34 người dương tính, 3 ca tử vong vì dịch bạch hầu: Sẽ tiếp tục ghi nhận ca mắc nếu không tiêm chủng

Bộ Y tế cảnh báo, bệnh bạch hầu là bệnh lây lan rất mạnh, diễn biến cấp tính, có thể gây biến chứng nặng và tử vong.

  

Chỉ trong vòng một tháng, trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đã phát hiện 34 trường hợp dương tính với bệnh bạch hầu, trong đó có ba trường hợp tử vong.

Bộ Y tế cảnh báo, bệnh bạch hầu là bệnh lây lan rất mạnh, diễn biến cấp tính, có thể gây biến chứng nặng và tử vong.

34 người dương tính, 3 ca tử vong vì dịch bạch hầu: Sẽ tiếp tục ghi nhận ca mắc nếu không tiêm chủng - 1

Để chủ động phòng chống dịch bệnh bạch hầu, không để dịch bùng phát, lan rộng, Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum chỉ đạo Sở Y tế triển khai công tác kiểm soát dịch bệnh tại các ổ dịch bạch hầu, tăng cường hoạt động giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm trường hợp mắc mới, ổ dịch mới phát sinh; cách ly kịp thời các trường hợp mắc, khoanh vùng, thực hiện vệ sinh môi trường, khử khuẩn, xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lan rộng và kéo dài.

Tổ chức điều trị kháng sinh dự phòng cho tất cả các trường hợp tiếp xúc gần và có nguy cơ. Thực hiện tốt công tác chẩn đoán sớm, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, hạn chế đến mức thấp nhất số biến chứng nặng và tử vong.

Xác định nhóm đối tượng trong độ tuổi có nguy cơ, tổ chức tiêm vắc xin phòng chống bệnh bạch hầu tại khu vực ổ dịch; rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu hoặc tiêm chưa đầy đủ để tổ chức tiêm bổ sung phòng bệnh bạch hầu, đảm bảo cho trẻ được tiêm đủ mũi, đạt tỷ lệ tiêm chủng trên 95% ở tất cả các xã, phường, thị trấn đặc biệt tại các vùng núi, vùng sâu, vùng xa, nơi tiếp cận với dịch vụ y tế còn hạn chế. Xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện tiêm bổ sung vắc xin Uốn ván - Bạch hầu giảm liều (Td) đã được Bộ Y tế phê duyệt.

TS Đặng Thị Thanh Huyền, Phó trưởng Văn phòng Chương trình Tiêm chủng Quốc gia nhận định trong năm nay, các ca bệnh bạch hầu lẻ tẻ sẽ tiếp tục được ghi nhận ở các địa phương.

Hầu hết người mắc bệnh là trẻ trên 10 tuổi và người lớn. Đa phần ca mắc là những trường hợp không tiêm hoặc tiêm không đủ mũi vaccine phòng bệnh; trong đó có những trường hợp đã tiêm 3-4 mũi những vẫn mắc bệnh. Lý do là các trường hợp này sau một thời gian, miễn dịch đã giảm xuống.

Trước tình hình bệnh có dấu hiệu đang tăng và dịch chuyển sang đối tượng trẻ lớn và người lớn, từ năm 2019, chương trình Tiêm chủng mở rộng đã có định hướng triển khai tiêm nhắc vaccine bạch hầu, vaccine chứa thành phần bạch hầu cho trẻ lớn và người lớn để mở rộng hàng rào miễn dịch cộng đồng.

Hiện Việt Nam có vắc-xin uốn ván - bạch hầu giảm liều (Td) phòng bệnh bạch hầu, tiêm cho trẻ lớn vào lúc 7 tuổi có thể giúp tăng đối tượng tiêm nhắc lại phòng bệnh.

Theo lịch của Chương trình, trẻ dưới 2 tuổi cần tiêm 4 mũi vắc xin có thành phần bạch hầu như sau:

Mũi 1: khi trẻ 2 tháng tuổi

Mũi 2; Khi trẻ 3 tháng tuổi

Mũi 3: khi trẻ 4 tháng tuổi

Mũi 4: Khi trẻ 18-24 tháng tuổi

Nếu trẻ bị thiếu bất kỳ mũi vắc xin nào thì cần tiêm các mũi tiếp theo càng sớm càng tốt mà không phải tiêm lại từ đầu. Bạn nên đến cơ sở tiêm chủng để được tư vấn đầy đủ liệu trình.