Trót bầu rồi lấy chồng sớm, làm việc cực lực để không bị nói là "ăn bám"
Đây là một câu chuyện thật được Thạc sĩ Tâm lý học Lâm sàng Lê Thế Hanh đến từ Viện Tâm lý Giáo dục BrainCare chia sẻ. Cô gái tên L. (giấu tên) khi đang là sinh viên năm 2 tại một trường Đại học có tiếng tại Hà Nội thì quen chồng mình, khi ấy là lái xe ô tô đường dài.
Trong giai đoạn yêu nhau, anh thường xuyên đưa đón và chăm sóc L. tận tình, hầu như những dịp lễ nào anh cũng chuẩn bị quà và những cuộc đi chơi ấn tượng. Đặc biệt vào ngày 8/3 vừa là ngày quốc tế phục nữ cũng vừa là ngày sinh nhật của L., anh lúc nào cũng cho cô có cảm giác mình được quan tâm và an toàn trong mối quan hệ này.
Một năm sau L. phát hiện mình có em bé, cô cảm thấy hoang mang vì mình vẫn còn đang đi học, chưa có công việc ổn định, bây giờ lấy chồng thì biết phải làm sao. Nhưng vì tình yêu, L. quyết định lấy chồng vào năm 3 đại học. Quyết định đó đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ bố mẹ nhưng vì thương con thương cháu mà các cụ đành chấp nhận. Bi kịch bắt đầu sau khi L. về nhà chồng.
"Thời gian tôi gặp chồng ít hẳn vì anh thường xuyên đi chuyến Bắc - Nam, tôi ở cùng với mẹ chồng là chính. Văn hóa gia đình của nhà chồng khác gia đình nhà tôi. Nếu như đi làm hoặc đi học về mệt thì tôi có thể nghỉ ngơi một chút nhưng ở đây dù tôi có đi đâu về mệt thì cũng phải làm hết các công việc đã được giao mới được nghỉ ngơi. Nếu như không làm sẽ bị nói là ăn bám gia đình nhà chồng.
Quá nhiều những quy tắc mà tôi cảm thấy như mình mất đi sự tự do. Tôi nghĩ rằng nếu như không lấy chồng có lẽ giờ này tôi vẫn đang ở trường và đi học, không phải chịu những sự thay đổi quá lớn này. Rồi chồng thì không có bên cạnh, nhiều đêm tôi bị mất ngủ và hối tiếc về quyết định của mình.
Ảnh minh họa, không phải nhân vật trong bài.
Đến tháng thứ 3, vì tinh thần của tôi khá tệ mà con cũng yếu dần, mẹ chồng thì nói tôi khảnh ăn, không chịu ăn uống gì hết, suốt ngày chơi điện thoại nên mới làm cho cháu của bà bị yếu như vậy. Tôi không biết phải nói gì, có lần tức quá tôi cãi lại thì bà mắng là đồ vô giáo dục. Vì chồng vì con nên tôi đành nhẫn nhịn. Tôi nói với chồng thì anh bảo mẹ anh như vậy thì em bỏ qua cho bà, nhưng anh đâu có ở nhà mà biết bà đã nói như thế nào", L. tâm sự câu chuyện của mình cho Thạc sĩ Lê Thế Hanh.
Đến tháng thứ 5, L. thấy đau bụng thì biết là mình sảy thai. Cô đã vô cùng đau khổ vì mất đi đứa con đầu tiên. Thời gian sau đó, L. tưởng rằng chồng sẽ ở bên cạnh để an ủi và động viên thì anh vẫn đi liên tục, mẹ chồng thì thái độ khắt khe nhiều hơn trước.
"Bà nghĩ rằng vì thói quen xấu của tôi đã giết cháu của bà. Trong một lần ngủ mơ màng, tôi nghe loáng thoáng việc mẹ chồng khuyên chồng bỏ tôi vì bà nghĩ tôi không có khả năng sinh sản. Tôi thật sự sốc khi nghe câu nói đó, tôi mới sảy thai có một lần chứ có phải không sinh được con đâu.
