Đào huyền là gì?
Theo đó, những năm gần đây đào huyền (đào dáng huyền) được nhiều gia đình ưa chuộng và lựa chọn trưng trong nhà dịp Tết đến, xuân về. Không chỉ có dáng lượn mềm mại mà đào huyền còn phù hợp với nhiều không gian cắm (từ nhà rộng đến nhà hẹp, chung cư, nhà ống,…).
Đào dáng huyền có thế thân cây trườn qua mép chậu đổ xuống phía dưới giống như dòng thác đổ.
Theo ý nghĩa tự nhiên, cây đào hữu huyền sống trong môi trường có khí hậu khắc nghiệt như sườn núi, vách đá... Gốc cây sẽ bám chắc vào đá, ngọn cây thì vươn lên gợi một hình ảnh về sự kiên trì, bền bỉ vượt qua phong ba bão táp, và hướng tới những giá trị tốt đẹp.
Ngoài ra, dáng hoa mềm mại như nước chảy nên được nhiều gia đình lựa chọn với mong muốn mang lại nhiều điều tốt đẹp trong năm mới.
Cách cắm và chăm sóc đào huyền nở đẹp đúng ý gia chủ
Chia sẻ về cách chọn đào huyền, chị Thanh Nhài (Quảng Ninh) cho biết, đây là khâu quan trọng nhất, cho dù mua trực tiếp hay online đều phải chọn được 1 cành đào tươi, thân khỏe chắc, chồi nụ nhiều và mập mạp.
Về cách chọn bình, cành đào dáng huyền sẽ phù hợp với một chiếc chuông gốm miệng nhỏ sẽ giúp định vị gốc đào chắc chắn hơn. Kích thước tuỳ theo cành đào mình cắm. Màu sắc thường là nâu mộc hay phù hợp với không gian nội thất nơi trưng đào.
Ngọn cây dài hơn đáy chậu và có xu hướng vươn lên thể hiện sự kiêu sa, tượng trưng cho sức sống mãnh liệt, sự bền bỉ kiên cường, hướng tới những điều tốt đẹp.
Đặc biệt, cách dưỡng và cắm cành đào mọi người cần chú ý:
"Mua đào về khi chưa tháo dây, mọi người xịt ẩm toàn bộ cả cành đào dưới vòi nước chế độ phun sương tầm 5-10 phút cho hồi hoa.
Tôi thường không đốt gốc mà dùng cưa cưa lại gốc, dùng dao sắc gọt khoanh vỏ khoảng 10cm để đào thông mạch và hút được nhiều nước nuôi dưỡng hoa nở. Sau đó, rửa sạch bình cắm cành đào và dùng nước sạch có pha gói dưỡng để cắm hoa (có nước mưa hay nước ion kiềm thì tuyệt vời nhất)".
Xử lý phần gốc và phun sương đều đặn lên cành và nụ hoa sẽ giúp hoa nở đều.
Bên cạnh đó, để bình đào ở nơi khuất gió để tránh hoa nhanh rụng cánh. Hàng ngày mọi người nên phun sương 1-2 lần toàn bộ bề mặt nụ hoa cho đến khi hoa nở thì dừng. Có thể thay nước trong bình cắm hoa 3-5 ngày một lần và mỗi lần thay nước sẽ thêm gói dưỡng mới để cung cấp dinh dưỡng cho hoa tươi lâu và nụ, lộc lá phát triển.
Ngoài ra, nếu trời quá lạnh thì sử dụng nước ấm để cắm giúp đào nở nhanh. Trời quá nóng thì hãm bằng cách cho thêm đá lạnh vào bình nước cắm đào.
Còn miệng to hơn như chuông trong hình thì chèn thêm viên gạch xuống đáy, hoặc có thể dùng sỏi trắng, ko nên dùng cát bít mạch hoa sẽ nhanh héo.
Nhìn thấy hoa đào là thấy Tết về.
Có thể ghép 2 cành huyền mini trưng ở ô cửa sổ như trên.
Muốn cành đào đứng chắc chắn mà ko cần chằng dây ở gốc thì lựa chiếc chuông miệng nhỏ đổ thật đầy nước, thả cành đào vào là xong. Có thể cố định phía đầu cành đào bằng 1 sợi dây thừng nhỏ.
Cành đào huyền màu phai cánh kép (còn được gọi là hồng đào hay đào phai) có ưu điểm là nụ và hoa dày đặc, lộc lá xanh nảy sau khi hoa nở.
Còn bích đào cánh kép Nhật Tân thì mắt hoa thưa hơn nhưng ưu điểm là bông rất to và dày cánh, khi mua về đã có lộc lá xanh nhìn thích mắt.
Có thể trang trí thêm phụ kiện cho cành đào huyền thêm sinh động.
Hoa đào chồi nụ dày từ gốc lên tới tận ngọn.
Bích đào tuy ít hoa hơn nhưng bù lại lộc lá xanh mơn mởn và bông hoa rất to và dày cánh.
Cả gia đình quây quần, cùng trò chuyện, uống trà, ăn bánh kẹo và ngắm hoa đào.
Và dù nhìn từ góc nào cành đào huyền cũng duyên dáng.
Những bông hoa đào nở rộ cho sắc xuân thêm tươi mới.
Một cành đào huyền phù hợp với nhiều không gian to nhỏ khác nhau. Tuỳ theo không gian và chiều cao chiều dài của cành đào mình có thể để chuông cắm đào ở dưới đất.
Cành đào huyền giúp không gian ngôi nhà thêm tươi mới và tràn đầy không khí xuân, Tết.