Ngủ ngáy có nguy hiểm không?
Ngáy là tiếng ồn gây ra trong vòm họng trong khi ngủ, xảy ra khá phổ biến ở khoảng 57% nam giới và 40% nữ giới. Điều này có thể dẫn đến sự khó chịu cho người ngủ cùng. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, tiếng ngáy phản ánh tình trạng sức khỏe mà không thể bỏ qua - bác sĩ chuyên khoa Tim mạch - Thần kinh Phạm Thị Hằng cho hay.
Ngủ ngáy thường là hậu quả của sự rung động do luồng khí của các mô mềm vòm họng, đặc biệt là khẩu cái mềm, đi qua vùng họng hẹp phía sau.
Tuy nhiên, ngủ ngáy do hội chứng ngưng thở khi ngủ là 1 bệnh lý về hô hấp và giác ngủ, gây thiếu oxy nghiêm trọng cho não và tim, có thể gây tăng huyết áp, đột quỵ khi ngủ, nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp,….
Biểu hiện và các yếu tố gây hội chứng ngưng thở khi ngủ
Người mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ thường có một số biểu hiện như buồn ngủ quá mức vào ban ngày; giấc ngủ không thoải mái, mệt mỏi, mất ngủ; thức giấc với cảm giác nín thở, thở hổn hển hoặc nghẹt thở.
Những người ngủ cùng người bệnh sẽ dễ nhận ra các biểu hiện khác thường như ngủ ngáy to, thở ngắt quãng hoặc cả 2 cùng xuất hiện trong thời gian ngủ của bệnh nhân.
Các yếu tố nguy cơ gây ra hội chứng ngưng thở khi ngủ có thể kể đến như:
- Béo phì: Do mô mỡ tích tụ ở vùng hầu họng, mô họng to bất thường.
- Sử dụng rượu bia và các chất an thần trước ngủ.
- Nam giới do cấu trúc vùng họng hẹp và ngắn hơn nữ giới.
- Mang thai.
- Tắc nghẽn mũi mạn tính hoặc nghẹt mũi.
- Bất thường cấu trúc giải phẫu: hàm nhỏ, cổ họng hẹp, cuống họng dài.
- Các bất thường khác như amidan phì đại, polyp mũi, tắc vách ngăn mũi…
Việc chẩn đoán bệnh có thể thông qua việc sử dụng đa ký giấc ngủ.
Điều trị hội chứng ngưng thở khi ngủ
Hội chứng ngưng thở khi ngủ hoàn toàn có thể được cải thiện nhờ việc thay đổi một số thói quen trong cuộc sống. Bác sĩ gợi ý một số cách thức điều trị như sau:
- Tránh uống rượu và thuốc an thần trong vài giờ trước khi ngủ
- Ngủ tư thế đầu cao hoặc nghiêng về một bên
- Giảm cân với người béo phì
- Xử lý nghẹt mũi: sử dụng thường xuyên thuốc xịt mũi, rửa mũi, làm thông thoáng đường thở.
- Xem xét các biện pháp cụ thể như các thiết bị hỗ trợ tụt hàm dưới, phẫu thuật tạo hình vòm miệng, can thiệp chỉnh hình vòm miệng….