Hệ thống miễn dịch là một mạng lưới tế bào đặc biệt, protein, mô và cơ quan. Hệ thống miễn dịch gặp phải mầm bệnh như vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng, nó sẽ tạo ra phản ứng miễn dịch.
Tuy nhiên, nếu hệ thống miễn dịch suy yếu, cơ thể sẽ không còn sự bảo vệ, sẽ bị tấn công, đe dọa bởi bất cứ mầm gây bệnh nào. Dưới đây là một số thói quen xấu hàng ngày nhưng lại âm thầm phá vỡ hệ thống miễn dịch của bạn.
1. Không ngủ đủ giấc
Ngủ không đủ giấc có thể dẫn đến cảm mạo và các bệnh lây nhiễm khác. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người ngủ đủ giấc, tràn đầy năng lượng có sức khỏe tốt hơn để chống lại những căn bệnh như cúm, cảm mạo.
Không ngủ đủ giấc có thể khiến hormone căng thẳng tăng cao, gây viêm nhiễm trong cơ thể. Mặc dù các nhà nghiên cứu không hoàn toàn chắc chắn làm thế nào để tăng cường hệ thống miễn dịch nhưng rõ ràng, ngủ đủ giấc (7 đến 9 tiếng một ngày ở người lớn) là rất quan trọng để duy trì sức khỏe bình thường.
2. Lười vận động
Hãy cố gắng tập thể dục thường xuyên, ví dụ như đi bộ 30 phút mỗi ngày. Nó giúp hệ thống miễn dịch của chống lại sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh, giảm khả năng mắc bệnh.
Tập thể dục cũng có thể tăng cường sự trao đổi chất của cơ thể, giúp bạn ngủ ngon hơn. Từ đó giúp cho hệ thống miễn dịch càng thêm vững vàng hơn.
3. Ăn uống không đủ dinh dưỡng
Tiêu thụ quá nhiều đường có thể ức chế khả năng của các tế bào miễn dịch khi tấn công các vi khuẩn. Bởi vậy, hạn chế ăn quá nhiều đường. Bên cạnh đó, tiêu thụ nhiều rau củ và trái cây, đặc biệt các loại giàu vitamin C, vitamin E, beta carotene và kẽm.
Chúng ta nên chọn các loại trái cây, rau củ có màu sắc rực rỡ như họ cam quýt, kiwi, táo, nho, cải xoăn, hành tây, rau bina, khoai lang và cà rốt. Ngoài ra, tỏi tươi có lợi cho hệ thống miễn dịch của bạn, giúp chống lại vi khuẩn, virus.
4. Chịu áp lực trong thời gian dài
Nếu bị căng thẳng, áp lực trong một thời gian dài, khả năng mắc bệnh của bạn sẽ tăng lên. Stress mãn tính có thể khiến cơ thể bạn sản sinh nhiều hơn hormone căng thẳng, ức chế hoạt động của tế bào miễn dịch.
Áp lực, căng thẳng trong cuộc sống là điều khó tránh. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có các biện pháp để làm giảm điều này như: ngồi thiền, giao tiếp nhiều hơn với người khác, tập thể dục, đi tư vấn tâm lý phù hợp.
Một nghiên cứu cho thấy những người ngồi thiền thường xuyên có phản ứng miễn dịch khỏe mạnh hơn. Trong thí nghiệm, những người thiền trong 8 tuần đã tạo ra nhiều kháng thể với cúm hơn những người không thiền. Tiếp tục theo dõi thêm 4 tháng, họ vẫn cho thấy hệ thống miễn dịch khỏe mạnh, phản ứng rất tốt.
5. Cô đơn
Các nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng, những người hay giữ liên lạc với bạn bè (dủ chỉ là một vài người hay một nhóm lớn) có khả năng miễn dịch cao hơn những người cảm thấy cô đơn, tự cô lập bản thân mình.
Trong nghiên cứu đó, những sinh viên năm nhất ít giao lưu bạn bè có phản ứng miễn dịch với cúm yếu hơn so với những người thường xuyên trò chuyện, kết nối với người khác. Mặc dù có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn, nhưng không thể phủ nhận được lợi ích của việc giao lưu, trò chuyện với mọi người đối với sức khỏe bản thân.
6. Không vui vẻ
“Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”, quả đúng là như vậy. Cười giúp ức chế hormone căng thẳng trong cơ thể, tăng cường các loại tế bào bạch cầu chống lại sự nhiễm trùng.
Một sự việc nào đó khiến bạn vui vẻ cũng sẽ tác động tích cực đến hệ thống miễn dịch của bạn. Trong một nghiên cứu, một nhóm nam giới được thông báo trước 3 ngày là sẽ được cho xem một chương trình thú vị. Trong 3 ngày đó, nồng độ hormone căng thẳng của họ đã giảm.
Những thói quen trên thường rất hay gặp phải, chúng sẽ luôn gián tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần, đặc biệt là tác động xấu đến hệ thống miễn dịch. Bởi vậy, loại bỏ, giảm thiểu các thói quen xấu trên là một cách tốt để giúp hệ thống miễn dịch khỏe mạnh, ngăn ngừa bệnh tật.
Nguồn: Aboluowang, MNT