Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Dị ứng và Hen suyễn Thụy Sĩ chỉ ra rằng Alcohol ethoxylate thường xuất hiện trong các chất tẩy rửa là chất hóa học chính gây ra phản ứng độc hại mạnh và phá hủy hàng rào mô biểu mô đường tiêu hóa. Nếu chúng còn sót bộ đồ ăn và ăn vào cơ thể, nó có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe đường tiêu hóa.
Với liều lượng cao, các hóa chất tồn dư này sẽ gây tổn thương trực tiếp đến mô tế bào biểu mô ở đường tiêu hóa. Còn ở liều lượng thấp, hàng rào tế bào biểu mô ruột sẽ sụp đổ, dẫn đến hàng loạt phản ứng viêm trong cơ thể.
Các nhà nghiên cứu quan sát thêm rằng một khi các tế bào biểu mô bị tổn thương, cơ thể sẽ kích hoạt sự biểu hiện của các gen liên quan đến phản ứng viêm và truyền tín hiệu bên trong tế bào, gây ra quá trình chết tế bào trên quy mô lớn. Điều này cho thấy rằng ngay cả một lượng nhỏ hóa chất tẩy rửa còn sót lại cũng có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe đường ruột, gây viêm và làm chết tế bào hàng loạt.
Lớp bên trong của đường tiêu hóa được bao phủ bởi một "hàng rào" bao gồm các tế bào biểu mô có nhiệm vụ kiểm soát sự xâm nhập của các chất lạ vào môi trường bên trong cơ thể. Các lớp bảo vệ tương tự cũng được tìm thấy ở những vùng như da và phổi.
Nhiều chất phụ gia và hóa chất mà chúng ta tiếp xúc trong cuộc sống hàng ngày có thể phá vỡ chức năng của các hàng rào mô này. Một khi những rào cản này bị tổn thương có thể dẫn đến sự xuất hiện của nhiều loại bệnh, chẳng hạn như dị ứng thực phẩm, viêm đường tiêu hóa, tiểu đường, béo phì, xơ gan, bệnh đa xơ cứng, tự kỷ, trầm cảm và bệnh Alzheimer.
Những cách tránh cặn nước rửa chén
Xả nhiều lần
Sau khi rửa chén, nên tráng lại bằng nước sạch nhiều lần để đảm bảo toàn bộ bọt và cặn nước rửa chén đã được rửa sạch hoàn toàn. Cùng với đó, việc ngâm bát đĩa đã rửa trong nước ấm khoảng 5 đến 10 phút sau khi rửa sẽ giúp hòa tan và loại bỏ nước rửa chén còn sót lại.
Sử dụng vật dụng khi rửa
Có thể sử dụng miếng bọt biển, giẻ rửa bát, xơ mướp.... để loại bỏ cặn nước rửa chén cũng như giúp có lực hơn khi chà rửa.
Kiểm tra lại
Sau khi bát đĩa khô, có thể ngửi kỹ bát đĩa. Nếu có mùi hóa chất như nước rửa chén nghĩa là vẫn còn cặn bẩn cần phải rửa lại.
Chọn nước rửa chén phù hợp
Nên chọn những sản phẩm nước rửa chén thân thiện với môi trường, không chứa phốt pho và không độc hại, có dư lượng thấp hơn và ít ảnh hưởng đến sức khỏe.
Lưu ý khi dùng máy rửa bát
Nếu sử dụng máy rửa chén để rửa chén, bạn có thể thêm một chu trình rửa sau chu trình cuối cùng để rửa sạch hoàn toàn cặn bẩn. Cùng với đó, cũng cần làm sạch máy rửa chén thường xuyên bởi cặn bẩn tích tụ lâu ngày bên trong cũng có thể khiến bát dính cặn nước rửa bát.
Nguồn: edh.tw