Khi hỏi về tác dụng của việc trồng rau làm vườn, nhiều người sẽ trả lời ngay là cung cấp rau sạch cho gia đình. Nhưng trên thực tế, làm vườn còn mang lại vô vàn lợi ích khác, nó có thể cải thiện sức khỏe thể chất và chữa lành những căn bệnh về tinh thần. Điều này hoàn toàn đúng với chị Nguyễn Thị Tuyết Hoa (sống ở Hòa Minh, Đà Nẵng), khi làm vườn trên sân thượng, chị đã nhận về nhiều hơn mong đợi.
Chị Tuyết Hoa.
Mẹ đảm chi 250 triệu xây khu vườn chữa lành trên sân thượng
Chị Tuyết Hoa cho biết, năm 2019 chị thường bị tụt canxi, kali máu và tháng nào cũng phải nhập viện. Sau 2 năm thăm khám nhiều nơi, cuối cùng chị cũng tìm ra nguyên nhân là do rối loạn lo âu (một dạng của trầm cảm). Bác sĩ khuyên chị nên làm việc vừa phải, thường xuyên tập luyện thể thao, ngồi thiền và quay trở lại với thiên nhiên. Vì sống ở thành phố nên việc hòa mình vào cây cỏ không phải là điều dễ dàng, nhưng sau đó ông xã đã hỗ trợ chị biến sân thượng thành vườn rau để chị được gần gũi với thiên nhiên.
Vào tháng 4/2022, chị Tuyết Hoa đã bắt tay vào công việc làm nông dân của mình. Mẹ đảm cho biết, chị có 2 vườn trên sân thượng, một vườn rộng 55m2 trồng chủ yếu là cây ăn trái, một vườn rộng 20m2 thì trồng chuyên rau.
Chồng đã giúp chị Tuyết Hoa xây dựng khu vườn trên sân thượng.
Quá trình làm vườn chia làm 2 giai đoạn. Ban đầu vợ chồng chị làm chống thấm, khung giàn, kệ và chậu trồng rau. Sau khi làm vườn một thời gian, nhận thấy thời tiết ven biển nắng gắt, gió mạnh và đặc biệt nhiều chim khiến sản lượng không nhiều nên sau đó vợ chồng chị Tuyết Hoa quyết định làm nhà lưới và hệ thống mái che di động vào đầu năm 2023. Tổng chi phí đầu tư ban đầu cho khu vườn khoảng 250 triệu.
“Trồng rau trên sân thượng nên vấn đề chống thấm là cực kỳ quan trọng và vợ chồng tôi chọn chống thấm bằng sơn Composite. Ngoài ra, Đà Nẵng nắng to lại hay có bão nên cần xây chống trụ vững chắc để chống được bão. Làm nhà lưới sẽ giúp vườn tránh được mưa lớn, nắng to, các loại côn trùng, chuột bọ mà vẫn thông thoáng, cho nên chi phí đầu tư mới cao thế”, chị Tuyết Hoa chia sẻ.
Vì làm kinh doanh tại nhà nên chị Tuyết Hoa có nhiều thời gian để chăm sóc vườn rau. Vào cuối tuần, chị còn có ông xã hỗ trợ thêm. Nhờ có sự chăm bón mỗi ngày, vườn rau trên sân thượng của chị xanh tốt quanh năm với nhiều loại rau khác nhau như cà chua, súp lơ, các loại rau xanh, dưa chuột,… giúp gia đình không tốn tiền mua rau.
Mẹ đảm chia sẻ bí quyết để có khu vườn xanh tốt quanh năm
Chị Tuyết Hoa cho biết, để có vườn rau xanh tốt thì cần có kỹ thuật tốt và chị đã phải học hỏi liên tục. “Làm vườn vốn đã vất vả, để trồng hữu cơ hoàn toàn thì công sức và tâm huyết bỏ ra lớn hơn nhiều lần”, chị Tuyết Hoa nói.
