Dù là nam hay nữ, mái tóc cũng góp phần rất lớn vào vẻ đẹp ngoại hình. Tuy nhiên, mái tóc còn có thể phản ánh tình trạng sức khỏe thể chất và tinh thần ở mỗi người.
Bởi vì khi cơ thể trao đổi chất kém, miễn dịch suy giảm, rối loạn dinh dưỡng hay thậm chí là mắc bệnh tật thì tóc cũng xuất hiện những thay đổi theo hướng tiêu cực. Ngược lại, những người khỏe mạnh, lão hóa chậm, sống thọ nhờ thể chất và tinh thần tốt tóc cũng sẽ khỏe đẹp hơn.
Dưới đây là 3 điểm chung thường gặp trên mái tóc của những người sống thọ và trẻ lâu. Hy vọng bạn có đủ!
1. Tóc dày, ít gãy rụng
Y học cổ truyền cho rằng những người có hệ lông tóc phát triển mạnh thường sống thọ hơn. Đặc biệt là với người có mái tóc dày bẩm sinh. Bởi điều này cho thấy khí huyết lưu thông tốt, quá trình tiết các loại hormone cần thiết trơn tru và quá trình hồi phục, trao đổi chất của cơ thể thường nhanh hơn.
Tuy nhiên, phải nhấn mạnh rằng không phải tất cả những người có mái tóc dày bẩm sinh đều có tuổi thọ cao. Bản thân việc duy trì mái tóc dày cũng sẽ trở nên khó khăn nếu những năm tháng sau này họ gặp phải các vấn đề sức khỏe, gây rụng tóc. Vì vậy, một mái tóc dù không quá dày nhưng ít gãy rụng cũng đã là tín hiệu tốt cho tuổi thọ, tốc độ lão hóa. Thông thường, người khỏe mạnh không rụng quá 100 sợi tóc 1 ngày, vượt quá lượng này thì đã đến lúc cần lo lắng.
Rụng tóc quá nhiều cũng có thể là dấu hiệu của một số bệnh tật nguy hiểm (Ảnh minh họa)
Bởi vì cùng với quá trình lão hóa, tóc con người cũng sẽ yếu và gãy rụng nhiều hơn. Nếu bạn rụng tóc sớm từ khi còn trẻ hay lượng tóc rụng quá nhiều, tóc rụng trên diện rộng gây hói từng mảng thì tức là sức khỏe thể chất lẫn tinh thần đều không tốt. Thường liên quan tới bệnh về miễn dịch, nội tiết, rối loạn tâm thần hay thậm chí là ung thư. Những người như vậy khó mà trẻ lâu hay sống thọ.
2. Tóc mềm mượt, ít gàu
Tóc là một trong những biểu hiện bên ngoài của sức khỏe. Ngay cả khi không có một mái tóc dày nhưng tóc mềm mượt, bóng khỏe và rất ít gàu tức là bạn có khả năng sống thọ hơn.
Bởi vì điều này thường chứng tỏ trao đổi chất của bạn tốt, hấp thu chế độ dinh dưỡng ổn. Y học cổ truyền còn cho rằng những người tóc mềm và bóng là do khí huyết lưu thông tốt, chức năng thận tốt và ít khi căng thẳng hệ thần kinh. Y học hiện đại thì đánh giá mái tóc bóng khỏe, ít xơ rối ngoài dinh dưỡng cân bằng còn là biểu hiện của sự ổn định collagen. Chất này ngoài giúp tóc và da bóng khỏe, còn liên quan tới quá trình lão hóa cơ thể.
Một mái tóc khỏe mạnh cũng thường ít khi có gàu. Đó là nhờ hệ miễn dịch ổn định, bài tiết và thải độc tốt nên có thể duy trì sự tiết dầu thích hợp. Bản thân tóc ít gàu hay viêm da đầu còn tiết lộ rằng cơ thể ít viêm nhiễm và điều này rất quan trọng với tốc độ lão hóa, nguy cơ hình thành bệnh tật.
3. Tóc đen bóng, không bị bạc sớm
Mái tóc đen và bóng thường gặp nhiều hơn ở những người có trao đổi chất tốt, trạng thái tinh thần ổn định. Ngoài ra, đây còn là biểu hiện thận khỏe mạnh, không thiếu máu, gan thải độc hiệu quả và ngủ ngon. Mái tóc tự nhiên có màu đen đậm cũng chứng tỏ rằng các axit amin cần thiết cho cơ thể người được cung cấp đủ, sắc tố melanin và quá trình hình thành collagen không bị bất thường. Trong khi điều này thường giúp bạn chống lại bệnh tật tốt hơn, duy trì ngoại hình trẻ trung lâu hơn.
Ngược lại, những người có tóc không đen lắm hoặc màu ngả về vàng, nâu rõ ràng, thậm chí là bạc sớm thường lão hóa nhanh và khó sống thọ hơn. Chúng ta đều biết rằng tóc bạc là không thể tránh khỏi trong hành trình già đi của con người, nhưng nếu tóc bạn bạc sớm khi còn trẻ hoặc chưa qua tuổi 45 thì tức là sức khỏe có vấn đề.
Dù nam hay nữ, một mái tóc đen và khỏe thường phản ánh sức khỏe tốt, có khả năng sống thọ (Ảnh minh họa)
Với trẻ em, nếu tóc bạc thường liên quan tới bệnh xơ cứng mô sụn và bạch biến - là những nguyên nhân gây ra hiện tượng mất sắc tố tóc. Ngoài ra, tóc bạc sớm ở trẻ còn là dấu hiệu báo trước bệnh co giật, khối u, rối loạn nội tiết khi trưởng thành.
Còn với người trưởng thành, tóc bạc sớm đầu tiên là tín hiệu cảnh báo cơ thể lão hóa quá nhanh so với bạn bè cùng lứa. Thứ hai, nó có thể là triệu chứng của một số bệnh lý như: bệnh về nội tiết (suy tuyến giáp, tuyến yên), da liễu (bạch biến, bạch tạng), thiếu máu ác tính, hội chứng Werner gây bạc tóc sớm kèm theo các bệnh như xơ cứng bì, thể trạng suy yếu, đục thủy tinh thể, tiểu đường, loãng xương…
Thứ ba là do rối loạn dinh dưỡng nghiêm trọng, thiếu một số chất (vitamin B12, thiếu đạm kéo dài…) căng thẳng quá mức lâu ngày. Đương nhiên, di truyền cũng là một lý do gây bạc tóc sớm và khó thay đổi được. Ngoài ra, khả năng sống thọ còn phải dựa trên nhiều đặc điểm về thể trạng, sức khỏe cũng như lối sống khác.
Nguồn và ảnh: Aboluowang, ETtoday