Nếu được lựa chọn, không ít người sẽ chọn sống ở các đô thị, nơi có cuộc sống phồn hoa, nhộn nhịp, kinh tế phát triển, nhiều hoạt động vui chơi giải trí... Chính bởi tâm lý này mà không ít người đã quyết tâm ở lại và nỗ lực mua nhà để ổn định cuộc sống tại đây. Có cầu ắt phải có cung, sự đô thị hóa cũng tất yếu diễn ra mạnh mẽ. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tính đến ngày 10/4/2019, Việt Nam có 819 đô thị, trong đó Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là 2 đô thị loại đặc biệt. Tốc độ đô thị hóa tại Việt Nam được đánh giá là nhanh, đứng đầu khu vực Đông Nam Á.
Quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ góp phần đẩy mạnh sự phát triển kinh tế - xã hội nước nhà, nhưng đi kèm với đó là những hệ lụy khó tránh, điển hình là ô nhiễm và rác thải.
Đô thị hiện đại nhưng lại đi kèm với ô nhiễm
Hầu hết các đô thị lớn của nước ta đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm, nổi bật nhất là ô nhiễm không khí và ô nhiễm nguồn nước. Trong thời gian gần đây, ô nhiễm không khí đang trở thành vấn đề môi trường đe doạ nghiêm trọng đến đời sống và sức khoẻ người dân. Tại 2 đô thị lớn của Việt Nam là Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh - chỉ số chất lượng không khí (AQI) thường xuyên ở mức độ đỏ hoặc tím, thậm chí có những thời điểm hai thành phố này nằm trong top 3 thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Thành phố gần như chìm hoàn toàn trong bụi, người dân ra đường thấy cay mắt, rát da, khó thở, ho, sổ mũi.
Ô nhiễm không khí: Nội thị các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, số ngày trong năm có nồng độ bụi PM10, PM2,5 vượt ngưỡng giới hạn cho phép
Mức độ ô nhiễm không khí phụ thuộc vào quy mô đô thị, mật độ dân số và giao thông nên sẽ có sự khác nhau giữa các nơi. Thành phố Hà Nội và TP. HCM là 2 đô thị lớn trên cả nước. Mức độ ô nhiễm không khí tại đây cũng nổi bật hơn cả, tập trung chủ yếu là ô nhiễm bụi (bụi mịn PM10 và PM2,5).
Ô nhiễm không khí đến từ đâu? Câu trả lời là đến từ các hoạt động xây dựng chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ môi trường, khí thải của các nhà máy sản xuất công nghiệp như sản xuất xi măng, thép, khai thác than, hóa chất... nhưng chưa có hệ thống xử lý bụi đạt yêu cầu...
Tại các khu vực nội thành, nội thị các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, số ngày trong năm có nồng độ bụi PM10, PM2,5 vượt ngưỡng giới hạn cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT chiếm tỷ lệ hơn 20% tổng số ngày trong năm. Đối với các đô thị khu vực miền Bắc, số ngày có nồng độ bụi cao thường tập trung vào các tháng mùa đông. Trong đó, thành phần bụi mịn (PM2,5) chiếm tỷ trọng tương đối cao. Theo nghiên cứu, các hạt bụi này thường mang tính axit, tồn tại lâu trong khí quyển, khả năng phát tán xa và đi sâu vào phổi, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người.
Ô nhiễm nguồn nước: Nhiều sông, hồ, kênh, mương... trở thành nơi chứa nước thải từ các hoạt động sinh hoạt và sản xuất
Không chỉ dừng lại ở ô nhiễm bụi, ô nhiễm nguồn nước cũng là một trong những mối quan tâm, lo lắng của người dân đô thị. Ở các thành phố, rác thải sinh hoạt được người dân vứt lung tung, ngổn ngang làm tắc đường cống, nước không thoát được, nên cứ mỗi trận mưa đến người ta lại phải đi thông cống để thoát nước. Rồi những con sông, kênh, mương, ao hồ... bốc mùi hôi vì trở thành nơi "tiếp nhận" nước thải sinh hoạt, thường xuyên bị ô nhiễm.
Theo khảo sát về chất lượng nước trong năm 2019 trên 4 sông: Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét và 13 hồ điều hòa cho thấy, các sông, hồ Hà Nội đều có tình trạng ô nhiễm dầu mỡ vượt quá quy chuẩn 2-3 lần.
Nguyên nhân do hiện trên địa bàn TP Hà Nội có hàng nghìn nhà hàng, khách sạn, các tòa nhà hỗn hợp thương mại, bếp ăn của các cơ quan, trường học, cơ sở chế biến thực phẩm, lò giết mổ, trạm xăng dầu, cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng xe cơ giới... hàng ngày xả thải có chứa dầu mỡ ra hệ thống thoát nước chung của thành phố, gây hiện tượng tắc nghẽn các đường ống thoát nước và ô nhiễm môi trường nước của các sông, hồ.
