Sáng 2/8, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến khẩn về phòng chống COVID-19, kết nối tới điểm cầu của 63 tỉnh/thành phố và các đơn vị.
Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 trong những ngày gần đây tại các tỉnh phía Nam tiếp tục tăng, diễn biến dịch rất khẩn trương. Đến nay, đoàn công tác của Bộ trưởng Bộ Y tế đã bước sang ngày thứ 5 tại TP HCM và các tỉnh phía Nam.
Phát biểu từ điểm cầu TP HCM, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhắc lại đặc điểm đợt dịch thứ 4 từ ngày 27/4 đến nay có sự lây lan, diễn biến rất nhanh, trên địa bàn rộng.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long
"Chỉ trong thời gian ngắn, số ca nhiễm tăng rất cao. Điều này khiến việc phòng chống, chuẩn bị, xây dựng các kịch bản ở một số địa phương chưa sẵn sàng", Bộ trưởng nói.
Bộ Y tế đã cảnh báo nhiều lần, chủng virus Delta này có sự lây lan nhanh, mạnh, lan rộng, khó kiểm soát và còn kéo dài. Do đó, phải chuẩn bị cho một trận chiến không những phải nhanh hơn, mạnh hơn mà phải bền bỉ hơn.
Chia sẻ với lãnh đạo UBND và Sở Y tế các tỉnh/thành, Bộ trưởng cho hay các địa phương có thể rút ra bài học cho mình từ thực tiễn phòng chống dịch ở các địa phương bạn. Điều này giúp các địa phương không "hoảng loạn, ngỡ ngàng, hoang mang" khi dịch xảy ra như Thủ tướng đã lưu ý.
Căn cứ hướng dẫn phân tầng điều trị để có kịch bản chi tiết về cơ sở, nhân lực, trang thiết bị
Bộ trưởng lưu ý các địa phương cần lưu ý, quan tâm về năng lực ứng phó trong đó một lần nữa ông nhấn mạnh phương châm "4 tại chỗ". Thực tế một số địa phương không phát huy hết được năng lực ứng phó về sản xuất kinh tế; an sinh, trật tự xã hội; chuyên môn y tế.
Trong năng lực ứng phó về chuyên môn y tế, người đứng đầu ngành Y tế đặc biệt lưu tâm vấn đề quan trọng nhất là điều trị. "Dịch xảy ra trong thời gian ngắn, số lượng nhiều trên địa bàn rộng, vấn đề chăm sóc, điều trị ca COVID-19 phải chuẩn bị bài bản để không bỡ ngỡ" - GS.TS Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Bộ trưởng lưu ý 3 vấn đề cần chuẩn bị gồm: cơ sở thu dung điều trị; nhân lực y tế và trang thiết bị y tế.
Thực tế, một số địa phương phải trông cậy nhiều vào hệ thống y tế sẵn có. Tuy nhiên, khi có nhiều ca nhiễm trong cùng một thời điểm, năng lực này không thể đáp ứng. Do đó, phải chuẩn bị cao hơn, từ việc tiếp nhận, quản lý F0 không triệu chứng; điều trị ca có triệu chứng và ca nặng.
Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn rõ về 3 tầng tháp trong điều trị COVID-19. Căn cứ từ việc phân tầng này, các địa phương cần chuẩn bị cơ sở vật chất. Trong đó, tầng tháp thứ 1 sẽ quản lý, chăm sóc F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ (chiếm tỷ lệ khoảng 80%).
Bộ Y tế khuyến cáo không nên sử dụng các cơ sở y tế cho tầng điều trị thứ 1 mà nên lựa chọn các đơn vị cách ly (đơn vị cách ly F1, nơi lưu trú, hoặc nơi có khả năng thu dung). Lực lượng y tế lúc này đóng vai trò chỉ theo dõi, giám sát, xét nghiệm như đã hướng dẫn kỹ; cần huy động sự tham gia của các lực lượng khác.
