Lưỡi hổ là loại cây cảnh được nhiều người ưa chuộng trồng trong nhà hoặc sân vườn vì nó được ví như chiếc máy lọc không khí, đồng thời có tác dụng xua đuổi tà ma, mang lại vượng khí cho gia đình. Tuy nhiên theo quan niệm phong thủy, cây không sinh sôi, nảy nở có thể ảnh hưởng tới tài vận của gia đình, vì vậy cây lưỡi hổ còi cọc, lâu ngày không mọc chồi mới cũng bị cho là điềm không may.
Để cây phát triển mạnh mẽ, thay đất thay chậu cho cây là việc làm rất cần thiết. Vì nếu lâu ngày không thay chậu, đất trồng sẽ nén chặt khiến rễ cây không hút được chất dinh dưỡng đi nuôi cây trồng, từ đó cây sẽ còi cọc, chậm phát triển và không thể mọc chồi mới.
Mùa xuân là thời điểm thích hợp để thay chậu cho cây lưỡi hổ, vì lúc này nhiệt độ bắt đầu tăng, cây dần thoát ra khỏi trạng thái ngủ đông. Sau khi thay chậu, cây sẽ phát triển mạnh mẽ hơn, tăng khả năng mọc chồi mới. Đồng thời lúc này bạn cũng có thể chia tách một chậu ra thành nhiều chậu, nhân giống cây lưỡi hổ.
3 tình huống cần phải thay chậu cho cây lưỡi hổ
Mùa xuân là thời điểm tốt để thay chậu, nhưng không phải cứ tới mùa xuân là bạn lại “đổi nhà” cho cây, bởi nếu liên tục thay đổi môi trường sống cũng có thể ảnh hưởng xấu tới quá trình sinh trưởng của cây. Nếu cây lưỡi hổ xuất hiện 3 tình trạng dưới đây, bạn nên cân nhắc thay chậu.
- Đất trong chậu bị nén chặt nghiêm trọng
Cây lưỡi hổ thích đất tơi xốp và màu mỡ, nếu sử dụng đất vườn thông thường để trồng thì sau một thời gian đất rất dễ bị nén chặt. Một khi đất chậu bị nén chặt sẽ ảnh hưởng đến sự sinh trưởng bình thường của cây, chồi mới không dễ mọc lên.
Trong trường hợp này, tốt nhất bạn nên đợi thời tiết ấm hơn rồi tiến hành thay đất cho cây. Sau khi trồng vào đất mới, chắc chắn cây sẽ phát triển mạnh mẽ hơn, chồi non phá đất mọc tua tủa.
- Cây mọc thưa
Hầu hết những chậu cây lưỡi hổ trồng nhiều năm mà không thay đất đều trông không có sức sống, lá chuyển sang màu vàng, khó mọc ra lá mới. Tình trạng này phần lớn là do đất trồng trong chậu thiếu chất dinh dưỡng, không đáp ứng được nhu cầu của cây.
Bộ rễ của cây lưỡi hổ cũng phát triển nhanh, trong 1-2 năm bộ rễ có thể phủ kín chậu hoa. Hơn nữa nhiều rễ đã già cỗi, khả năng hấp thụ yếu đi cũng sẽ ảnh hưởng đến sự sinh trưởng bình thường của cây. Vì vậy khi thấy cây mọc thưa, bạn nên thay chậu, đồng thời cắt tỉa lại bộ rễ cho cây.
- Cây mọc quá chật, cần chia chậu
Lưỡi hổ là loại cây cảnh ngắm lá, lá phải rậm rạp, có sức sống thì tác dụng làm cảnh càng cao. Tuy nhiên, nếu lá cây quá rậm rạp, cây mọc quá chật thì bạn nên cân nhắc thay chậu, chia chậu càng sớm càng tốt.
Nếu không, càng về sau cây càng yếu dần do lượng dinh dưỡng cung cấp không đủ, lá sẽ chuyển sang màu vàng và mềm oặt đi, trông rất thiếu sức sống. Việc chia chậu không chỉ giúp cây phát triển mạnh mà còn giúp bạn có thêm nhiều chậu cây hơn.
Những lưu ý khi thay chậu cho cây lưỡi hổ
- Không tưới nước cho cây 1 tuần trước khi thay chậu
Trước khi thay chậu khoảng 1 tuần, bạn không nên tưới nước, vì đất trong chậu quá ẩm thì sẽ không dễ lấy cây ra khỏi chậu. Khi đất chậu hơi khô, việc lấy cây ra khỏi chậu sẽ dễ dàng hơn. Bạn chỉ cần vỗ nhẹ xung quanh chậu, sau đó nhẹ nhàng nhấc bụi cây lên là chậu và bầu đất đã rời ra rồi.
- Cắt tỉa rễ, chia chậu trước khi cho vào chậu mới
Đối với những chậu dày đặc cây, bạn nên chia nhỏ cây ra. Sau khi chia cây, hãy cắt tỉa lại bộ rễ, loại bỏ những rễ già yếu, khô héo, chỉ giữ lại một ít rễ khỏe.
- Chuẩn bị đất trồng
Sau khi cắt tỉa bộ rễ, bước tiếp theo là chuẩn bị đất trồng tơi xốp, màu mỡ, thoáng khí. Có thể sử dụng đất dinh dưỡng mua trực tiếp tại các cửa hàng hoa hoặc trộn đất vườn với cát sông, tận dụng lá thông để lót dưới đáy chậu để sử dụng. Khi đã thay đất thay chậu xong xuôi, hãy tưới nước thật kỹ và đặt cây trong môi trường râm mát để cây hồi phục.