Trong số các thiết bị gia dụng, tủ lạnh là một thiết bị không thể thiếu, giúp bảo quản thực phẩm và nâng cao chất lượng cuộc sống của con người. Việc bố trí tủ lạnh không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ của ngôi nhà mà còn ảnh hưởng đến sự tiện lợi trong cuộc sống của chúng ta.
Tuy nhiên, nhiều người lại gặp khó khăn trong việc lựa chọn vị trí đặt tủ lạnh. Họ không biết nên đặt tủ lạnh ở phòng khách hay phòng bếp thì tốt hơn.
1. Ưu, nhược điểm khi đặt tủ lạnh trong bếp
Tủ lạnh chủ yếu dùng để bảo quản những thực phẩm như rau củ quả, thịt, cá,… Đặt tủ lạnh trong bếp giúp bạn dễ dàng bảo quản và lấy thực phẩm khi chế biến, đặc biệt là những nguyên liệu cần để trong ngăn đông lạnh.
Nếu nhà bếp có đủ không gian để đặt một chiếc tủ lạnh, điều đó thật tiện lợi. Tuy nhiên, nếu diện tích nhà bếp tương đối nhỏ, đặt tủ lạnh ở đây có thể phát sinh những vấn đề sau:
- Chiếm diện tích:
Nếu căn bếp nhỏ, đặt một chiếc tủ lạnh ở đây sẽ khiến căn bếp rất chật chội, khó di chuyển.
- Ảnh hưởng tới quá trình tản nhiệt của thiết bị:
Nhược điểm thứ hai của việc đặt tủ lạnh trong bếp là ảnh hưởng đến khả năng tản nhiệt của thiết bị. Chúng ta đều biết rằng, bất kỳ thiết bị điện nào cũng cần tản nhiệt, nếu không sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ cũng như quá trình hoạt động của nó.
Tủ lạnh cũng không ngoại lệ. Một khi quá trình tản nhiệt không được đảm bảo sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả làm mát, thậm chí không thể bảo quản thực phẩm tươi ngon. Trong bếp có quá nhiều đồ linh tinh, đặt tủ lạnh ở đây sẽ ảnh hưởng đến tác dụng tản nhiệt của tủ lạnh.
- Khó làm sạch:
Nhược điểm thứ ba khi đặt tủ lạnh trong bếp là khó vệ sinh. Nhà bếp là nơi bị ô nhiễm dầu nặng nhất trong nhà, nhất là khi một số gia đình thích xào nấu ở nhiệt độ cao, khói dầu sinh ra bám vào tủ lạnh chắc chắn sẽ làm tăng thêm gánh nặng trong việc vệ sinh.
Nếu muốn lớp vỏ ngoài của tủ lạnh không dính dầu mỡ thì mỗi ngày sau khi nấu nướng, bạn cần phải lau chùi tủ ngay, điều này rất lãng phí thời gian.
- Tăng hóa đơn tiền điện:
Đặt tủ lạnh trong bếp có thể là làm tăng hóa đơn tiền điện. Nguyên nhân là do khi nấu nướng trong bếp, nhiệt độ rất cao, để đảm bảo nhiệt độ bên trong thì thiết bị cần hoạt động với công suất cao. Điều này đương nhiên sẽ làm tiêu tốn nhiều điện năng hơn.
Đây là lý do tại sao những gia đình đặt tủ lạnh trong bếp thường có lượng điện tiêu thụ nhiều hơn.
- Có những rủi ro về an toàn:
Vì bên trong các thiết bị điện có dây điện dày đặc nên tất cả các thiết bị điện đều sợ nước và lửa. Tủ lạnh không phải là trường hợp ngoại lệ.
Trong khi đó, nhà bếp là nơi “gặp nhau” của nước và lửa, đặt tủ lạnh ở đây sẽ dễ trở thành mối nguy hiểm về an toàn trong nhà bếp. Một khi tủ lạnh bị rò điện và tiếp xúc với nước trong bếp, người ở trong bếp có thể bị điện giật, gây ra những rủi ro an toàn nhất định.
2. Ưu, nhược điểm khi đặt tủ lạnh trong phòng khách
Đặt tủ lạnh trong phòng khách có thể tiết kiệm không gian trong bếp và có thể phù hợp hơn với những căn hộ nhỏ hoặc thiết kế bếp mở. Ngoài ra, nếu nhà bạn có khách, họ có thể dễ dàng lấy đồ trong tủ lạnh ra mà không cần phải vào bếp.
Tuy nhiên, phòng khách không phải là nơi tốt nhất để đặt tủ lạnh. Bởi, tiếng ồn phát ra khi tủ lạnh hoạt động có thể ảnh hưởng đến việc nghỉ ngơi của các thành viên trong gia đình hay cuộc trò chuyện khi có khách đến thăm.
3. Nên đặt tủ lạnh ở bếp hay phòng khách?
Thực ra, đặt tủ lạnh ở bếp hay phòng khách còn phụ thuộc vào cách bố trí và thiết kế của ngôi nhà cũng như thói quen và nhu cầu sử dụng cá nhân.
Đặt tủ lạnh trong bếp có thể là lựa chọn tốt hơn, nếu bếp có đủ không gian và dễ sử dụng.
Nếu phòng khách rộng và thuận tiện cho khách sử dụng, hoặc nhà bếp quá nhỏ thì đặt tủ lạnh trong phòng khách sẽ thích hợp hơn.
Tuy nhiên, dù đặt tủ lạnh ở đâu thì bạn cũng cần đảm bảo 2 yếu tố sau:
- Không được đặt tủ lạnh quá gần các vật dụng có tỏa ra nhiệt độ cao như bếp gas, lò nướng,… Vỏ ngoài của tủ lạnh được làm bằng một tấm sắt mỏng và không chịu được nhiệt độ cao. Bạn cũng không nên đặt tủ lạnh ở nơi có ánh nắng chiếu trực tiếp vào.
- Đảm bảo dành đủ không gian xung quanh tủ lạnh và không tích tụ các vật dụng để tránh nhiệt độ môi trường xung quanh quá cao khiến khả năng tản nhiệt của tủ lạnh kém và tăng mức tiêu thụ điện năng.
Tất nhiên, so với vị trí của tủ lạnh, việc lựa chọn tủ lạnh thực sự quan trọng hơn. Khi chọn tủ lạnh, chúng ta cần xem xét toàn diện nhiều yếu tố như công suất, mức tiêu thụ năng lượng, thương hiệu và mẫu mã, giá cả, hình thức và thiết kế… để lựa chọn một chiếc tủ lạnh phù hợp với nhu cầu sử dụng của gia đình mình.