Vỏ chai nhựa rất dễ kiếm. Sau khi uống nước xong mọi người đều vứt thẳng vào thùng rác hoặc gom lại đem đi bán sắt vụn để tái chế nó hoặc ai khéo tay có thể biến nó thành những món đồ thủ công độc đáo, đẹp mắt.
Ngoài ra, bạn cũng có thể tận dụng vỏ chai nhựa để ứng dụng trong đời sống hàng ngày. Chẳng hạn cho nó vào máy giặt để giải quyết tình trạng quần áo bị nhăn nhúm lại sau khi giặt.
Không phải ai cũng có thời gian để là phẳng phiu quần áo sau khi khô, hoặc có thể là vì lười. Nhưng mặc những bộ quần áo nhăn nhúm khi ra ngoài đường lại khiến chúng ta tự ti, bị người xung quanh đánh giá là xuề xòa. Vì vậy, sẽ thật tốt nếu quần áo giặt xong sẽ phẳng phiu như đã được ủi.
Thực ra, khắc phục vấn đề này không khó, bạn có thể giải quyết bằng cách bỏ hai chai nhựa rỗng vào trong máy giặt. Lưu ý, nhớ vặn chặt nắp lại.
Bằng cách này khi máy giặt hoạt động, chai nhựa sẽ xoay theo quần áo. Dù có trộn lẫn thế nào thì quần áo cũng không bị vướng, thắt nút lại, gây khó khăn khi lấy đồ ra đi phơi và hạn chế tình trạng quần áo bị nhăn.
Ngoài ra, khi cho chai nhựa vào thì lưu lượng nước phía trên sẽ thay đổi, lưu lượng nước phía dưới không thay đổi. Điều này sẽ làm tăng lực khuấy giữa các dòng nước, quần áo sẽ bị khuấy qua lại theo dòng nước giúp tăng hiệu quả làm sạch của máy giặt.
Một số cách khác giúp quần áo sau khi giặt bằng máy giặt không bị nhăn nhúm
- Dùng bóng giặt chống nhăn nhàu quần áo
Nếu khó chịu và lo ngại với việc bỏ hai vỏ chai vào máy giặt, bạn có thể mua vài quả bóng giặt chống nhăn nhàu quần áo về bỏ trong máy giặt. Trên thị trường hiện có rất nhiều loại bóng giặt, giúp hỗ trợ việc giặt giũ chẳng hạn như chống nhăn, giúp quần áo giặt sạch sẽ hơn.
Bóng giặt thường được thiết kế có dạng hình tròn, chất liệu nhựa hoặc cao su. Ngoài việc mua những quả bóng giặt, bạn cũng có thể sử dụng những quả bóng tennis để chống nhăn quần áo trong máy giặt.
- Dùng túi giặt
Ngoài bóng giặt, bạn cũng có thể mua một chiếc túi giặt để đựng quần áo khi giặt. Chúng sẽ ngăn quần áo cọ xát vào nhau và đảm bảo quần áo không xoắn, quấn chặt vào nhau. Khi quần áo không bị xoắn rối vào nhau, chúng sẽ không bị nhăn nữa.
Bên cạnh đó, bạn nên cho các loại quần áo dễ bị hỏng như các loại vải thêu, có tua khuy, khóa kéo và khuy móc vào túi giặt hoặc có thể cho đồ lót hoặc quần áo trẻ em,… vào túi giặt, giúp tránh tình trạng quần áo bị méo mó, biến dạng.
- Điều chỉnh chế độ giặt hợp lý cho từng loại vải
Chế độ vắt đóng vai trò rất quan trọng đến độ nhăn, độ bền của quần áo. Bạn nên chọn chế độ giặt phù hợp với từng loại vải nếu chúng có sẵn trên máy giặt của bạn. Nên chọn tốc độ vắt vừa phải, tốt nhất nên chọn chế độ vắt đồ len.
Với những loại vải dễ nhăn như vải lụa, vải lanh, nên chọn tốc độ quay thấp vì càng quay nhanh, quần áo càng bị xoắn vào nhau chặt hơn, làm chúng nhăn nhiều hơn và dễ rách.
- Nên phơi quần áo ngay sau khi giặt xong
Để càng lâu trong máy giặt quần áo càng dễ bị nhăn nhiều hơn. Không những vậy, trong môi trường ẩm ướt cũng rất dễ sản sinh vi khuẩn, nấm mốc khiến quần áo có mùi hôi khó chịu. Vì vậy tốt hơn hết, khi máy giặt vừa kết thúc chương trình giặt thì bạn nên phơi quần áo ngay.
Khi phơi quần áo, nên giũ thật mạnh để quần áo được phẳng phiu. Bạn cũng có thể trải áo quần ra rồi dùng tay miết lên các nếp nhăn rồi phơi để giảm nếp nhăn trên quần áo.