Tại hội thảo truyền thông vận động giảm tiêu thụ muối để phòng, chống tăng huyết áp, đột quỵ và các bệnh không lây nhiễm khác vào chiều 30-9, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết thói quen ăn nhiều muối là nguyên nhân quan trọng góp phần làm gia tăng tỉ lệ mắc tăng huyết áp và tử vong do các bệnh tim mạch tại nước ta.
Ở Việt Nam, cứ 5 người trưởng thành, có 1 người bị bệnh tăng huyết áp và trong 3 trường hợp tử vong, có 1 trường hợp là do các bệnh tim mạch. Ngoài ra, ăn nhiều muối còn làm tăng nguy cơ gây ung thư dạ dày, suy thận, loãng xương và gây những rối loạn khác cho sức khỏe.
Người Việt đang sử dụng gấp đôi lượng muối được khuyến cáo (Ảnh minh hoạ)
Theo ông Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, ước tính mỗi năm có 4,1 triệu người tử vong trên toàn thế giới do ăn thừa muối. Hiện tại, 75 nước trên thế giới có chiến lược giảm tiêu thụ muối theo khuyến cáo của WHO và nhiều nước đã thành công giảm lượng muối cho người dân. Ông Kidong Park cho rằng tại Việt Nam, lượng muối tiêu thụ gần gấp đôi so với khuyến cáo của WHO.
Tại hội thảo, đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng "điểm danh" các loại thực phẩm, gia vị chứa nhiều muối gồm:
- Gia vị mặn: Muối ăn, nước chấm, nước tương, bột ngọt, mì chính, bột canh, hạt nêm...
- Thực phẩm muối, lên men gồm: Dưa, cà, tương ớt, mắm tôm, mắm tép, mắm cá...
- Thức ăn kho, rang, rim: Cá kho, thịt kho...
- Thực phẩm khô: Cá khô, tôm khô, mực khô, bò khô...
- Thực phẩm chế biến sẵn: Lạp xường, xúc xích, giò chả...
- Thực phẩm công nghiệp: Bim bim (snack), mì ăn liền, thịt hộp, cá hộp...
Hạt nêm và nước mắm là những gia vị chứa nhiều muối
Chuyên gia Cục Y tế dự phòng cho biết trong 100 gr bột canh chứa tới 62,2 gr muối, kế đến là hạt nêm có 44,9 gr muối, mì chính cũng chứa tới 32,5 gr muối, nước mắm có 19,3 gr, xì dầu và mắm tôm chứa khoảng 14 gr muối, mì ăn liền từ 4,2 đến 5 gr muối. "Trong một bát phở cũng chứa tới 5 gr muối. Như vậy, nếu ăn hết lượng muối của một gói mì tôm hay ăn hết một bát phở là tương đương với lượng muối được khuyến cáo nên ăn của cả một ngày"- chuyên gia này lưu ý.
Theo WHO, một người trưởng thành không nên ăn quá 5 gr muối mỗi ngày (tương đương với 1 thìa cà phê đầy) để phòng, chống bệnh tật và bảo vệ sức khỏe. Tuy nhiên, hiện đa số người dân Việt Nam đang ăn thừa muối. Trung bình một người trưởng thành tiêu thụ tới 9,4g muối/ngày, cao gần gấp đôi so với khuyến cáo của WHO.
Để hạn chế nguy cơ mắc bệnh, chuyên gia WHO tại Việt Nam khuyến cáo người dân Việt Nam hãy thực hiện thông điệp: Cho bớt muối khi nấu ăn; chấm nhẹ tay khi ăn; giảm đồ mặn khi lựa chọn thực phẩm, khi nấu nướng và khi ăn.
Các biện pháp giảm muối ăn
Bác sĩ Đỗ Thị Phương Hà, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết để giảm ăn muối nên hạn chế chấm muối và nước chấm; bỏ thói quen chấm ngập thực phẩm vào muối và nước chấm khi ăn; hãy pha loãng nước mắm để chấm khi ăn; không ăn trái cây chấm với muối và gia vị nhiều muối; không nên cố uống hết nước phở, bún, miến, nhất là khi ăn ở hàng quán; hạn chế ăn thực phẩm chế biến sẵn; tăng cường ăn các món thuộc thay cho món kho, rim hay rang; hãy đọc hàm lượng muối trên nhãn thực phẩm trước khi mua...