Tỷ lệ dinh dưỡng hoàn hảo cho bữa sáng
Bác sĩ chuyên khoa gan mật và tiêu hóa Tiêu Đôn Nhân (Trung Quốc) đã chia sẻ trường hợp bệnh nhân là một kỹ sư điện tử 40 tuổi. Do thói quen ăn khuya, bỏ bữa sáng và sử dụng những thực phẩm thiếu lành mạnh, anh đã mắc chứng thừa cân và bị gan nhiễm mỡ nhẹ. Chỉ trong trong vòng 3 tháng thay đổi chế độ, thói quen ăn uống, người này đã giảm đến gần 10kg, chức năng gan cũng hoạt động trở lại bình thường.
Bác sĩ Tiêu Đôn Nhân cho biết, bệnh nhân cao 1m60 nhưng nặng tới 70kg và mắc chứng gan nhiễm mỡ nhẹ. Dù đã đăng ký một lớp giảm cân nhưng quá trình thực hiện lại không hề suôn sẻ.
Anh bắt đầu ghi lại 21 bữa ăn trong mỗi tuần và phát hiện ra rằng, do tính chất công việc nên thường phải ngủ muộn và ăn tối vào thời điểm rất khuya. Ngày hôm sau lại không ăn bữa sáng mà lập tức vào làm việc. Chính điều này là nguyên nhân dẫn đến tình trạng sức khoẻ suy giảm.
Dưới yêu cầu nghiêm ngặt của bác sĩ Tiêu, nam kỹ sư bắt đầu duy trì thói quen ngủ sớm - dậy sớm, cũng như ăn sáng khoa học, đúng cách. Điều này không chỉ giúp anh giảm cân thành công mà còn cải thiện chức năng gan. Bác sĩ Tiêu Đôn Nhân đã đưa ra 3 tỷ lệ cho bữa sáng hoàn hảo mà bất cứ ai cũng có thể thực hiện.
Cụ thể như sau:
- Thực phẩm chính (ngũ cốc nguyên hạt) 50 - 60%
- Chất đạm: 20%
- Chất béo: 30%
Thực đơn bữa sáng của bác sĩ Tiêu Đôn Nhân thường thực hiện gồm: sữa đậu nành không đường nhiều chất xơ, khoai lang và một nắm hạt. Bác sĩ giải thích thêm rằng, sữa đậu nành không đường giàu chất xơ có thể cung cấp protein chất lượng cao cho cơ thể. Khoai lang là thực phẩm ngũ cốc nguyên hạt giàu chất xơ và tinh bột. Các loại hạt chứa lượng lớn axit béo omega3 và là nguồn cung cấp chất xơ, chất béo dồi dào.
Bên cạnh đó, cũng cần tránh một số thực phẩm vào bữa sáng để không gây hại cho gan.
3 thực phẩm không nên ăn vào bữa sáng tránh hại gan
Sinh tố
Đường fructose trong trái cây nếu dùng quá nhiều sẽ dẫn đến gan nhiễm mỡ. Đặc biệt là các loại sinh tố có thêm đường hoặc sữa sẽ phá hủy cellulose có trong các loại hoa quả, làm tăng tốc độ hấp thụ đường và khiến lượng đường trong máu thay đổi đột ngột. Từ đó rút ngắn thời gian dự trữ glycogen và tạo ra gánh nặng cho gan.
Bánh mì trắng, bánh ngọt
Hầu hết các loại thực phẩm làm từ bột mì trắng và đường có trong các loại bánh này khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành glucose. Sau khi ngủ, lượng đường trong máu thấp, nếu lập tức tiêu thụ tinh bột sẽ khiến đường huyết tăng mạnh dẫn đến tình trạng mệt mỏi.
Đồng thời, khi tiêu thụ quá nhiều tinh bột và đường sẽ dẫn đến béo phì, tăng nguy cơ mắc các bệnh về gan. Đồng thời, thực phẩm chứa nhiều đường, tinh bột có thể làm tăng tích tụ chất béo trung tính và thúc đẩy bệnh gan nhiễm mỡ, kéo dài sẽ dẫn đến xơ gan.
Ngũ cốc giòn có đường
Trên thị trường xuất hiện rất nhiều loại ngũ cốc giòn có đường, đây dù là bữa sáng tiện lợi nhưng lại có thể là nguyên nhân khiến đường huyết tăng cao. Chính vì vậy, khi lựa chọn ngũ cốc ăn sáng, hãy chú ý đến lượng đường bên trong. Đồng thời nên bổ sung thêm các loại rau chứa nhiều cellulose để cân bằng dinh dưỡng, tránh ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Nguồn: edh.tw