Theo Cancer Research UK (CRUK), hơn 375.000 trường hợp ung thư được phát hiện mỗi năm ở Anh, tương đương 1.000 ca mỗi ngày. Trong số 1.000 bệnh nhân này, có 100 người dưới 50 tuổi. Ung thư vú, tuyến tiền liệt, phổi và ruột chiếm phần lớn trong số ca chẩn đoán ung thư mới.
Mức gia tăng dễ nhận thấy nhất là ở ung thư đại tràng. Số ca mắc tăng 50% ở người 20, 30 và 40 tuổi trong 30 năm qua. Trước đó, nhiều nhà khoa học nhận định tình trạng béo phì, thói quen ăn đồ ăn nhanh đã ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, từ đó tăng khả năng ung thư.
Tuy nhiên, giả thuyết này không phù hợp với thực tế là những người trẻ tuổi, khỏe mạnh, có lối sống ổn định cũng bị bệnh. Molly Guinness, nhà sản xuất tại BBC Radio 4, vừa được chẩn đoán mắc ung thư đại tràng ở tuổi 39. Trong bài đăng trên X, cô chia sẻ bản thân có chế độ ăn uống lành mạnh, thân hình mảnh mai.
"Tôi nhìn quanh phòng chờ ở khoa đại trực tràng, tất cả người tôi gặp đều có chỉ số khối cơ thể (BMI) ở mức khỏe mạnh", cô nói.
Guinness không phải người duy nhất nhận ra tình trạng này. Deborah James, sống tại Anh, được chẩn đoán ung thư đại tràng khi mới 35 tuổi. Cô đã quyên góp hàng triệu đô la cho tổ chức từ thiện vào những ngày cuối đời năm 2022. James có thói quen tập thể dục nghiêm ngặt, luôn có sức khỏe tốt cho đến khi phát bệnh.
Ví dụ khác là Zu Rafalat, ở Finsbury Park, London, đã qua đời năm 2020 ở tuổi 39. Cô phát triển triệu chứng gần như đau dạ dày vào tháng 12/2018. Chỉ hai tuần sau, bụng cô chướng căng đến mức phải mặc quần dành cho bà bầu. Kết quả chụp CT cho thấy khối u trên buồng trứng phải. Cô được chẩn đoán mắc ung thư giai đoạn 4, đã lan sang các cơ quan khác.
"Tôi khỏe mạnh trong suốt cuộc đời mình, chưa từng nghĩ bản thân có thể mắc ung thư ở độ tuổi trẻ như vậy", cô nói.
Evan White được chẩn đoán ung thư đại tràng năm 24 tuổi khi vào viện để khám viêm amidan. Ảnh: Daily Mail
Một số nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng việc tiêu thụ đồ ăn vặt hoặc thực phẩm chế biến sẵn có thể gây ung thư đại tràng. Phân tích của Singapore cho thấy methylglyoxal, hợp chất giải phóng khi cơ thể phân hủy thức ăn chứa đường và chất béo có thể ảnh hưởng đến một gene chống lại khối u, từ đó làm tăng nguy cơ ung thư. Nghiên cứu năm 2023 trên Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng cũng phát hiện mối liên hệ giữa việc tiêu hóa thực phẩm chế biến sẵn và một số loại ung thư.
Dù vậy, không phải tất cả chuyên gia tin rằng lời giải thích đơn giản như vậy. Theo giáo sư Karol Sikora, một bác sĩ ung thư nổi tiếng với 40 năm kinh nghiệm, sự thay đổi lối sống trong 50 năm qua của người dân toàn cầu có thể tác động lên tỷ lệ ung thư.
"Căn bệnh dường như không liên quan đến béo phì. Tỷ lệ người ăn chay mắc bệnh ung thư vẫn tăng lên, đây là điều bí ẩn", ông nói.
Giả thuyết của ông là hệ vi sinh vật đường ruột ở người trẻ là nguyên nhân làm tăng nguy cơ ung thư sớm. Ông nhận định một hệ vi sinh khỏe mạnh là điều tất yếu để ngăn ngừa ung thư đại tràng, bởi các tế bào ruột "tắm" trong những sản phẩm vi khuẩn tạo ra 24/7.
"Như vậy, không có gì ngạc nhiên nếu các thay đổi của hệ vi sinh khiến tỷ lệ mắc ung thư đại tràng cao hoặc thấp hơn", ông nói.
Một số vi khuẩn trong ruột có thể hỗ trợ tiêu hóa, ngăn chặn các vi khuẩn có hại khác bén rễ. Dù vậy, theo các chuyên gia, việc phân tích chúng quá phức tạp, bởi có liên quan đến nhiều yếu tố như chế độ ăn, thói quen sử dụng rượu bia và sinh hoạt hàng ngày.
Theo tiến sĩ Hendrik-Tobias Arkenau, tại HCA Healthcare, cho biết các lý do đằng sau tình trạng này chưa rõ ràng. Giả thuyết của ông là việc sử dụng kháng sinh trong thời thơ ấu, tỷ lệ cho con bú giảm, lượng vitamin và sự thay đổi chế độ ăn uống đều đóng vai trò quan trọng. Nhìn chung, giới khoa học vẫn đang chạy đua nghiên cứu để giải mã bí ẩn này, từ đó đưa ra các lời khuyên và phác đồ điều trị.
Trong lúc đó, lời khuyên là mọi người nên thực hành lối sống lành mạnh, chế độ ăn hợp lý, hạn chế tiêu thụ thuốc lá và rượu, tăng hoạt động ngoài trời, tầm soát bệnh ung thư định kỳ.