Tìm đến đỉnh núi cổ thuộc xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội không ai là không biết tới căn nhà sàn nằm giữa tổng thể ngọn núi 3000m² của chị Đặng Thanh Nhàn. Đây chính là chốn lui về của gia đình chị mỗi dịp cuối tuần, cũng là nơi các thành viên trong gia đình có dịp thả mình với thiên nhiên để nghỉ ngơi tận hưởng không khí trong lành nhất.
Căn nhà sàn nấp sau rặng trúc tựa khung cảnh chỉ có trong phim ảnh.
Theo lời chị Nhàn, năm 2005 chú ruột của ông xã chị là nhà điêu khắc Khúc Quốc Ân đã tìm đến xóm núi này và chọn mua mảnh đất trên đỉnh núi đầu tiên, tổng thể cả khu nhà trong núi 3000m². Chú trực tiếp là người quy hoạch và xây dựng giai đoạn đầu căn nhà sàn cùng nhà ba gian để gia đình sinh sống cố định.
Tuy nhiên vài năm sau do vướng bận chuyện con cái nên chú đành gác lại cuộc sống trên đỉnh núi và 2 căn nhà để không từ 2011 tới 2017, chỉ duy trì một chú quản gia người địa phương trông nom.
Mấy năm gần đây nhà ở phố đôi khi gặp vấn đề về mất nước (vỡ đường ống Sông Đà), ô nhiễm nguồn nước, mặt khác gia đình lại có nhu cầu tận hưởng không khí trong lành, sử dụng thực phẩm sạch nên đã thống nhất cải tạo lại căn nhà trên núi để gia đình sử dụng những ngày cuối tuần và đón tiếp bạn bè. Và cũng kể từ ngày đó gia đình chị Nhàn đã chính thức có một căn nhà ở quê đúng nghĩa.
Lối vào nhà được bao bọc bởi hàng cây xanh mát mắt đủ loại.
Căn nhà sàn được xây dựng từ vật liệu chính là gỗ kết hợp đá ốp mặt ngoài.
Chị Nhàn cho biết, quá trình trùng tu 2 căn nhà (một căn nhà 3 gian và một căn nhà sàn) là do hai vợ chồng cùng anh em thợ phối hợp làm. Chị nói: “Mình không phải dân xây dựng hay thiết kế nhưng do công việc hiện tại làm chuyên về bất động sản nghỉ dưỡng, vận hành các khu resort và homestay trên núi nên qua nhiều năm làm việc thì cũng có chút kinh nghiệm thiết kế làm sao để vừa mắt, đúng nhu cầu trải nghiệm của mình và gia đình. Quan điểm của mình thiên nhiên vốn đã đẹp sẵn rồi. Càng tối ưu được nguyên bản thiên nhiên thì sẽ càng đẹp, không can thiệp quá thô bạo”.
Từ cảnh quan cả làng được bao bọc bởi hàng trăm cây cổ thụ đủ loại sấu, trám xanh, trám đen, bồ kết, hồng xiêm, hồng bì... nhất là hàng trúc Lành Canh đã gần 15 năm tuổi, chị Nhàn liên tưởng tới những ngôi làng ở Nhật Bản và bắt đầu lên ý tưởng thiết kế theo phong cách của xứ sở hoa anh đào. Tối đa đơn giản, gọn gàng, ngăn nắp nhưng thiên nhiên ngập tràn với ao cá vườn cây.
Mọi kết hợp đều rất thống nhất, hài hòa.
Theo lời kể của chủ nhân thì quá trình trùng tu cả 2 căn nhà hết gần 6 tháng vì sau hơn 5 năm không sử dụng nhà đã hoang hoá và thủng mục hết mái và sàn nhà, chỉ còn giữ lại được khung. Sở dĩ mất gần nửa năm mới hoàn thiện được do khâu vận chuyển nguyên vật liệu lên địa hình núi gặp quá nhiều khó khăn. Chuyển từng chuyến xe nhỏ một nên rất tốn thời gian, tốn kém và vất vả cho đội thợ. Nhiều đợt những người thợ còn phải vận chuyển xe máy từng bao xi măng, phế liệu cũng phải thuê người gánh xuống núi.