Rác thải ùn ứ, người dân "sống trên rác"
Câu chuyện rác thải không được xử lý phù hợp, dẫn đến những ảnh hưởng không nhỏ cho cuộc sống của người dân là câu chuyện diễn ra liên tục tại các đô thị lớn như Hà Nội trong những năm gần đây.
Theo thông tin đưa trong Hội thảo "Giải pháp nâng cao chất lượng công tác thu gom, vận chuyển rác thải đô thị" hồi tháng 9 năm 2019, công tác quản lý chất thải rắn ở nước ta còn tồn tại những yếu kém về nhiều mặt như trình độ quản lý, việc lựa chọn công nghệ tiên tiến phù hợp với điều kiện địa lý, kinh tế, xã hội từng vùng miền.
Theo Báo cáo từ Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam, tốc độ gia tăng trung bình lượng chất thải trên cả nước mỗi năm khoảng 12%. Trong đó, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ở khu vực đô thị khoảng 38.000 tấn/ngày. Chất thải rắn y tế phát sinh là 600 tấn/ngày với mức độ gia tăng khoảng 7,6% mỗi năm, tổng lượng chất thải rắn công nghiệp thông thường phát sinh từ các khu công nghiệp vào khoảng 7 triệu tấn/năm.
Nhắc đến rác thải, người dân Hà Nội sẽ không thể quên cứ khoảng vài tháng một lần người dân lại thấy cảnh rác thải tràn ngập mặt phố, bốc mùi khó ngửi vì chưa được thu gom. Mấy ngày gần đây cũng vậy. Tại nhiều tuyến đường trên địa bàn các quận nội thành của TP Hà Nội, rác thải tràn ngập khắp phố, bốc mùi. Nhiều đoạn đường rác được tấp thành từng đống nhỏ, rải rác khắp các gốc cây, trụ điện... Nhiều khu vực, công nhân môi trường phải che bạt tạm thời để hạn chế mùi hôi thối bốc ra xung quanh. Nguyên nhân là do người dân ngăn cản xe chở rác ra vào Khu Liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn (bãi rác Nam Sơn) - nơi tiếp nhận xử lý rác lớn nhất của Hà Nội với 4.000 tấn rác/ngày.
Được biết, dẫn đến sự việc người dân phản ứng lần này một phần là do từ ngày 5/6 đến 8/7/2020, trạm xử lý của Liên danh Phú Điền - SFC dừng vận hành xử lý nước rỉ rác của khu liên hợp, dẫn đến ứ đọng nước rỉ rác, gây ô nhiễm.
Chủ tịch TP Nguyễn Đức Chung cho hay hệ thống xử lý rác thải của Hà Nội chủ yếu đang sử dụng phương pháp chôn lấp. Theo đó, cứ 1 m3 rác thải thì sinh ra 1,3 m3 nước rỉ rác. Ở khu vực này có 3 hồ để chứa nước rỉ rác.
Rác thải và nước xả thải trong sinh hoạt ùn ứ khiến các sông ngòi, hồ điều hòa tại Hà Nội đều có tình trạng ô nhiễm dầu mỡ vượt quá quy chuẩn 2-3 lần
Sống với rác thải, ô nhiễm, con người ngày càng phải đối mặt với nhiều bệnh tật
Mỗi năm trên thế giới có khoảng 7 triệu người chết sớm do ô nhiễm không khí, trẻ nhỏ là đối tượng phải chịu ảnh hưởng nhiều nhất
Theo nghiên cứu của Liên hợp quốc, mỗi năm trên thế giới có khoảng 7 triệu người chết sớm do ô nhiễm không khí, trong đó, khu vực châu Á - Thái Bình Dương có gần 4 triệu người.
Trong cơ cấu bệnh tật, các bệnh về đường hô hấp cũng là 1 trong 5 nhóm bệnh bị mắc phải cao nhất. Các nghiên cứu của WHO cũng chỉ ra, năm 2016, hơn 60.000 người tử vong do bệnh tim, đột quỵ, ung thư phổi; bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và viêm phổi ở Việt Nam đều có liên quan tới ô nhiễm không khí.
Trong khi đó, Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia Việt Nam đã chỉ rõ, ô nhiễm môi trường không khí gây ra những tác động trực tiếp tới sức khỏe cộng đồng. Tỷ lệ người dân ở các đô thị lớn mắc các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí chiếm tỷ lệ khá cao, trẻ em là nhóm đối tượng chịu tác động lớn nhất.
