Bị lây nhiễm HIV sau lần bị dụ dỗ “yêu” mà không biết
Cha mẹ Hoàng Minh Huy (16 tuổi, ở TP.HCM) ly hôn khi em còn nhỏ. Sau đó, ai cũng có gia đình riêng, Huy về sống với bà nội đã lớn tuổi. Dù cuộc sống khó khăn, bà nội vẫn hằng ngày chăm sóc, lo cho cháu trai đi học đầy đủ. Tuy nhiên, cũng vì không được sống với cha mẹ và nhiều lý do khác nhau, Huy không được trang bị các kiến thức về giới tính trước khi bước vào tuổi dậy thì.
Năm Huy 10 tuổi thì bị một người đàn ông đồng giới gần nhà dụ dỗ quan hệ tình dục không an toàn. Bị người lớn làm chuyện xấu với mình, nhưng vì không biết và được cho tiền, Huy chịu đựng, không tâm sự với ông bà, cha mẹ.
Vì thiếu kiến thức về giới tính, Huy bị dụ "yêu" và mắc bệnh xã hội khi mới 10 tuổi. (Ảnh minh họa)
Đến năm 14 tuổi, Huy một lần nữa bị người đàn ông trên dụ quan hệ không dùng biện pháp bảo vệ. Sau đó, cậu bé thấy mình bị sút cân nhiều, các nốt phát ban hồng nổi nhiều ở ngực, lòng bàn chân, lòng bàn tay, khoang miệng và ở vùng kín. Lên mạng đọc thông tin về các căn bệnh dễ lây qua tình dục không an toàn, Huy rất lo sợ. Tuy nhiên, em không tâm sự với người nhà mà tìm cách nhờ chuyên viên hỗ trợ cộng đồng giúp đỡ.
“Huy tìm đến tôi sau khi xem các video hướng dẫn của tôi trên mạng xã hội”, anh Ngô Tấn Huỳnh, một chuyên viên tư vấn HIV hỗ trợ cộng đồng chia sẻ.
Anh Huỳnh cho biết, gặp Huy lần đầu, nhìn bên ngoài, anh đánh giá, cậu bé đã bị HIV ở giai đoạn muộn vì các dấu hiệu đã rõ. Tuy nhiên, anh vẫn trấn an, động viên Huy và đưa em đi làm các xét nghiệm.
Kết quả cho thấy, Huy bị HIV ở giai 3 (giai đoạn HIV có triệu chứng) và bị giang mai, sùi mào gà. “Chắc có lẽ, Huy đã bị bệnh từ năm 10 tuổi rồi. Tuy nhiên, do giai đoạn đầu của HIV thường không có triệu chứng và triệu chứng không rõ nên em không biết. Một phần, em không được sống cạnh cha mẹ nên phải chịu nhiều thiệt thòi hơn”, anh Huỳnh bày tỏ.
Đến nay, Huy đã điều trị bệnh được hơn 2 năm. Điều khiến anh Huỳnh vui là cậu bé đã tăng thêm 7kg, các căn bệnh truyền nhiễm đã được khống chế nên sức khỏe như người bình thường. Tuy nhiên, anh Huỳnh rất buồn vì Huy đã phải bỏ học và sau thời gian điều trị bệnh, cậu bé trở nên chán nản, hận người đã gây bệnh cho mình. Chính vì hận, Huy đã sinh lòng hận thù và trả thù bằng cách đi lây bệnh cho người khác.
Những bé trai nhiễm HIV đang được hỗ trợ tâm lý tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: BVCC.
Nhiều trẻ bị lây nhiễm HIV bỏ điều trị vì cuộc sống mưu sinh
Anh Huỳnh nhận định, tình trạng của Huy đang là một hồi chuông cảnh báo vô cùng nan giải. Bởi hiện nay không chỉ Huy, mà còn nhiều trẻ khác muốn bỏ điều trị để đi làm việc, một phần do các em chán nản, phần khác vì thôi thúc mưu sinh.
“HIV là căn bệnh phải điều trị cả đời. Rất nhiều trẻ khi mới bị bệnh đã rất hoang mang, lo lắng nên hợp tác để trị bệnh. Tuy nhiên, phải điều trị trong thời gian dài khiến các em chán nản, không muốn tiếp tục và sinh lòng hận thù. Một phần các em cũng vì cuộc sống mưu sinh, phải kiếm tiền để trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, cũng vì không có công việc ổn định nên các em phải làm công việc dễ lây bệnh cho người khác hơn”, anh Huỳnh chia sẻ.