Chị chia sẻ: “Nhà thì vẫn giữ được nguyên bản nhưng mình muốn sửa tỉ mỉ chỉnh chu từng góc nên đòi hỏi thợ cũng phải là đội ngũ lành nghề. Ví dụ như mái ngói thì phải các chú thợ chuyên ở địa phương này lợp mới không bị chỗ thưa chỗ mau và dột được”.
Nội thất trong nhà tất cả tối ưu và ít nhất có thể để nhà thoáng đãng.
Chia sẻ về việc trang trí nội thất, chị Nhàn tiết lộ, đồ đạc trong nhà một phần ít được giữ từ những năm cũ để lại, một phần chị chọn mẫu và tự chế, tìm mua nhưng tất cả tối ưu và ít nhất có thể để nhà thoáng đãng. Đơn giản như mấy bộ bàn ghế gỗ chú thợ mộc dưới làng xẻ và chà cho, chế từ cục gỗ làm chân và hai mảnh xẻ thân ghép vào làm mặt, những tấm vải lanh nhuộm chàm mang từ Sapa về, gốm Nhật tự tay chị đi lựa từng chiếc, hay những đôi guốc xinh xinh chị mua trong chuyến đi Đài Loan… Mỗi thứ một chút nhưng tất cả đều hài hòa với nhau.
Nói thêm về kế hoạch trùng tu căn nhà trên núi, chị Nhàn chia sẻ, khi có kế hoạch sửa lại nhà chị đã đích thân lên ý tưởng trang trí tổng thể và trao đổi với từng ê kíp triển khai cũng như phân công công việc cụ thể. Những phần cứng về thi công, công năng thì anh xã làm việc, cảnh quan vườn tược có em phụ trách cảnh quan từ khu nghỉ dưỡng của chị trên Sapa về phụ trách, duy trì nhà cửa trồng trọt chăn nuôi chị giao cho hai em quản gia.
Những tấm vải lanh nhuộm chàm được chị mang từ Sapa về.
Cùng khuôn viên với căn nhà sàn nằm trên đỉnh núi cổ ở Tiên Phương, chị Nhàn còn sở hữu căn nhà ba gian tuy nhỏ hơn nhà sàn nhưng lại được dựng ở thớt đất cao hơn.
Nhà được xây dựng ở phần đất gia đình mua thêm sau khi dựng nhà sàn vào năm 2007.
Trùng tu ngôi nhà trước, rồi chị Nhàn bắt đầu triển khai cảnh quan cây cối xung quanh. Về cơ bản cảnh quan cây cối ở đây đều là những cây lớn đã hàng chục năm tuổi. Khi thi công gia đình cố gắng giữ tối đa vì một cây mất nhiều năm mới lớn vậy anh chị không nỡ chặt, nhất là hai hàng trúc ở lối lên. Các cây như cọ, dâm bụt cảnh, chuối cảnh, bưởi... nhà chị trồng hơn chục năm, vườn tược duy trì trồng trọt liên tục.
Hoa và rau củ trong sân vườn thì nhiều vô kể, và đặc trưng theo mùa. Vườn xanh ngắt với rau ngót, mồng tơi, đậu, bí, các rau gia vị, hay đu đủ, thanh long, mít chín trĩu cây.
Không chuộng những cây cảnh hạng sang hay hoa ngoại, vườn hoa của gia đình chị Nhàn trên đỉnh núi đều là những loài thân thuộc, gần gũi như sử quân tử, mẫu đơn, ngọc trâm, hoa bưởi, mộc… cứ đua nhau nở theo mùa, hết mùa hoa này lại có mùa hoa khác nên lúc nào cũng thơm thanh thanh quanh nhà.
Hàng trúc Lành Canh đã gần 15 năm tuổi.
Tối đa đơn giản, gọn gàng, ngăn nắp nhưng thiên nhiên ngập tràn với ao cá vườn cây.
