Trong một nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí eClinicalMedicine (thuộc tạp chí y học The Lancet), nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi TS Abidemi Otaiku từ Đại học Brimingham (Anh) cảnh báo việc thường xuyên gặp ác mộng trong độ tuổi trung niên hoặc lớn hơn có thể liên quan đến nguy cơ cao mắc chứng mất trí nhớ trong tương lai.
Các tác giả đã phân tích dữ liệu của hơn 600 người trong độ tuổi 35 - 64 và 2.600 người trong độ tuổi từ 79 trở lên. Tất cả những người tham gia đều không mắc chứng mất trí khi bắt đầu nghiên cứu và được theo dõi trung bình 9 năm đối với nhóm tuổi trung niên và 5 năm đối với nhóm người cao tuổi.
Những cơn ác mộng khiến bạn giật mình thức tỉnh hoặc ngủ không ngon mỗi đêm có thể liên quan đến nguy cơ mất trí nhớ cao. Ảnh minh họa AI: ANH THƯ
Nam giới bị ảnh hưởng mạnh mẽ hơn cả: Những người đàn ông lớn tuổi gặp ác mộng mỗi tuần có khả năng mắc chứng mất trí nhớ cao gấp 5 lần so với những người cùng tuổi không gặp ác mộng. Ở cùng độ tuổi, nguy cơ chỉ tăng 41% với những phụ nữ hay gặp ác mộng. Một mô hình tương tự được chỉ ra khi xem xét lứa tuổi trung niên. "Kết quả này cho thấy việc gặp ác mộng thường xuyên có thể là một trong những dấu hiệu sớm nhất của chứng mất trí nhớ, có thể xảy ra nhiều năm hoặc thậm chí nhiều thập kỷ trước khi phát triển các vấn đề về trí nhớ và tư duy. Ngoài ra, việc thường xuyên gặp ác mộng và ác mộng cũng có thể là nguyên nhân gây ra chứng mất trí" - TS Otaiku viết trong bài tóm tắt trên The Conversation.
TS Otaiku cũng lưu ý ác mộng tái diễn vẫn có thể điều trị và điều này đã được chứng minh là có thể làm giảm sự tích tụ của các protein bất thường liên quan đến bệnh Alzheimer - bệnh phổ biến nhất trong nhóm bệnh mất trí nhớ.