Một bé gái 7 tuổi, tên Tây Tây (Trung Quốc) được bố mẹ cho về quê ngoại tại Hồ Nam chơi trong kỳ nghỉ hè. Biết cháu gái quen sống ở thành phố, bà ngoại cẩn thận dọn dẹp từng ngóc ngách trong nhà, quét dọn sân vườn sạch sẽ để không có con côn trùng nào làm tổ được.
Thế nhưng, ở nông thôn vào mùa hè rất nhiều muỗi, các chương trình tin tức lại liên tục cảnh báo, đưa tin các vụ sốt xuất huyết khiến bà vô cùng lo lắng. Bà mua rất nhiều thuốc diệt côn trùng và xịt khắp nơi trong nhà. Buổi tối trước khi đi ngủ, bà còn xịt lên cả chăn gối, dưới gầm giường rồi mới yên tâm buông màn cho cháu gái đi ngủ.
Vài ngày sau, da Tây Tây bắt đầu xuất hiện các nốt mẩn đỏ, vài chỗ trên lưng giống như bị phát ban, mọc rất nhiều mụn nước li ti và có cảm giác ngứa ngáy. Bà ngoại có phần lo lắng nhưng không hề mảy may nghĩ rằng đó là do loại thuốc diệt muỗi mình thường dùng, chỉ đơn giản nghĩ rằng cháu gái chưa quen thời tiết và môi trường ở quê nên bị dị ứng.
Nhưng không ngờ, còn chưa qua 1 ngày, tình trạng cô bé đã trở nên vô cùng tồi tệ. Không chỉ sốt cao, các mụn nước to lên rất nhanh, chảy dịch và thậm chí còn có mủ trắng trên các vết lở loét. Tây Tây liên tục khóc thét lên vì đau đớn khi bà ngoại cố cởi chiếc áo trên người cô bé để xem xét vết thương.
Đáng lo nhất là tình trạng này không chỉ ở mỗi phần lưng, mà đã lan ra nhiều nơi khác trên cơ thể như trên cổ, tay hay gần hết bắp chân. Bà ngoại lập tức gọi điện cho bố mẹ Tây Tây và đưa cô bé đến Bệnh viện Nhi Hồ Nam (Trung Quốc).
Bác sĩ La, Phó trưởng khoa tại Khoa Da liễu của bệnh viện cho biết: "Khi bước vào phòng khám, cháu bé không ngồi xuống được, da toàn thân ngứa ngáy và đau đớn, không ai dám chạm vào. Các vùng tổn thương trông vừa như phát ban, vừa như mụn nước, ban đầu xác định bị dị ứng da đặc biệt nghiêm trọng".
Ông cũng nhận định rằng trường hợp của Tây Tây khá hiếm gặp, sau khi điều tra bệnh sử và thảo luận với nhóm hội chẩn, kết luận cuối cùng là bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc do dị ứng với thuốc diệt côn trùng.
May mắn là sau khi được các nhân viên y tế điều trị và chăm sóc cẩn thận, tình trạng của Tây Tây đã cải thiện đáng kể. Cô bé được xuất viện sau đó 1 tuần, nhưng trên da vẫn còn rất nhiều những vết sẹo và vùng thâm.
Bác sĩ: hãy cẩn trọng với thuốc diệt côn trùng!
Qua ca bệnh của Tây Tây, trang web chính thức của Bệnh viện Nhi đồng Hồ Nam đã đưa ra lời kêu gọi mọi người tuyệt đối không nên lạm dụng sản phẩm thuốc phun diệt côn trùng quá nhiều. Đặc biệt là không nên xịt trực tiếp thuốc lên các đồ dùng, nhất là quần áo hay giường ngủ của trẻ em, bởi vì đó là đối tượng có làn da non nớt và mẫn cảm hơn, rất dễ bị dị ứng, điều trị xong cũng có thể để lại di chứng trên da.
Bác sĩ La cũng nhắc nhở rằng có rất nhiều người có thói quen dùng thuốc diệt côn trùng dạng xịt để đối phó với muỗi, gián nhưng lại không hiểu hết về nguy cơ tiềm ẩn của nó. Phun thuốc vào không khí hiệu quả không lớn vì bay hơi rất nhanh, nhưng xịt vào thành giường hoặc dưới đệm, nó có thể đóng cặn dưới ga trải giường, dù chưa gây hại ngay thì khi tiếp xúc thì hậu quả rất nặng nề.
Thuốc diệt côn trùng có thể đi qua da và gây dị ứng da với các biểu hiện lâm sàng là nổi ban đỏ, mụn nước, bào mòn da, nhiễm trùng bong tróc kèm theo ngứa ngáy, đau đớn, lở loét…
Đặc biệt, các loại thuốc diệt côn trùng dạng xịt rất nguy hiểm vì không chỉ dừng lại ở bệnh da liễu, hít phải khí dung của thuốc trong thời gian dài gây hại đến gan, thận, hệ thần kinh, hệ tuần hoàn…
Ông cũng khuyến cáo rằng sự sinh sản của muỗi phụ thuộc rất nhiều vào môi trường. Vì vậy, hãy luôn giữ gìn vệ sinh, dọn dẹp sân vườn, không để cây cỏ quá um tùm, đừng để không khí ẩm thấp, có thể lắp lưới chống muỗi ở các cửa và luôn cẩn trọng khi sử dụng các loại hóa chất diệt côn trùng.
Nguồn và ảnh: Sky Post, Sohu, Asia One