Theo chị, trồng rau quan trọng nhất là đất trồng và giống cây. Cần phải am hiểu đất, đất khỏe thì trồng cây gì, rau gì cũng tốt. Tỷ lệ trộn đất của chị thường là 40% đất : 30% trấu hun, xơ dừa : 30% là phân hữu cơ như phân dơi, phân gà, phân dê, trùn quế, có loại gì thì dùng loại đó : 10% là vỏ trứng và 1kg cám gạo.
Sau khi trộn, chị tưới ẩm và đậy lại trong 10-15 ngày rồi mới tiến hành trồng. Cách này sẽ kích hoạt được những vi khuẩn có lợi trong đất, đồng thời bớt mầm bệnh. Còn về giống, lựa chọn hạt giống tốt, cây con khỏe thì rất dễ trồng, kháng được nhiều bệnh.
Về việc bón phân, cây con chị Tuyết Hoa dùng đạm cá, tưới 1 tuần/lần. Khi cây ra hoa đậu quả thì dùng phân trứng sữa và phân dơi ngâm, dùng luân phiên 1 tuần/lần.
Nhờ có khu vườn, căn bệnh trầm cảm của chị đã dần biến mất.
Canh tác hữu cơ nên việc phòng chống sâu bệnh cho rau rất quan trọng. Chị Tuyết Hoa dùng 3 cách gồm dung dịch ớt tỏi gừng để trị sâu bọ, tinh dầu neem trị và nước vôi trong trị nấm trắng. Với 3 loại này, chị dùng luân phiên nhau 5 ngày 1 lần để phòng bệnh. Đi kèm với việc phun phòng bệnh định kỳ cho vườn còn cần thường xuyên tỉa lá hư để giữ vườn thông thoáng, thu hoạch đúng lứa, có như vậy thì cây mới khỏe, vườn ít sâu bệnh.
Không chỉ cung cấp thực phẩm cho những bữa cơm hàng ngày, giúp thư giãn tinh thần mà khu vườn chữa lành trên sân thượng còn mang về cho mẹ đảm nhiều lợi ích hơn mong đợi. Khu vườn là nơi để gia đình chị quây quần mỗi cuối tuần, cũng là nơi để vợ chồng chị thư giãn, đọc sách, uống trà. Đồng thời, vườn còn giúp chữa lành tâm trí, sống chậm hơn và rèn được tính kiên trì, chịu khó, tỉ mỉ và giúp cho con gái chị biết nhiều về cây cỏ cũng như quá trình phát triển của cây.
Một số nông sản trong vườn nhà chị Tuyết Hoa.
Đặc biệt, bệnh trầm cảm đã tự biến mất khi chị Tuyết Hoa làm vườn. “Còn nhớ vào thời điểm mới bắt đầu làm vườn, tôi phải dùng thuốc trầm cảm, sức khỏe yếu tới mức không ngủ được, thậm chí đi lại cũng là việc gì rất khó khăn vì phải nhờ chồng giúp đỡ. Đến khi làm vườn, mỗi ngày tôi được vận động nhiều hơn, tắm nắng nhiều hơn và điều này đã giúp tôi khỏe ra. Rồi nhìn cây con mình tự tay vun trồng lớn dần lên, niềm vui trong tôi cũng lớn dần lên, cuộc sống trở nên nhiều màu sắc hơn, không còn đơn điệu như trước nữa. Giờ ai nhìn tôi cũng nói khuôn mặt tôi tràn đầy năng lượng.
Nói chung, nhờ làm vườn mà tôi đã nhẹ nhàng bước qua được căn bệnh bệnh rối loạn lo âu. Thực sự nhiều người mắc bệnh này, nhưng không để ý và không biết để điều chỉnh nên ngày càng nặng và khó thoát ra được. Hy vọng ai bị bệnh này, có duyên hãy tìm về với thiên nhiên cây cỏ thì sẽ tìm lại được chính mình”, chị Tuyết Hoa chia sẻ.