho cây cảnh đó chính là bạn cần mở nắp chai bia ra và để như vậy trong vòng 1-2 ngày cho cồn bên trong bay hơi hết. Sau đó, hãy pha loãng bia với nước theo tỷ lệ 1:50 rồi hẵng tưới cho cây cảnh.
4. Dầu thải từ máy hút mùi
Dầu thải từ máy hút mùi có thể dùng để tưới hoa, vì nó chứa nhiều lipid và protein, những chất dinh dưỡng rất tốt cho cây cảnh. Song, khi sử dụng dầu thải trong máy hút mùi để trồng hoa, không nên tưới trực tiếp lên bề mặt đất chậu, nếu không sẽ thu hút sâu bệnh tới hoặc làm thối rễ cây.
Thay vào đó, bạn nên đào vài lỗ nhỏ xung quanh chậu hoa, đổ dầu thải từ máy hút mùi vào rồi lấp đất lại. Như vậy dầu thải sẽ lên men tự nhiên, từ từ phân hủy thành chất hữu cơ giúp cây hấp thụ dần dần.