Vườn rau quanh nhà.
Chị tâm sự: “Cả nhà mình hợp nhau kiểu sống đơn giản, trong lành, yêu thiên nhiên thoáng đãng, ăn uống đồ nhà trồng, nuôi tươi sạch, đó là điều trên cả tuyệt vời rồi. Bạn bè cũng chung lý tưởng sống xanh và yêu thiên nhiên nên rất thích không gian của nhà mình, thường xuyên đưa gia đình đến để trẻ nhỏ được trải nghiệm cuốc đất làm vườn, người lớn được tranh thủ 1-2 ngày về chốn thanh tịnh xắn quần câu cá trồng rau. Thú vị lắm, ”.
Về nghỉ ngơi nơi đỉnh núi Sơn Đồng, gia đình chị Nhàn sinh hoạt rất tự nhiên theo nhu cầu, tận hưởng chứ không phải cứ đến giờ đến bữa là ăn, ngủ. Do không khí trong lành nên cơ thể chỉ vừa đủ nhu cầu ngủ đêm đủ 8 tiếng, ngày ăn 2 bữa nhẹ bụng. Nhà có gì ngoài vườn, ao thì ăn đấy. Cả ngày cả nhà chỉ quanh quẩn câu cá, làm vườn, ngồi học, làm online, nấu cơm, nghịch là thấy ngày trôi vèo vèo.
Từ lúc vào đây trẻ con được bố dạy câu cá, bạn lớn nền tính nên chăm chỉ câu, ngày nào cũng được chục con zon zon rán cho bố ăn. Bạn lớn rất thích vì được chăm sóc bố. Con đã tự rút ra kinh nghiệm lúc nào câu thì được cá hơn. Bạn bé thì chuyên đi canh vịt đẻ để nhặt trứng rồi ngồi vắt vẻo đọc truyện.
Những ngày gần đây, gia đình chị đón ông bà nội vào ở cùng, tối đến cả nhà quây quần đốt bồ kết, bật phim cho ông bà xem, đêm xuống cả nhà ngủ liền nhau ở tầng 2 nhà sàn, "Lâu lắm mình mới cảm nhận được thời gian bên nhau dài nhưng vẫn cực vui là như thế nào. Bình yên và hạnh phúc đôi khi phải chậm lại mới cảm nhận được hết sau những ồn ào phố thị" - chị Nhàn xúc động.
Đây còn là chốn lui về thăm thú và nghỉ dưỡng của bạn bè chị.
Nếu như trước đây bận rộn với công việc và học tập ở thành phố, gia đình chị Nhàn chỉ có thể sắp xếp 1 tháng lên đây 1 – 2 lần thì đợt nghỉ dịch kéo dài này cả nhà chị đã đưa nhau lên ở cả tuần, tận hưởng không gian yên bình riêng tư. “Nhà mình thì luôn có nơi để trốn phố khi cần” – chị cười.
Bình yên và hạnh phúc đôi khi phải chậm lại mới cảm nhận được hết sau những ồn ào phố thị. Chủ nhân của căn nhà chốn tiên cảnh núi Sơn Đồng gửi gắm, hãy thật giữ lửa yêu thiên nhiên, giữ cuộc sống xanh cho gia đình và duy trì tổ ấm.
Ngoài căn nhà ở phố nếu có thể hãy có cho mình căn nhà ở quê để cùng nhau buông bỏ hết cơm áo gạo tiền vài ngày, chân đất trồng rau, câu cá, sửa cái nọ, làm cái kia, dạy con những trò chơi ngày xưa của bố mẹ, đơn giản quê thật quê thế thôi nhưng gắn kết tổ ấm vô cùng.
Căn nhà sàn được chụp từ hướng căn ba gian của gia đình.
Bạn bè của chị cũng chung lý tưởng sống xanh và yêu thiên nhiên nên thường xuyên đưa gia đình đến để trẻ nhỏ được trải nghiệm cuốc đất làm vườn.