Các chuyên gia y tế cho rằng, với kháng thể có sẵn sau khi khỏi bệnh, hơn lúc nào hết, sự trở lại của các F0 trong “trận chiến” này là vô cùng cần thiết và mang ý nghĩa nhân văn.
F0 quay lại viện, tình nguyện chăm sóc FO
Anh Nguyễn Hồng Kỳ (34 tuổi, TP Hồ Chí Minh) từng là một bệnh nhân mắc COVID-19. Đầu tháng 7/2021, anh và vợ cùng được đưa vào Bệnh viện Dã chiến số 4 (quận Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) để điều trị.
Anh Hồng Kỳ là bệnh nhân Covid-19 được chữa khỏi sau gần 1 tháng nằm viện.
Ngày 3/8, anh khỏi bệnh trở về nhà sau 28 ngày chữa trị, tiếp tục cách ly y tế thêm 14 ngày. Quãng thời gian đó, anh vẫn bị những cơn ho dai dẳng không dứt hành hạ, sức khoẻ chưa bình phục hoàn toàn.
Vì thế, anh càng thấu hiểu hơn sự nguy hiểm của dịch bệnh và những vất vả mà các y bác sỹ phải trải qua để chữa trị, giành lấy sự sống cho bệnh nhân COVID-19.
Mong muốn đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình để đẩy lùi đại dịch, san sẻ nỗi vất vả nhọc nhằn với các y bác sỹ tuyến đầu, anh Nguyễn Hồng Kỳ quyết định xin quay trở lại bệnh viện dã chiến.
"Sức nhỏ làm việc nhỏ. Mình nghĩ mình phải trở lại bệnh viện dã chiến, góp một phần sức nhỏ bé vào công cuộc chống dịch COVID-19. Đó cũng là cách để mình bày tỏ lòng cảm ơn thiết thực nhất lúc này với đội ngũ áo trắng tuyến đầu." - Anh Hồng Kỳ tâm sự.
Từ đó đến nay là quãng thời gian anh ăn, ngủ cùng các bệnh nhân COVID-19 ở bệnh viện dã chiến. Công việc của anh Hồng Kỳ là phục vụ bữa ăn, hỗ trợ vận chuyển từng bữa ăn tới các bệnh nhân, dọn dẹp vệ sinh phòng bệnh.
Đi làm tình nguyện viên không cần nhận lương, anh Hồng Kỳ cảm thấy đây là những ngày tháng sống ý nghĩa nhất đời vì được "cho đi", làm vì lương tâm của mình. Nhiều bệnh nhân cảm động trước sự chăm sóc ân cần của anh, tìm cách dúi một ít tiền vào tay anh, thay cho lời cảm ơn. Nhưng anh luôn kiên quyết từ chối.
Cho tiền vàng không nhận nhưng lon bia mát lạnh khiến anh Hồng Kỳ "không nỡ" từ chối.
Tuy nhiên mới đây, anh Hồng Kỳ "thú nhận" về việc mình không cầm lòng được mà nhận "quà" của bệnh nhân. Anh chia sẻ hài hước: "Bữa giờ chăm sóc bệnh nhân, người thì dúi cho 200.000 đồng, người cho 500.000 đồng, người cho hẳn 1 triệu, có người còn tháo cái nhẫn vàng tầm 2 chỉ ra dúi vào tay...
Nhưng mình đều nhất quyết không nhận, vì không thể nhận được những đồng tiền như vậy. Mình có nhân cách riêng của mình. Tuy nhiên hôm nay, có bệnh nhân dúi cho lon bia, trời ơi... phải bỏ nhân cách qua một bên để lấy về uống. Thèm quá trời luôn đó!".
Tâm sự dí dỏm của "F0 man" khiến nhiều người vừa xúc động, vừa không khỏi bật cười trước sự thật thà của anh.
Quét rác, đổ bô, thay tã, đấm lưng, châm nước... anh Út không nề hà bất cứ công việc gì
Câu chuyện về một người đàn ông mất vợ vì COVID-19, ngậm ngùi xin vào bệnh viện Bệnh viện Phục hồi chức năng (quận 8, TP Hồ Chí Minh) châm nước, thay tã cho bệnh nhân để vơi nỗi nhớ vợ da diết khiến nhiều người rưng rưng thương cảm.
Người đàn ông đánh thương ấy là anh Út (người gốc Campuchia, quê Trà Vinh). Hễ cứ mỗi lần nhắc đến chị, anh lại òa khóc lên như một đứa trẻ.
Từ lúc phát hiện mắc COVID-19 đến khi ra đi chỉ vỏn vẹn một ngày, người vợ không kịp nói lời sau cuối nào với anh. Quân đội đến mang chị đi an táng, ngôi nhà cũng trở nên lạnh lẽo. Bất kì góc nào trong nhà, anh cũng đều thấy hình ảnh chị đã từng ở đó.
"Vợ chồng tôi sống với nhau mấy chục năm không có tiếng gây gổ. Vậy mà giờ đây cô ấy đã đi rồi", anh nức nở.
