Lan quân tử còn có những tên gọi khác như đại quân tử, huệ đỏ, lan huệ da cam,… và tên khoa học là Clivia nobilis. Đây là loại hoa thân thảo, có nguồn gốc từ Nam Phi.
Lá cây màu xanh đậm, xếp thành nhiều lớp đan xen nhau trông khá đẹp mắt. Tuy nhiên điểm thu hút nhất của cây chính là hoa. Hoa lan quân tử nở thành từng chùm, có màu cam nổi bật.
Lan quân tử sống lâu năm, nếu được chăm sóc tốt cây có thể sống được 8-10 năm. Cây có sức sống mạnh mẽ nhờ bộ rễ ăn sâu vào lòng đất, có thể sống được trong các môi trường khắc nghiệt, nên nó tượng trưng cho lối sống mạnh mẽ và ý chí vươn lên trong cuộc sống.
Ngoài ra, lan quân tử còn tượng trưng cho sự thịnh vượng vững bền. Nhiều người tin rằng trồng lan quân tử trong nhà sẽ mang đến sự may mắn, thành công trong sự nghiệp, giúp gia đình có cuộc sống sung túc, hạnh phúc.
Không những thế, hoa lan quân tử còn có thể hấp thụ bức xạ từ các thiết bị điện tử, thanh lọc không khí hiệu quả.
Dẫu vậy, những năm gần đây loài hoa thịnh vượng này lại không mấy được ưa chuộng. Nhiều người từ chối trồng hoa lan quân tử trong vườn nhà, thậm chí đưa nó vào danh sách đen vì 3 lý do dưới đây:
1. Lá dễ bị chuyển sang màu vàng
Lan quân tử là loài cây ngắm cả hoa lẫn lá. Tuy nhiên, hoa lan quân tử lại dễ bị vàng lá.
Nếu cây lan quân tử xuất hiện lá vàng, bạn hãy nhanh tay loại bỏ những chiếc lá vàng kịp thời. Ngoài ra, bạn cần chú ý hơn đến việc tưới nước và bón phân cho cây.
Cụ thể, không nên tưới quá nhiều nước cho cây, mỗi tuần chỉ cần tưới khoảng 2 lần là được. Nhưng lưu ý, nên tưới trực tiếp vào gốc, tránh tưới vào thân kẻo nước tích tụ trong bẹ lá gây thối thân cây.
Lan quân tử không cần bón phân quá nhiều, bạn chỉ cần bón phân cho cây khoảng 1-2 lần mỗi năm. Cây cũng ưa sáng, nếu sống trong môi trường thiếu sáng lâu ngày cây sẽ kém phát triển, vàng lá. Tuy nhiên bạn không nên đặt cây dưới ánh nắng trực tiếp kẻo vàng lá, cháy lá.
2. Khả năng chống nắng kém
Lan quân tử mặc dù là loại cây ưa sáng nhưng khả năng chống nắng của nó lại rất kém. Chúng không thể tiếp xúc với ánh nắng mạnh trong thời gian dài. Nếu phơi nắng lâu, lá lan quân tử sẽ chuyển sang màu đen hoặc cháy sém. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến giá trị làm cảnh của cây mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của nó.
Để bảo vệ lan quân tử khỏi bị cháy nắng, bạn nên chọn môi trường phát triển phù hợp và tránh để cây tiếp xúc nhiều với ánh nắng gay gắt. Bạn có thể chọn di chuyển cây ra ngoài trời vào sáng sớm hoặc chiều tối khi ánh nắng chưa quá gắt, hoặc chọn vị trí có ánh nắng vừa phải để bảo dưỡng cây.
3. Không dễ nở hoa
Nhiều người trồng lan quân tử mấy năm mà không thấy cây nở hoa, nên chỉ biết bất lực ngắm nhìn những chiếc lá. Điều này chứng tỏ hiệu suất ra hoa của lan quân tử quá kém.
Trên thực tế, lan quân tử ra hoa khi cây phải trên 4 năm tuổi và có không dưới 12 lá. Khi đáp ứng được 2 điều kiện này, bạn còn cần phải chú ý những điều sau trong quá trình bảo dưỡng:
- Cung cấp môi trường nhiệt độ và độ ẩm thích hợp. Lan quân tử có những yêu cầu nhất định về nhiệt độ và độ ẩm, nếu môi trường quá khô hoặc nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp thì sẽ ảnh hưởng tới việc ra hoa của cây.
- Cắt tỉa định kỳ để cây gọn gàng, không tạo môi trường lý tưởng để các loài sâu, bệnh hại phát triển tấn công, đồng thời giúp tiết kiệm chất dinh dưỡng để kích thích cây nhanh ra hoa.
- Trong quá trình chăm sóc, cần thường xuyên kiểm tra cây lan quân tử để khi phát hiện sâu hoặc bệnh có phương pháp để điều trị thích hợp.
Vì việc bảo dưỡng khá phức tạp, trồng lâu mới có hoa nên nhiều người không có đủ kiên nhẫn để chờ đợi. Do đó, họ mới đưa cây lan quân tử vào danh sách đen. Tuy nhiên nếu có đủ nhẫn nại, chăm sóc tốt thì bạn cũng có thể trồng lan quân tử trong nhà để tô điểm cho không gian sống cũng như mang đến tài lộc, sự thịnh vượng cho gia đình.