Tết là dịp gia đình đoàn tụ, là lúc mọi người gạt bỏ muộn phiền trong 1 năm nhưng cũng là cơ hội để các bà nội trợ thể hiện niềm đam mê với cây cảnh, hoa tươi của mình. Thế nhưng, chơi Tết là 1 chuyện, sau Tết xử lý thế nào lại là câu chuyện khác. Lúc mua cây càng cao, càng to, càng đẹp thì khâu xử lý hậu Tết càng "cồng kềnh" bấy nhiêu.
Nếu sau Tết nhiều người mang cây đào, cây quất bán lại, cho thuê, hoặc gửi ở các vườn cây cảnh để năm sau lại lấy về chơi Tết, thì có tới 80% các gia đình sẽ mang cây cảnh vứt đi, vì không có đất trồng, không có không gian cho cây phát triển, hoặc đơn giản là muốn năm sau có một cây mới mẻ hơn để chơi.
Những loại cây cảnh chơi Tết to, cồng kềnh khiến công cuộc dọn dẹp nhà của chị em thêm khó khăn.
Cũng như các gia đình đó, Tết nào cũng vậy chị Hà Thị Việt Anh, sinh năm 1974 (Đống Đa, Hà Nội) lại trăn trở không biết nên làm thế nào với cây đã "hết hạn sử dụng". Nếu thẳng tay vứt vào xe rác thì quá dễ, nhưng việc di chuyển cây xuống khó khăn, vương vãi hoa khắp đường, lại còn cồng kềnh - khó cho những người công nhân vệ sinh khi thu dọn.
"Mình băn khoăn từ bao Tết đó là cảnh những cành đào sau Tết. Hình ảnh mình thường bắt gặp là những cành đào vất chỏng chơ trên thùng rác, rất cồng kềnh và người dọn vệ sinh thật sự vất vả. Nhà mình từ mấy năm nay đã nghĩ ra cách: Rũ hết hoa còn sót lại, bẻ thật nhỏ các cành đào, bó gọn thành 1 bó trông sẽ rất gọn gàng, những cành to nhà mình cho lên vườn để làm thành que cắm các chậu rau.
Cây quất nếu không có nhu cầu dùng nữa thì cũng xử lý tương tự vậy. Nhà mình còn đào đất cho vào các túi để riêng, khi khênh chậu quất đỡ nặng hẳn. Mình nghĩ mọi người cố gắng bớt chút thời gian làm theo cách mình vừa nêu sẽ giúp cho người dọn vệ sinh bớt vất vả đi nhiều hơn", chị Việt Anh chia sẻ.
Bẻ nhỏ cành, bó gọn lại vừa không tốn diện tích, lại vừa giúp di chuyển cây nhanh hơn.
Theo đó, chị Việt Anh rũ hết số hoa còn lại trên cành, bẻ nhỏ các cành đào rồi bó gọn lại thành 1 bó, còn cành to chị tận dụng để làm que cắm khi trồng cây, vừa tiện lợi vừa hiệu quả.
Học theo chị Việt Anh, chị Tú Mít cho hay, kể từ lúc học theo cách làm này, cành đào Tết được chuyển đi nhẹ nhàng hơn hẳn, không phải vất vả mang xuống như trước.
Trước khi bẻ cành, các mẹ nên rũ hết hoa xuống để đỡ vương vãi.
Đồng tình với cách làm của chị Việt Anh, rất nhiều chị em khác đã học theo và ủng hộ cách làm này. Như chị Nguyen Thuong Huyen cho hay: "Trước em làm quản lý bên chung cư, cứ mỗi mùa Tết xong phòng rác mỗi tầng lại tràn ngập quất và đào các nhà vứt ra, toàn cây to, có cả chậu đất rất nặng. Mỗi lần như thế các cô vệ sinh lại kêu trời. Thực sự rất vất vả để chuyển đi những cây như thế. Nếu mọi người cùng có ý chút thì người khác cũng đỡ vất vả hơn."
MinhHuyen Vu bình luận: "Mình rất hưởng ứng cách dọn cành đào quất như này. Sau Tết thấy mọi người vứt nguyên cành đào vào xe rác thấy tội nghiệp mấy người dọn vệ sinh ghê, mà nhiều khi mình đi qua xe rác cũng xém bị mấy cành đào xỉa vào người."
Cành đào, cây quất là thứ không thể thiếu trong Tết.
Bên cạnh đó, có nhiều ý kiến cho rằng, khi chơi Tết các mẹ nên chọn những cành đào phù hợp với không gian sống nhà mình hơn. Đặc biệt, nếu sống ở thành phố, các khu trung tâm, chung cư thì nên chọn cành đào nhỏ gọn để không quá vất vả lúc dọn.