Tầng tháp thứ 2 dành cho điều trị bệnh nhân có triệu chứng trung bình, tổ chức thu dung, điều trị ở cơ sở y tế tuyến quận/huyện trở lên. Tầng này cần có hệ thống oxy và oxy trung tâm, phải cho bệnh nhân thở được HFNC. Tầng thứ 3 (tầng trên cùng) dành cho điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch.
Về nhân lực, Bộ trưởng lưu ý, các địa phương phải rà soát lại hệ thống y tế công lập, tư nhân phải tham gia cuộc chiến này. Với hệ thống công lập phải chuẩn bị hệ thống máy thở, tăng cường đào tạo nhân lực sử dụng. Tương tự với tầng tháp thứ 2 – 3 cũng cần có kịch bản về nhân lực y tế, đặc biệt là tầng thứ 3.
Oxy, máy thở rất quan trọng
Về trang thiết bị, Bộ trưởng đánh giá một số địa phương vẫn chưa có chuẩn bị đúng mức. Máy thở là thiết bị rất quan trọng nhưng để vận hành được hệ thống máy thở này phải có oxy, oxy trung tâm, hệ thống khí nén.
"Vấn đề oxy và máy thở phải đặc biệt lưu ý. Bộ Y tế liên tục có văn bản nhắc nhở, dù dung lượng sản xuất oxy của chúng ta đáp ứng thừa nhưng vấn đề khó khăn là các cơ sở không kết nối được, một số nơi không có hệ thống bồn oxy, oxy trung tâm, chưa đáp ứng được" - Bộ trưởng đánh giá khâu vận chuyển cũng là vấn đề còn hạn chế oxy. Trong bối cảnh này phải chuẩn bị cho tình huống xấu hơn.
Tương tự, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh trang thiết bị y tế, dụng cụ phòng hộ, thuốc men… phải chuẩn bị cơ số không để tình trạng khi xảy ra dịch mới "chạy toán loạn" đi mua, đi xin.
"Địa phương phải chuẩn bị tối đa trang thiết bị y tế theo nguyên tắc 4 tại chỗ. Trung ương chỉ hỗ trợ trong trường hợp thực sự cần thiết. Địa phương không thể trông chờ hết vào Trung ương được" - Bộ trưởng khẳng định và lưu ý trong tình huống rất căng thẳng, Trung ương tập trung hỗ trợ cho các Trung tâm Hồi sức của Trung ương.
Các địa phương cũng cần chuẩn bị về vấn đề điều phối các hoạt động chuyên môn để khi xảy ra không bị luống cuống. Đơn cử như vận chuyển, tiếp nhận bệnh nhân, liên thông cơ sở khám chữa bệnh. Bộ trưởng yêu cầu tất cả cơ sở thực hiện khám chữa bệnh phải kết nối hệ thống telehealth.
Bộ trưởng đề nghị các địa phương chuẩn bị huy động lực lượng y tế tư nhân tham gia vào trận chiến này, các địa phương phải thực hiện ngay.
Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê cho hay: Phân tích diễn biến lâm sàng của 25.648 ca F0 cho thấy có 83,4% bệnh nhân không triệu chứng; 8,5% bệnh nhân mức độ trung bình (thở khí phòng); 8,1% bệnh nhân nặng, nguy kịch.
Trong số 2.079 ca bệnh nặng, nguy kịch có 1.298 (5,1% tổng F0) phải thở oxy mask, gọng kính; 301 ca phải thở oxy dòng cao HFNC; 73 ca phải thở máy không xâm lấn; 389 ca nguy kịch phải thở máy xâm lấn; 18 ca nguy kịch phải thở ECMO.
Đến ngày 30/7, Bộ Y tế công bố Việt Nam ghi nhận 1.306 ca COVID-19 tử vong. Phân chia độ tuổi trong số các bệnh nhân tử vong cho thấy: Nhóm người từ 70 tuổi trở lên chiếm tỷ lệ cao nhất (30,1 %) đều là các bệnh nhân có nhiều bệnh nền phức tạp; từ 61-70 tuổi có 28,6%; từ 51-60 tuổi là 22,8%; từ 41-50 tuổi là 11,4% và dưới 40 là 7,2%.