Thận đảm nhiệm rất nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể. Từ lọc máu và chất thải tới điều hòa thể tích máu và huyết áp, bài tiết nước tiểu đến các chức năng nội tiết, chuyển hóa vitamin D3, glucose trong một số trường hợp. Nên khi thận bị tổn thương, mắc bệnh sẽ không chỉ gây đau đớn mà còn rối loạn các hoạt động hàng ngày, gây nguy hiểm tính mạng.
Muốn phòng bệnh thận, có 6 thói xấu chúng ta cần tránh xa hoặc thay đổi càng sớm càng tốt, đó là:
1. Nhịn tiểu thường xuyên
Đương nhiên khi nhắc tới thói xấu hại cho thận thì không thể bỏ qua nhịn tiểu. Rất nhiều người hiểu được tầm nghiêm trọng của hành vi này nhưng lại không thể sửa hoặc khó điều chỉnh do đặc thù công việc.
Cách mà nhịn tiểu tác động xấu tới thận là khi nước tiểu bị giữ lại thường xuyên sẽ làm tăng áp lực cho thận, đồng thời làm chậm trễ quá trình đào thải chất độc cho cơ thể. Lâu dần, làm tổn thương bàng quang và mất khả năng kiểm soát việc đi tiểu. Nếu lặp lại lâu ngày khó tránh khỏi suy thận, sỏi thận và các rối loạn tiểu tiện nghiêm trọng khác.
Chưa kể, nước tiểu đọng lại trong bàng quang quá lâu, vi khuẩn dễ sinh sôi, vi khuẩn có thể ngược lên thận qua niệu quản, gây nhiễm trùng đường tiết niệu và viêm thận bể thận.
2. Uống ít nước, chỉ uống nước khi khát
Nước rất quan trọng đối với cơ thể. Khoảng 60-70% trọng lượng cơ thể là nước. Mọi bộ phận cơ thể đều cần nước để hoạt động bình thường, đặc biệt là đối với thận.
Thói quen uống nước ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của thận (Ảnh minh họa)
Nếu uống không đủ nước, đặc biệt nếu thường xuyên uống ít nước, có thể gây tổn thương thận. Thiếu nước, đặc biệt là thiếu nước thường xuyên, dẫn đến việc sản xuất nước tiểu có nồng độ khoáng chất và chất thải cao hơn. Điều này có thể dẫn đến sự hình thành sỏi thận và gây ra bệnh thận có thể ảnh hưởng đến chức năng thận.
Cách để nhận biết cơ thể có uống đủ nước hay không là nhìn màu sắc của nước tiểu. Nếu nước tiểu có màu vàng nhạt là uống đủ nước, nếu có màu vàng đậm có nghĩa là cần uống thêm nước.
Đặc biệt, uống nước cũng được chia thành uống nước chủ động và thụ động. Đa phần mọi người chọn cách uống nước thụ động, nghĩa là chỉ khi nào cảm thấy khát mới uống nước. Tuy nhiên ít người hiểu rằng những lúc khát đồng nghĩa với việc tình trạng thiếu nước trong cơ thể đã trở nên rất nghiêm trọng. Một số tế bào rơi vào trạng thái mất nước và việc bổ sung nhiều nước cùng lúc để giải quyết tình trạng này rất hại cho thận.
3. Uống nhiều rượu bia
Nhiều người cho rằng uống nhiều rượu bia chỉ gây hại cho gan, dạ dày mà không biết nó cũng là thói xấu “phá hủy” thận. Theo Quỹ Thận Quốc gia Mỹ, thường xuyên uống nhiều rượu bia có thể làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh thận mạn tính. Nguy cơ mắc bệnh còn cao hơn ở những người uống vừa uống nhiều rượu bia vừa hút thuốc.
