Tập luyện thể dục thể thao quá sức, không đúng cách trong những ngày nắng nóng cũng sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ kiệt sức, say nắng, say nóng. Đặc biệt, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như hiện nay người chơi thể thao càng phải cẩn trọng để bảo vệ sức khỏe.
Nguyễn Văn A là học sinh lớp 11 trường phổ thông trung học năng khiếu. A. có sở thích đá bóng với bạn bè. Sau đợt thi học kỳ tại trường, mọi người bắt đầu tập luyện hăng hái để chuẩn bị cho giải đấu sắp tới. Một buổi sáng, sau khi đá bóng dưới cái nắng như thiêu đốt với nhiệt độ cao nhất là 38 độ C kết thúc vào 11h30, em vừa uống nước vừa chạy bộ về ký túc xá cách đó 5 km. Về đến ký túc xá, em mệt lả, nói chuyện không rõ ràng và được đưa về phòng nghỉ ngơi. Sau đó, em được xe cấp cứu đưa đến bệnh viện vì bị khó thở.
Trao đổi về vấn đề này, TS.BS. Phạm Nguyên Quý, BV Trung ương Kyoto Miniren, Đại học Kyoto, Tổ chức Y học cộng đồng, cho biết, về nguyên tắc, nên ngừng tập thể dục vào những ngày nắng nóng trên 38 độ C, hoặc những ngày nhiệt độ không quá cao nhưng độ ẩm cao. Khi tập thể dục dưới trời nóng, nếu không nghỉ giải lao thường xuyên và uống nước thường xuyên, bạn sẽ dễ bị say nắng.
TS.BS. Phạm Nguyên Quý, BV Trung ương Kyoto Miniren, Đại học Kyoto, Tổ chức Y học cộng đồng
Trường hợp của em A là do đã tập thể dục và chạy bộ dưới trời nắng nóng, trong khi cơ thể chưa quen với nhịp độ đó. Để tránh những tai nạn đáng tiếc như vậy, bác sĩ Quý lưu ý những việc cần làm để phòng ngừa như sau:
Đầu tiên, có 3 yếu tố liên quan đến nguy cơ say nắng:
1. Môi trường
- Nhiệt độ môi trường
- Độ ẩm cao
- Ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp
- Thiếu gió và nóng đột ngột
2. Đặc điểm cơ thể
- Đặc điểm về thể lực, vóc dáng
- Tình trạng sức khỏe chung
- Trạng thái vào hôm đó
- Thói quen/khả năng chịu nóng
- Quần áo mặc vào hôm đó
3. Nội dung tập luyện
- Cường độ, nội dung và thời gian vận động
- Uống nước và bổ sung muối khoáng
- Thời gian nghỉ ngơi
Thứ hai, cách ứng phó với nắng nóng khi tập luyện thể dục
Để hạn chế, đề phòng các nguy cơ gây hại cho sức khỏe khi luyện tập thể thao mùa nắng nóng, bác sĩ Quý cho biết, các chuyên gia đã đưa ra các hướng dẫn để ứng phó với nắng nóng khi luyện tập thể dục như sau:
1. Lưu ý về môi trường tập thể dục
Khi tập thể dục trong thời tiết nóng, hãy cố gắng chọn thời điểm mát hơn trong ngày.
Tránh tập thể dục trong thời gian dài và nên nghỉ giải lao thường xuyên (ít nhất 30 phút một lần, tùy vào điều kiện môi trường).
2. Uống nhiều nước và muối khoáng
Khi đổ nhiều mồ hôi, cơ thể sẽ mất nước và muối khoáng. Vì thế, hãy đảm bảo bổ sung lượng muối (natri) cũng như lượng nước đã mất. Những đồ uống nên cân nhắc là thức uống có mùi vị, thành phần dễ chịu và được làm mát trong khoảng 5-15 độ C.
Đồ uống hiệu quả nhất là loại có chứa 0,1-0,2% muối (hoặc 40-80 mg muối/100 ml dung dịch) và có đường. Khi tập thể dục trong hơn 1 giờ, đồ uống có chứa một ít đường thường giúp cơ thể thấy khỏe lại. Việc bổ sung lượng nước đã mất qua mồ hôi vào thời điểm này cũng được cho là thích hợp nhất. Nếu khả thi, bạn có thể cân trước và sau khi tập thể dục để biết chính xác lượng nước đã mất qua mồ hôi.
3. Để cơ thể dần quen với cái nóng
Khi trời nóng đột ngột, cơ thể phải mất khoảng một tuần để quen với cái nóng.
Ngoài ra, khi tập thể dục cường độ càng cao, cơ thể càng tạo ra nhiều nhiệt và nguy cơ say nắng càng cao. Vì thế, tránh tập thể dục gắng sức cho đến khi cơ thể đã quen với sức nóng, và nên giúp cơ thể thích nghi dần dần bằng các bài tập tập thể dục nhẹ và trong thời gian ngắn. Điều tương tự cũng có thể áp dụng khi tập thể dục lại sau một thời gian nghỉ ngắn.
4. Mặc quần áo nhẹ, thoáng mát và tránh ánh nắng trực tiếp
- Khi trời nóng, hãy chọn quần áo làm bằng vải có thể hút ẩm tốt và thoáng khí tốt. Khi tập thể dục dưới trời nắng nóng, nên đội mũ và tránh ánh nắng trực tiếp.
- Hãy cẩn thận hơn nếu cơ thể bạn nhạy cảm với nhiệt độ. Những người nhạy cảm với nhiệt độ đặc biệt dễ bị say nắng. Vì vậy đừng đột ngột bắt đầu tập thể dục quá sức. Ngoài ra, theo một số báo cáo thì những người thừa cân, béo phì dễ bị say nắng hơn, nên cũng cần thận trọng.
- Nếu cảm thấy không khỏe, hãy ngừng tập thể dục càng sớm càng tốt. Theo một số thống kê, việc chạy và lao nhanh lặp đi lặp lại thường dễ gây say nắng. Nếu bạn cảm thấy cơ thể không được khỏe, hãy báo cho những người xung quanh về tình trạng của mình và cân nhắc ngừng tập thể dục. Người hướng dẫn (như huấn luyện viên) nên để ý tới mức độ mệt mỏi của các cầu thủ để khuyên họ dừng bài tập, nghỉ ngơi, sơ cứu khi có sự thay đổi thể trạng. Phát hiện sớm để ứng phó sớm là rất quan trọng để ngăn ngừa ảnh hưởng nghiêm trọng do say nắng.