Theo anh Huỳnh, khi tìm hiểu sâu hơn về hoàn cảnh của Huy, anh biết được gia đình em đang khó khăn, bà nội đã lớn tuổi nên không thể lao động để nuôi em như trước, vì vậy, cậu bé phải tự lo cho mình. “Tôi vẫn tiếp tục hỗ trợ để Huy được dùng thuốc và tư vấn tâm lý cho em. Tôi chỉ giúp em được đến đó. Còn chuyện tố cáo người xâm hại em lúc nhỏ thì gia đình em phải làm. Chuyện Huy đang làm cũng vậy, tôi chỉ cho lời khuyên chứ không thể can thiệp được, vì đó là cuộc sống mưu sinh của em”, anh Huỳnh bày tỏ.
ThS.BS Dư Tuấn Quy, trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết hiện nay, tại bệnh viện đang quản lý hơn 440 trẻ nhiễm HIV, trong đó trẻ đang ở tuổi vị thành niên là 300. Các ca bệnh này được chia thành 2 nhóm: Trẻ bị lây bệnh từ mẹ và trẻ bị lây bệnh do quan hệ tình dục. Trong đó, có nhiều trẻ bị lây bệnh đã trưởng thành, lớn nhất là hơn 28 tuổi. Điều gây khó khăn cho các y bác sĩ là hiện nay, tình trạng trẻ vị thành niên, người trẻ nhiễm HIV sau thời gian dài điều trị bệnh đã tự ý bỏ thuốc, quan hệ tình dục không an toàn và tái khám không đúng hẹn.
Ths.BS Dư Tuấn Quy đang trò chuyện với những trẻ đang bị nhiễm HIV. Ảnh: BVCC.
“Những trẻ bỏ điều trị có hoàn cảnh khó khăn, phần lớn người thân đã mất, phải tự lo cho cuộc sống của mình, không có công việc làm ổn định. Để tồn tại, các em phải đi làm ở quán cà phê, tiệm tóc, làm nghề mại dâm, cặp với người lớn tuổi và đều có quan hệ không dùng biện pháp bảo vệ. Khi biết các em bỏ điều trị, chúng tôi liên hệ mới biết các em chuyển chỗ ở để kiếm sống, khi hết thuốc, bị nhiễm trùng mới trở lại viện”, bác sĩ Quy chia sẻ.
Theo bác sĩ Quy, khó khăn của những trẻ nhiễm HIV hiện giờ chủ yếu là mưu sinh bởi không có tiền thuê nhà trọ, không có tiền mua bảo hiểm và trang trải cuộc sống. Bác sĩ Quy cho rằng, điều cần làm hiện nay là giáo dục hướng nghiệp cho trẻ. Các nhân viên y tế, người trực tiêp quản lý trẻ cần chịu khó hỏi han, quan tâm, tiếp chuyện, giáo dục về sức khỏe sinh sản, về giới tính để có biện pháp bảo vệ trẻ an toàn, tránh lây các bệnh truyền nhiễm, trong đó có HIV, ra cộng đồng.
"Tỷ lệ trẻ HIV không còn người chăm sóc (bố mẹ đã mất) lên đến 40%. Tôi ấp ủ hướng nghiệp cho trẻ HIV, cho các em một cái nghề. Trong năm 2023, tôi dự định sẽ gặp các trẻ HIV định hướng giáo dục cho các em. Chúng ta phải cùng nhau làm điều tốt nhất cho trẻ nhiễm HIV", bác sĩ Quy trăn trở.
ThS.BS Vũ Thiên Ân, Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2, cũng cho biết, từ sau dịch COVID-19 đến nay, tỷ lệ trẻ nhiễm HIV bị trầm cảm đang tăng lên. Nhiều trẻ nhiễm HIV có tư tưởng bỏ uống thuốc, bỏ điều trị. Vì vậy, bệnh viện đang tập hợp các em để nhân viên xã hội sẽ lắng nghe, tháo gỡ, giải đáp nhiều vấn đề riêng tư của các em. Từ đó nhắc nhở, khuyến khích các bé uống thuốc trở lại đều đặn và sớm phát hiện các trường hợp bị trầm cảm để có phương án xử lý kịp thời.
* Tên nhân vật nhiễm HIV trong bài đã thay đổi.