Cách đây vài tháng, vợ chồng tôi tổ chức một bữa tiệc tân gia nho nhỏ, chỉ mời ít bạn bè thân thiết tới dự thôi chứ chẳng bày vẽ nhiều làm gì. Đi tay không cũng ngại nên hầu hết đứa bạn nào cũng có quà tặng vợ chồng tôi, nói chung toàn đồ dùng thiết yếu trong gia đình cả.
Riêng chỉ có Huy, cậu bạn ấy lại tặng tôi một chậu cây nhưng bên trong lại là củ gì đó trông rất lạ mắt. Củ này tròn lông lốc, xù xì, xám xịt trông xấu xí vô cùng. Huy còn dặn dò vợ chồng tôi chăm sóc cẩn thận, mai này nó mọc sum suê trông rất đẹp, nhưng nhìn cái củ xấu xí đó tôi chẳng có cảm tình chút nào.
Tuy nhiên bạn tặng chẳng nhẽ lại chê, thế lại bất lịch sự quá nên tôi đành nhận dù trong lòng không thích. Hai vợ chồng cũng cố gắng tưới cây lắm, mãi nó cũng mọc ra được 1-2 lá nhưng nhìn vẫn xấu xí như vậy.
Đang tính vứt đi thì hôm trước bố mẹ cùng một người bạn lên thành phố khám bệnh rồi ghé qua nhà tôi chơi. Người bạn đó của bố mẹ tình cờ lại là chuyên gia phong thủy, vào nhà thấy cái củ xấu xí đó lại khen tấm tắc. Lúc đó tôi mới biết đấy là củ bình vôi, có tác dụng trấn trạch và giúp chiêu tài đón lộc.
Ý nghĩa phong thủy của củ bình vôi
Củ bình vôi là cây thân leo, phần thân gần đất phình to ra có dạng như bình đựng vôi ăn trầu nên nó mới có tên gọi này. Củ bình vôi có thể ra hoa và kết quả. Hoa của nó có màu xanh nhạt và khá nhỏ, quả có hình dạng như hình cầu, khi chín có màu đỏ tươi, còn hạt trông giống như hình móng ngựa.
Vì củ bình vôi trông xấu xí, củ tròn lông lốc nên nhiều người không thích loại cây cảnh này. Điểm sáng duy nhất của loại cây cảnh này chính là những chiếc lá của nó. Lá của cây bình vôi có hình tròn, nối tiếp nhau, xanh mướt, khi leo lên giàn nhìn tràn đầy sức sống và có thể tạo hình tốt.
Nhiều nhà giàu thích trồng cây bình vôi vì trong phong thủy, nó được coi là một loại cây trừ tà, xua đuổi ma quỷ, trấn trạch rất tốt. Ngoài ra, nó còn tượng trưng cho sự trường thọ, sức khỏe, tiền tài và mang lại may mắn cho gia chủ. Nhiều người còn cho rằng, lá cây bình vôi càng xanh tươi thì tiền tài càng vượng.
Không chỉ vậy, củ bình vôi còn là một loại dược liệu quý, có thể dùng làm thuốc chữa chứng nóng ruột, cải thiện chức năng hô hấp, ho, hạ huyết áp, an thần, cải thiện các triệu chứng mất ngủ, trị bệnh gout…
Cách trồng và chăm sóc củ bình vôi
Củ bình vôi có khả năng phát triển mạnh mẽ, rất dễ trồng và dễ chăm sóc, đến mức bỏ một củ lay lắt ngoài vườn thì nó cũng bén rễ và phát triển thành cây. Đây là loại cây sống lâu năm, nhiều gia đình trồng những củ to đến hàng chục kilôgam và đã trải qua nhiều thế hệ.
Thế nhưng, nếu muốn trồng củ bình vôi làm cảnh thì đòi hỏi phải có kỹ thuật và sự đầu tư, chăm sóc kỹ lưỡng hơn mới cho thành quả đẹp mắt được. Bạn có thể mua củ bình vôi về trồng hoặc trồng bằng hạt, bằng dây đều được, nhưng bằng củ hoặc dây sẽ nhanh hơn.
Cụ thể, đem củ bình vôi hoặc một đoạn dây cắm vào chậu đất. Sau đó tưới nước thường xuyên, khoảng 1 tháng là dây sẽ bén rễ. Tuy nhiên dù bằng cách nào thì khi chăm sóc củ bình vôi bạn cần phải lưu ý những điểm sau:
- Đất trồng: Nên chọn đất tơi xốp, thoát nước, ít chua. Cây phát triển tốt nhất trong giá thể dành riêng cho các loại cây như xương rồng, sen đá.
- Ánh sáng: Bình vôi thích hợp sống trong môi trường có ánh sáng tán xạ tốt nhưng không có ánh nắng mặt trời trực tiếp. Vị trí tốt nhất dành để đặt cây là phòng khách, cửa sổ hướng đông.
- Tưới nước: Tránh tưới nước quá nhiều vì sẽ làm lá bị héo, chuyển vàng. Chỉ nên tưới nước khi đất khô. Tuy nhiên cây bình vôi ưa ẩm nên thỉnh thoảng bạn hãy phun sương cho tán lá để giúp nâng cao độ ẩm xung quanh cây.
- Nhiệt độ: Cây phát triển tốt ở nhiệt độ từ 16 – 26 độ C. Bạn nên tránh để cây ở nhiệt độ quá lạnh hoặc quá nóng kẻo ảnh hưởng tới sự phát triển của cây.
- Cắt tỉa: Khi cây bị vàng lá, héo úa, bạn nên dứt khoát loại bỏ chúng để cây phát triển khỏe mạnh, giảm nguy cơ mắc bệnh do vi khuẩn hoặc nấm gây ra. Khi cây lớn, bạn có thể làm dàn cho cây leo.