Những năm tháng tiếp theo tôi cảm thấy tinh thần ngày càng tệ hơn, buồn chán và nghĩ về cuộc hôn nhân của mình, chồng thì không có sự an ủi động viên, mẹ chồng thì luôn nói lời cay độc. Tôi nhớ về những ngày chúng tôi yêu nhau, anh đón đưa và tặng quà tôi như thế nào thì giờ đây, những ngày lễ 8/3 hay 14/2 tôi phải ở nhà một mình, không ai quan tâm đến việc rằng hôm nay cũng là ngày sinh nhật của tôi. Tôi nhìn trên ti vi bao nhiêu người phụ nữ được tôn vinh, được yêu thương thì tôi không biết rằng mình cố gắng sống vì điều gì nữa", L. xót xa kể lại.
L. đã đi thăm khám tâm lý và được chẩn đoán bị trầm cảm và căng thẳng sau sang chấn (PTSD) sau khi bị sảy thai. L. đã phải trải qua cảm giác này một mình vì biết rằng dù có nói với chồng thì anh cũng bảo là do cô nghĩ nhiều quá, và "hãy tích cực lên".
Vì không thể thay đổi được mẹ chồng nên L. quyết định sẽ ra ngoài sống riêng để được tự do và hạn chế tương tác với bà.
Chuyên gia tâm lý: Hãy dành cho nhau từ 30 phút đến 1 tiếng mỗi ngày để nói chuyện
Câu chuyện của L. có thể dễ dàng bắt gặp trong những gia đình trẻ hiện tại, khi người phụ nữ, người vợ mắc kẹt trong những cảm xúc không thể giải tỏa cùng chồng. Họ cô đơn trong chính mái ấm của mình.
Thạc sĩ Tâm lý học Lâm sàng Lê Thế Hanh cho biết, nếu như rơi vào hoàn cảnh bế tắc trong mối quan hệ hôn nhân và tình huống căng thẳng trong các mối quan hệ nhà chồng cũng là một tín hiệu cho thấy sức khỏe tinh thần của bạn không khỏe, đặc biệt là không còn cảm thấy hạnh phúc trong mối quan hệ gia đình.
Thạc sĩ Tâm lý học Lâm sàng Lê Thế Hanh
Để vượt qua được vấn đề này các nhà tâm lý thường khuyến nghị các cặp đôi cần thực hiện một số hoạt động sau:
Dành thời gian để lắng nghe nhau tích cực, mỗi người đều có quan điểm riêng của bản thân nên nhu cầu được lắng nghe là điều quan trọng trong mối quan hệ. Chúng ta nên có thói quen dành cho nhau từ 30 phút đến 1 tiếng mỗi ngày để nói chuyện, trao đổi và thảo luận với nhau về cảm xúc, suy nghĩ trong quá trình sinh sống. Tôn trọng những quan điểm và suy nghĩ của nhau, trong hôn nhân mâu thuẫn các quan điểm là điều thường xuyên diễn ra.
Để xử lý khéo léo và gìn giữ mối quan hệ, chúng ta cần tôn trọng quan điểm của đối phương hạn chế việc đánh giá, phán xét và đưa ra những giải pháp mang tính chủ quan của mình. Thấu hiểu nhau qua những tình huống căng thẳng trong cuộc sống. Nếu như có một cảm xúc khó chịu dù là của người vợ hay người chồng thì đều cần có sự quan tâm thấu hiểu chia sẻ, đặc biệt là sau khi mang thai, người phụ nữ cần cảm nhận được sự chủ động của người chồng trong việc hỗ trợ những nhu cầu thiết yếu của một bà bầu.
"Dù vẫn biết hôn nhân là một trải nghiệm đầy khó khăn và thử thách nhưng nếu như vợ chồng có thời gian để lắng nghe, quan tâm thấu hiểu và tôn trọng nhau thì sẽ xóa bỏ được những mâu thuẫn không cần thiết cũng như vượt qua được sự khác biệt văn hóa giữa 2 gia đình và dĩ hòa vi quý cho bên nội và bên ngoại", Thạc sĩ Lê Thế Hanh cho biết