Lý do là khi uống nhiều rượu bia, thận phải làm việc nhiều hơn để lọc các chất độc hại ra ngoài. Trong một số trường hợp, uống quá nhiều rượu bia, khoảng 5 ly trở lên cùng lúc, có thể gây suy giảm chức năng thận đột ngột gọi là tổn thương thận cấp tính. Tình trạng nghiêm trọng này xảy ra khi chất độc từ rượu bia tích tụ trong máu quá nhanh khiến thận không thể duy trì sự cân bằng chất lỏng thích hợp. Dù có thể hồi phục sau khi điều trị, tổn thương thận cấp tính làm tăng nguy cơ phát triển bệnh thận mạn tính.
Hơn nữa, uống nhiều rượu có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp và bệnh tiểu đường tuýp 2. Cả hai bệnh này đều là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn tới bệnh thận mạn tính ở Mỹ.
4. Ăn thừa muối
Theo WHO, mỗi năm có khoảng 4,1 triệu ca tử vong trên toàn thế giới xuất phát từ nguyên nhân ăn thừa muối. Đây cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn tới các bệnh về thận.
Ăn thừa muối, quá nhiều thịt cũng gây hại cho thận (Ảnh minh họa)
Bởi vì thận chịu trách nhiệm chuyển hóa 95% lượng natri thu nạp qua thức ăn. Khi lượng muối ăn vào cơ thể ở mức cao, thận phải làm việc nhiều hơn để loại bỏ lượng muối dư thừa. Điều này có thể dẫn đến thận bị quá tải, suy giảm chức năng thận, khiến thận bị tổn thương và dễ mắc bệnh tật.
Đồng thời, ăn quá nhiều muối cũng gây giữ nước và làm tăng huyết áp. Từ đó tác động xấu đến hoạt động và sức khỏe của thận. Ví dụ như huyết áp cao thường xuyên dễ đến suy thận, ngược lại bệnh suy thận làm chức năng chuyển hóa natri kém đi, làm trầm trọng thêm bệnh huyết áp. Nên hãy học cách kiểm soát lượng muối nạp vào cơ thể. WHO khuyến nghị mức tiêu thụ muối trung bình của 1 người trưởng thành cần ở mức dưới 5g một ngày.
5. Ăn quá nhiều thịt
Ít ai biết rằng việc ăn quá nhiều thịt cũng có tác hại đối với thận. Thịt động vật chứa nhiều chất dinh dưỡng nhưng cũng giàu purine. Thành phần này khi đi vào cơ thể sẽ phân hủy thành axit uric mà hàm lượng axit uric cao sẽ tạo áp lực cho thận, tích tụ lâu ngày sẽ làm tăng nguy cơ sỏi thận.
Do đó, nếu có thói quen tiêu thụ quá nhiều thịt thì bạn nên hạn chế lại ngay. Thay vào đó hãy bổ sung nhiều rau quả để tốt hơn cho cơ thể lẫn sức khỏe thận. Cần nhớ rằng, mỗi ngày 1 người trưởng thành (không phải vận động quá nặng) chỉ nên ăn khoảng 150g thịt động vật. Cũng nên uống nhiều nước hơn khi ăn thịt để quá trình tiêu hóa và cải thiện chức năng thận khi ăn thịt được diễn ra hiệu quả hơn.
6. Thức khuya thường xuyên
Cần phải hiểu rằng cơ thể có đồng hồ sinh học và ban đêm là thời gian tốt nhất để thận được nghỉ ngơi, điều chỉnh cũng như tự sửa chữa. Nếu không nghỉ ngơi vào thời gian này mà lại thức khuya vì công việc hoặc giải trí thì thận sẽ phải làm việc quá sức, giảm khả năng tự sửa chữa. Lặp lại thói quen xấu này lâu ngày sẽ khiến thận bị tổn thương, chức năng bị suy giảm và mắc bệnh.
Thức khuya lâu ngày có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận (Ảnh minh họa)
Thức khuya còn làm cho hệ nội tiết và hệ miễn dịch mất cân bằng. Từ đó gây rối loạn môi trường bên trong cơ thể, dễ gây ra các bệnh nhiễm trùng, bao gồm cả thận. Thói xấu này cũng làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp, điều này đồng nghĩa với tỷ lệ mắc bệnh thận tăng lên.
Nguồn và ảnh: Aboluowang, Kknews, HK01