4 tín hiệu cảnh báo buồng trứng đang dần lão hoá
1. Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt
Kinh nguyệt là biểu hiện bên ngoài rõ ràng nhất của nội tiết sinh sản nữ. Kinh nguyệt thường đến đều đặn mỗi tháng một lần hoặc chênh lệch một vài ngày nếu có thay đổi sức khoẻ hoặc thói quen sinh hoạt. Nhưng nếu bỗng nhiên đổi thành 20 - 40 ngày hoặc thậm chí 2 - 3 tháng mới có một lần thì cần nghiêm túc xem xét liệu có vấn đề về buồng trứng hay không.
Lượng kinh nguyệt có liên quan mật thiết đến nồng độ hormone giới tính trong cơ thể, môi trường nội mạc tử cung. Thiếu hụt estrogen cũng có thể làm giảm lượng kinh nguyệt.
2. Các vấn đề về da
Khi chức năng buồng trứng suy giảm, estrogen trong cơ thể không đủ sẽ dễ khiến da thô ráp, thiếu sức sống, mất đi độ đàn hồi... Bởi vậy, khi phái đẹp nhận thấy làn da bắt đầu có dấu hiệu xấu đi, đặc biệt là da mặt thì cần thực hiện ngay các xét nghiệm chức năng buồng trứng.
Cùng với đó, estrogen cũng kích thích và duy trì sự phát triển của ngực, giúp xương chậu mở rộng, duy trì các đặc điểm của phụ nữ. Thiếu hụt estrogen có thể dẫn đến bụng dưới và eo có số đo lớn, tóc cũng mất đi độ bóng và rụng nhiều.
3. Mất ngủ, mệt mỏi
Nếu chức năng buồng trứng ở trạng thái khỏe mạnh sẽ tiết ra estrogen bình thường để đảm bảo sự ổn định của hệ nội tiết trong cơ thể, từ đó có thể cải thiện chất lượng giấc ngủ. Khi chức năng buồng trứng của suy giảm, lượng estrogen không đủ sẽ ảnh hưởng đến dây thần kinh tự chủ, gây mất ngủ, mệt mỏi, đau khớp.
Cùng với đó cũng sẽ xuất hiện "bốc hoả", đổ mồ hôi, tính khí thất thường và thậm chí là trầm cảm. Đây là những triệu chứng của việc thiếu hụt estrogen và cũng là dấu hiệu cho thấy chức năng buồng trứng đang suy giảm.
4. Giảm ham muốn tình dục
Các yếu tố dẫn đến ham muốn tình dục ở phụ nữ bao gồm yếu tố tâm lý và sinh lý. Xét về mặt sinh lý học, buồng trứng có tác động rất lớn đến ham muốn tình dục của phụ nữ. Nếu phụ nữ mất ham muốn tình dục, ngoài việc tìm kiếm nguyên nhân về mặt tâm lý, đừng quên chú ý đến tình trạng buồng trứng của mình.
Do buồng trứng tiết ra không đủ lượng estrogen và progesterone sẽ ảnh hưởng đến môi trường bên trong. Từ đó dẫn đến các triệu chứng như khô âm đạo, đau khi quan hệ tình dục và giảm dần ham muốn tình dục. Cùng với đó, khi chức năng buồng trứng suy giảm cũng sẽ giảm khả năng mang thai.
Các triệu chứng trên cũng có thể do những nguyên nhân khác gây ra. Tuy nhiên, nếu chúng kéo dài từ 2 đến 3 tháng thì tốt nhất nên đến bệnh viện để kiểm tra chức năng buồng trứng. Nếu phát hiện chức năng buồng trứng đang suy giảm, nên làm theo lời khuyên của bác sĩ và bổ sung estrogen, progesterone một cách thích hợp .
5 thói quen tốt duy trì sức khoẻ buồng trứng
1. Bổ sung thực phẩm có chứa estrogen
Phytoestrogen phổ biến trong những thực phẩm như đậu nành, đậu lăng, ngũ cốc, lúa mì, gạo đen, hạt hướng dương, hành tây... Đặc biệt, uống sữa đậu nành, đậu đỏ hay đậu đen... mỗi ngày là cách bổ sung phytoestrogen an toàn nhất. Cùng với đó cũng nên giảm lượng muối, rượu và cà phê để giảm nguy cơ suy giảm chức năng buồng trứng.
2. Bổ sung thực phẩm chứa vitamin E
Thực tế đã chứng minh, vitamin E không chỉ có tác dụng tăng cường chức năng chăm sóc sức khỏe buồng trứng mà còn có tác dụng chống lại quá trình oxy hóa tế bào và ngăn ngừa quá trình peroxid hóa lipid tế bào và chống lão hóa.
Có thể tìm thấy vitamin E trong các thực phẩm như hạt hướng dương, hạnh nhân, rau bina, bơ, bí, quả kiwi, cá hồi, tôm, dầu olive, bông cải xanh... Mỗi ngày, nên cung cấp ít nhất cho cơ thể 15,4mg vitamin E.
3. Tránh thức khuya thường xuyên
Một trong những nguyên nhân của rối loạn nội tiết là thường xuyên thức khuya. Cùng với đó, việc thức khuya khiến buồng trứng phải làm việc quá sức, lại không được nghỉ ngơi và hoạt động theo đúng đồng hồ sinh học, gây ảnh hưởng xấu. Ngoài ra, việc thức khuya lâu ngày còn khiến hệ miễn dịch suy yếu.
Chính vì vậy, cần học cách cải thiện chất lượng giấc ngủ cũng như tránh thức khuya. Cần học cách kết hợp công việc và nghỉ ngơi, thư giãn cơ thể và tinh thần. Tăng cường tập luyện thể chất. để giải phóng căng thẳng, duy trì sức khoẻ buồng trứng.
Cùng với đó, cũng nên hạn chế đến mức tối đa việc sử dụng các thiết bị điện tử việc tiếp xúc quá nhiều với bức xạ từ các thiết bị này cũng có thể ảnh hưởng tới chức năng buồng trứng.
4. Dùng ít thuốc giảm đau hơn
Một cuộc khảo sát trên hơn 4.000 phụ nữ cho thấy, trong độ tuổi từ 25 đến 35, việc dùng quá nhiều thuốc giảm đau có thể khiến hoạt động của buồng trứng trong cơ thể thấp hơn 7% so với những người ít dùng. Bởi thuốc giảm đau ức chế dây thần kinh não, sử dụng lâu dài sẽ làm rối loạn trung tâm thần kinh, chậm tốc độ truyền tín hiệu đến buồng trứng và làm giảm chức năng.
5. Phòng ngừa sớm các bệnh phụ khoa
Cấu trúc sinh sản của phụ nữ rất đặc biệt, nếu không chăm sóc, bảo vệ kỹ, vi khuẩn sẽ tận dụng và tăng khả năng viêm nhiễm. Với tình trạng viêm nhiễm kéo dài, nguy cơ suy buồng trứng sớm sẽ tăng lên. Chính vì vậy, khi phát hiện bệnh phụ khoa, chị em phụ nữ cần hợp tác với bác sĩ để điều trị, giảm tác hại đến buồng trứng.
Nguồn: health.people, new.qq