Chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao, nhiều gia đình có điều kiện đã sắm ngay cho mình một chiếc máy rửa bát để tiết kiệm thời gian, công sức cũng như bảo vệ da tay. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, không ít người từng kêu than về những vấn đề mà họ gặp phải, chẳng hạn như nước bị đọng lại, đồ dùng bị bong tróc, hóc hỏng,…
Mới đây, một bà nội trợ với tài khoản Facebook là T.C cũng than thở trong một hội nhóm về vấn đề chị đang gặp phải khi dùng máy rửa bát và nhận được nhiều sự quan tâm. Cụ thể, chị đã dùng máy rửa bát được 2 năm nhưng dạo gần đây đồ thủy tinh luôn bị đóng cặn và đục, không được sáng bóng như trước. Và ngay cả khi chị để ít hay nhiều chén bát trong máy rửa bát thì tình trạng này vẫn xảy ra.
Bà nội trợ nhờ cộng đồng mạng "bắt bệnh" việc đồ thủy tinh bị vẩn đục khi dùng máy rửa bát.
Trên thực tế, việc đồ thủy tinh bị đóng cặn và đục khi dùng máy rửa bát là không hiếm. Phía dưới phần bình luận, không ít chị em cũng than thở vì gặp tình trạng tương tự. Bên cạnh đó, một số người đã khuyên bà nội trợ việc đầu tiên là nên xác định xem nguyên nhân đến từ đâu, vì không vệ sinh máy rửa bát thường xuyên, để bát đĩa không đúng cách, do nguồn nước hay do đồ thủy tinh bị ăn mòn,… để từ đó có cách xử lý phù hợp.
Đồ thủy tinh bị vẩn đục do máy rửa bát không được vệ sinh thường xuyên
Nếu không làm sạch máy rửa bát thường xuyên, cặn canxi, magie cùng các khoáng chất khác và cặn bẩn của thức ăn tồn dư trong máy rửa bát có thể bám lên bát đĩa của bạn, khiến đồ thủy tinh bị vẩn đục. Vì vậy, bạn nên vệ sinh máy rửa bát định kỳ, có thể là 1 lần/tháng (tùy theo mức độ sử dụng) để hạn chế hiện tượng đồ thủy tinh bị vẩn đục.
Không vệ sinh máy rửa bát thường xuyên là một trong những nguyên nhân khiến đồ thủy tinh bị vẩn đục. (Ảnh minh họa)
Đồ thủy tinh bị vẩn đục do nguồn nước
Nếu vệ sinh máy rửa bát thường xuyên mà đồ thủy tinh vẫn bị vẩn đục thì rất có thể nguyên nhân là do nước cứng - loại nước chứa hàm lượng chất khoáng cao, chủ yếu là cation Ca2+ (Canxi) và Mg2+ (Magie). Lượng chất khoáng trong nước sẽ làm giảm hiệu quả của chất tẩy rửa do tạo ra muối canxi không tan, thường được gọi là “váng bọt xà phòng”.
Thay vì được giữ lơ lửng trong nước để xả trôi đi thì những váng này sẽ bị kết tủa lại và bám lên đồ thủy tinh. Khi nước bay hơi, chúng sẽ tạo ra các đốm, vệt trắng mờ trên đồ dùng thủy tinh.
Ly thủy tinh bị bẩn do nước cứng. (Ảnh minh họa)
Để kiểm tra nguyên nhân có phải là do nước cứng hay không, bạn nên ngâm đồ thủy tinh vào giấm trong 5 phút rồi rửa sạch và lau khô. Nếu các cặn vẩn đục được loại bỏ, nước cứng chính là vấn đề cần giải quyết và bạn có thể thử một số cách sau:
- Điều chỉnh lượng muối nhiều hơn để khử bớt độ cứng của nước
- Thêm chất tẩy rửa: Với cách này, bạn nên thực hiện thêm chu trình xả nếu không chúng có thể để lại lớp màng xà phòng trên bát đĩa, tạo cảm giác nhờn.
- Sử dụng chất trợ rửa (nước làm bóng) để làm giảm sức căng bề mặt của nước, giúp nước dễ dàng trôi khỏi bề mặt bát đĩa.
Đồ thủy tinh vẩn đục do bị ăn mòn
Nếu dùng giấm mà lớp màng vẩn đục trên đồ thủy tinh vẫn còn, có lẽ bề mặt thủy tinh đã bị ăn mòn, mà nguyên nhân có thể là do loại chất tẩy rửa bạn đang dùng có chứa phosphat. Các chất tẩy rửa chứa phosphate tuy có tác dụng hiệu quả trong việc loại bỏ canxi và cặn thức ăn bám trên bát đĩa, nhưng khi kết hợp với nhiệt độ cao trong máy rửa bát, loại hóa chất này sẽ trở thành một chất ăn mòn thủy tinh.
Dấu hiệu nhận biết đồ thủy tinh đang bị ăn mòn là trên đồ thủy tinh sẽ xuất hiện màu sắc cầu vồng. Nếu nặng hơn nữa, đồ thủy tinh sẽ bị mờ đục hoàn toàn chứ không chỉ là các đốm hoặc vệt.
Dấu hiệu đồ thủy tinh bị ăn mòn sau khi rửa bằng máy rửa bát. (Ảnh minh họa)
Trong trường hợp này, về cơ bản đồ thủy tinh sẽ không thể hồi phục vẻ sáng bóng như trước. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể kiểm soát hiện tượng ăn mòn trên đồ thủy tinh bằng những cách sau:
- Không rửa hoặc không rửa quá kỹ trước khi cho bát đĩa vào máy rửa bát, bởi chất tẩy rửa sẽ không còn chất bẩn để trung hòa, dẫn đến việc hóa chất tồn dư nhiều, từ đó đẩy nhanh quá trình ăn mòn.
- Sử dụng ít chất tẩy rửa hơn nếu nguồn nước nhà bạn là nước mềm
- Thay chất tẩy rửa bằng loại khác với chỉ số pH thấp hơn hoặc không chứa phosphate
- Làm mềm nước ở mức tiêu chuẩn theo hướng dẫn sử dụng đi kèm
Ngoài ra, bạn cũng lưu ý rằng không phải tất cả đồ thủy tinh đều có thể làm sạch trong máy rửa bát. Vì vậy, trước khi xếp chúng vào máy, bạn nên kiểm tra xem nhà sản xuất có ghi rõ là có thể làm sạch trong máy rửa bát hay không.