Hai vợ chồng có sạp bán tạp hóa tại chợ Rạch Ông (quận 8), anh quyết định sau giãn cách sẽ đem hết hàng hóa để phát từ thiện. Còn về phần mình, sau khi hết bệnh anh đã xin vào bệnh viện Phục hồi chức năng gần nhà để giúp đỡ mọi người. Quét rác, đổ bô, thay tã, đấm lưng, châm nước… anh Út chưa bao giờ từ chối bất kì công việc nào.
Những ngày trong bệnh viện, không ít lần anh xót xa trước lằn ranh sinh – tử của con người. Đó là cặp vợ chồng nằm đối diện giường nhau, cả hai đều yếu ớt. Người chồng ra đi trước, vợ ở lại nhưng không ai dám nói với bà về cái chết của chồng. Ngoài ra, khi có bệnh nhân Covid-19 qua đời, anh phụ nhân viên y tế chuyển xác đi an táng. Sau đó, anh lại lặng lẽ đứng trong góc, cầu nguyện và thắp cho họ một nén nhang tiễn biệt.
Anh Nguyễn Duy Khánh động viên tinh thần người bệnh tại Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 3. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Vào TP Hồ Chí Minh học tập, làm việc được hơn 6 tháng, Nguyễn Phi Khánh (18 tuổi, quê Quảng Ninh) không may mắc COVID-19 và điều trị tại Bệnh viện (BV) Dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 3.
Khánh đã trải qua đủ các cảm giác do COVID-19 như: mất khướu giác, vị giác, đau đầu, buồn nôn…, thậm chí không ăn uống được gì. Được các y - bác sĩ tận tình chăm sóc, điều trị trong 22 ngày, Khánh hết bệnh, được xuất viện về nhà tiếp tục cách ly 14 ngày. Song, nhận thấy công việc của y - bác sĩ quá vất vả, Khánh đã tình nguyện quay trở lại BV hỗ trợ họ và các bệnh nhân.
Hiện nay, Khánh hỗ trợ chăm sóc các bệnh nhân tại Khoa Cấp cứu - BV Dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 3. Thời gian đầu còn bỡ ngỡ nhưng qua sự hướng dẫn của các bác sĩ, đến nay, Khánh đã thuần thục các công việc như: kiểm tra, thay bình ôxy, thay tã, xoay trở bệnh nhân, đút ăn, theo dõi Sp02… Bên cạnh đó, Khánh thường xuyên động viên để bệnh nhân có thêm niềm tin, tinh thần lạc quan chiến thắng dịch bệnh như mình.
"Chưa bao giờ em nghĩ có ngày sẽ tham gia chăm sóc bệnh nhân như thế này. Bản thân trải qua những giây phút sinh tử nên em hiểu được cảm giác của người bệnh và sự vất vả của y - bác sĩ như thế nào. Em đã tình nguyện trở lại để đồng hành với họ" - Khánh bày tỏ.
F0 tình nguyện chăm sóc F0: Lời cảm ơn thiết thực
Chia sẻ về lực lượng F0 tình nguyện, BS Kiều Quốc Thanh, Trưởng Khu hồi sức cấp cứu BV dã chiến thu dung và điều trị COVID-19 số 4 cho biết, những F0 khỏi bệnh hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân là hết sức cần thiết.
"Họ có thể phụ giúp chúng tôi chăm sóc chu đáo hơn cho các bệnh nhân nặng, bệnh nhân cao tuổi để chúng tôi có nhiều thời gian tập trung chuyên môn, cứu chữa cho nhiều bệnh nhân khác", BS Kiều Quốc Thanh nói.
BS Nguyễn Trần Nam, Phó Giám đốc BV dã chiến thu dung và điều trị COVID-19 số 4 cho biết, trong thời gian qua đơn vị này đã nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các F0. Trong đó có những người đã được xuất viện, cũng có người đang là bệnh nhân nhưng do không có triệu chứng và hoàn toàn khỏe mạnh đã tình nguyện chăm sóc cho các F0 khác. Bên cạnh đó, do bản thân những người từng là F0 nên phần nào đồng cảm và dễ dàng hỗ trợ được sinh hoạt cá nhân của người bệnh, hỗ trợ tâm lý, y tế nên việc chăm sóc bệnh nhân mang lại hiệu quả tốt.
Theo các bác sĩ, những nghiên cứu hiện tại cho thấy các F0 đã khỏi bệnh có kháng thể bảo vệ cơ thể, vì thế nguy cơ nhiễm lại là rất thấp. Do đó, việc hỗ trợ bệnh nhân của lực lượng này sẽ dễ dàng hơn.
Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hoài Nam chia sẻ, những người từng là F0 có nồng độ kháng thể và có thể miễn nhiễm tạm thời với virus, vì thế các trường hợp F0 đã xuất viện là nguồn lao động hỗ trợ rất quý. Theo ông, lực lượng F0 khỏi bệnh có thể hỗ trợ được nhiều vị trí như hướng dẫn, vệ sinh khử khuẩn, hỗ trợ điều dưỡng nhiều công việc trong khu điều trị... để lực lượng nhân viên y tế tập trung vào công tác chuyên môn.