BSCKII Nguyễn Ngọc Hồng (Trưởng khoa Bệnh Phổi nghề nghiệp, Bệnh viện Phổi Trung ương) cho biết, nhiễm không khí ảnh hưởng đến hệ hô hấp sẽ gây nên tình trạng kích ứng đường hô hấp, làm cho những người đã có bệnh lý hô hấp rồi như những người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Người bị hen phế quản hoặc nhiễm trùng đường hô hấp sẽ bị nặng lên dẫn đến tình trạng khó thở tăng lên, nặng sẽ suy hô hấp phải phải nhập viện, thậm chí những bệnh nhân này đáp ứng kém với điều trị nên việc chữa bệnh càng khó khăn hơn hoặc dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm.
Còn với trẻ em, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai) khẳng định, trẻ nhỏ là đối tượng phải chịu ảnh hưởng nhiều nhất do ô nhiễm không khí vì trẻ cần nhiều oxy hơn người lớn. Thêm vào đó, sức đề kháng và miễn dịch của trẻ kém, lại thích chạy chơi ngoài trời nhiều hơn, ít có ý thức che chắn bảo vệ cơ thể tiếp xúc với môi trường ô nhiễm… rất dễ mắc các bệnh do ô nhiễm không khí gây ra.
Ô nhiễm không khí làm tăng tỷ lệ giảm cân ở trẻ mới sinh, gây ra một loạt bệnh lý đường hô hấp, dễ bị các cơn hen phế quản cấp tính tấn công. Trẻ nhỏ cũng bị suy giảm trí nhớ, dễ bị kích ứng, viêm da, khó thở, hắt hơi, dị ứng, viêm mũi dị ứng…
Trung bình mỗi năm, Việt Nam có khoảng 9.000 người chết vì nguồn nước và điều kiện vệ sinh kém
Bên cạnh ô nhiễm không khí, hiện nay, Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức lớn về tình trạng ô nhiễm nguồn nước, đặc biệt là tại các khu công nghiệp và đô thị. Hậu quả chung của tình trạng ô nhiễm nước là tỉ lệ người mắc các bệnh cấp và mạn tính liên quan đến ô nhiễm nước như viêm da, tiêu hoá, tiêu chảy và nguy cơ ung thư ngày càng cao. Tại một số địa phương, trường hợp bệnh nhân mắc bệnh ung thư, viêm nhiễm phụ khoa chiếm từ 40 - 50%, nguyên nhân là do từng sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm.
Theo đánh giá của các Bộ Y tế và NN&PTNT năm 2018, trung bình mỗi năm, Việt Nam có khoảng 9.000 người chết vì nguồn nước và điều kiện vệ sinh kém; Trên 100.000 trường hợp mắc ung thư mới phát hiện mà một trong những nguyên nhân chính là do sử dụng nguồn nước ô nhiễm.
Rác thải không được xử lý đúng cách cũng là tác nhân gây ra ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân
Trong rác thải sinh hoạt, thường chứa hàm lượng hữu cơ lớn. Khi phân hủy, số rác hữu cơ này sẽ bốc mùi hôi thối và tạo điều kiện để vi khuẩn sinh sôi, làm ô nhiễm, mất vệ sinh cho môi trường và cuối cùng đe dọa sức khỏe.
Những người sống gần bãi rác hoặc tiếp xúc thường xuyên với rác sẽ dễ mắc các bệnh như viêm phổi, sốt rét, các bệnh về mắt, tai, mũi họng, bệnh ngoài da, bệnh phụ khoa…
Trong các bãi rác, vi khuẩn thương hàn có thể tồn tại trong 15 ngày, vi khuẩn lỵ tồn tại 40 ngày, trứng giun đũa tồn tại 300 ngày… Nếu có vật chủ trung gian như chuột, ruồi, muỗi thì số vi trùng, khi khuẩn này càng trở nên đáng sợ hơn. Ví dụ như chuột truyền bệnh dịch hạch, bệnh sốt vàng da do xoắn trùng; ruồi, gián truyền bệnh đường tiêu hoá; muỗi truyền bệnh sốt rét, sốt xuất huyết…
Làm gì để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm và rác thải?
Đứng trước thực trạng ô nhiễm và rác thải ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người đang là vấn đề đáng lo ngại tại các đô thị, các giải pháp cụ thể nhằm khắc phục tình trạng này đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Trước hết, các đô thị cần đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống giao thông công cộng, đặc biệt là giao thông công cộng xanh để hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, hạn chế phát thải.
Cần kiểm soát tốt vấn đề rác thải đô thị; các khu xử lý chất thải cần được kiểm soát chặt chẽ từ vấn đề thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp đến việc xử lý các chất thải xây dựng; tái chế dần thành vật liệu xây dựng. Bên cạnh đó, con người tạo ra rác, chính vì thế cách duy nhất để hạn chế ô nhiễm rác thải là thay đổi cách sinh hoạt của mỗi người bằng cách: Dùng túi vải thay túi nilon, mua thực phẩm ít bao bì, giảm thiểu lượng giấy tiêu thụ, tái sử dụng và tái chế đồ cũ...