ThS.BS Nguyễn Viết Chung có nhiều năm kinh nghiệm khám và điều trị các bệnh về tâm lý, thần kinh, đặc biệt là các rối loạn lo âu, ám ảnh,...
Vừa hết rối loạn lo âu lại sợ bị rối loạn cương
Theo Hiệp hội tâm lý học Mỹ, rối loạn lo âu là một trạng thái tinh thần khiến người bệnh cảm thấy lo lắng, sợ hãi quá mức, ảnh hưởng đến sinh hoạt và cuộc sống.
Biểu hiện của rối loạn lo âu rất đa dạng. Người bệnh có thể cảm thấy bồn chồn, khó chịu, tim đập nhanh, khó thở, ra mồ hôi, run rẩy hay lo lắng quá mức về các vấn đề trong cuộc sống, sợ hãi những điều không tưởng như tai nạn, bệnh tật, cái chết hoặc tránh né các tình huống gây lo âu.
Minh Hưng bị rối loạn lo âu sau hơn một năm làm việc căng thẳng, áp lực. Ảnh minh họa.
Ngoài yếu tố di truyền, chấn thương tâm lý, sử dụng chất kích thích, thiếu hụt dinh dưỡng thì những căng thẳng, áp lực trong công việc, học tập, cuộc sống… cũng khiến một người bị rối loạn lo âu.
Sau hơn một năm gặp căng thẳng, áp lực trong công việc, Hoàng Minh Hưng (27 tuổi, TP.HCM) bị rối loạn lo âu và phải uống thuốc để cải thiện giấc ngủ, giảm căng thẳng và ổn định cảm xúc. “Tôi phải uống thuốc trong 18 tháng. Khi kê thuốc cho tôi, bác sĩ có khuyến cáo, uống thuốc này sẽ có tác dụng phụ là giảm ham muốn và gây ra rối loạn cương ở nam giới”, Minh Hưng chia sẻ.
Trong suốt thời gian uống thuốc, anh Minh Hưng không có bạn gái nên chưa thấy các biểu hiện của sức khỏe do tác dụng phụ của thuốc gây nên. Sau khi hết bệnh và dừng uống thuốc rối loạn lo âu được 5 tháng, Minh Hưng mới quen bạn gái hiện tại.
Chàng trai 27 tuổi cho biết, khi bắt đầu quen bạn bạn gái, anh đã đi khám nam khoa thì được chẩn đoán bị rối loạn cương do tác dụng phụ của thuốc rối loạn lo âu. “Tôi được bác sĩ kê thuốc cho uống. Trong tháng đầu uống thuốc, tôi và bạn gái quan hệ bình thường. Khi hết thuốc, tôi cảm thấy bị yếu đi và ít ham muốn hơn”. Chính điều này đã khiến Minh Hưng luôn cảm thấy lo sợ, ngại gần người yêu hơn. “Các lo lắng của tôi cứ lặp đi lặp lại nên bác sĩ phải kê thuốc rối loạn lo âu cho tôi uống lại. Bây giờ, tôi cứ lo lắng mình bị rối loạn cương và không còn hứng khi gần bạn gái nữa”, Minh Hưng chia sẻ.
Ths.BS Nguyễn Viết Chung. Ảnh: BSCC.
Đừng nên sử dụng chất kích thích khi uống thuốc điều trị lo âu
Ths.BS Nguyễn Viết Chung, Trưởng khoa Sức khỏe Tâm Thần, Bệnh viện E (Hà Nội) cho biết, hiện có nhiều nam giới bị rối loạn lo âu gặp tác dụng phụ là rối loan cương như Minh Hưng và phải mất 3-5 ngày sau khi uống thuốc thì tác dụng phụ này sẽ hết. Vì vậy, bác sĩ Chung khuyến cáo, Minh Hưng nên liên hệ với bác sĩ điều trị để trao đổi về vấn đề mình đang gặp phải để được giảm liều uống phù hợp với bệnh. Ngoài ra, Minh Hưng nên áp dụng phương pháp điều trị rối loạn lo âu tại nhà như tập thói quen ăn uống lành mạnh, ngưng sử dụng chất kích thích nếu đang sử dụng, tập các bài tập dành cho người bị rối loạn lo âu như thiền, yoga, tập thở sâu... ngủ đủ giấc và hãy giao tiếp với mọi người xung quanh để có thể "đánh lừa" các cơn lo âu.
Theo bác sĩ Chung, rối loạn lo âu là căn bệnh hiện đại, hiện rất nhiều người trẻ mắc. Tuy nhiên, lo âu có 3 nhóm gồm: với trường hợp (feeling) cảm xúc lo lắng căng thẳng thì có thể dùng liệu pháp thư giãn và mindfulness (tỉnh thức) để “chữa lành”. Với người bị (Thoughts) tư duy suy nghĩ lo lắng thì dùng liệu pháp nhận thức. Cuối cùng là trường hợp (Behavior) hành vi sợ hãi thì cần kích hoạt hành vi hoặc tiếp xúc (phơi nhiễm) với nỗi sợ.
Thông thường, điều trị rối loạn lo âu bác sẽ áp dụng liệu pháp tâm lý để đánh lừa các cơn lo âu là chủ yếu. Trường hợp được điều trị bằng thuốc là do người mắc ở mức độ từ vừa đến nặng. “Người bệnh sẽ được điều trị lo âu bằng nhóm thuốc giải lo âu và chống trầm cảm. Tuy nhiên, bác sĩ sẽ bắt đầu kê đơn với liều thấp trước, sau đó tăng lên từ từ trong trường hợp các dấu hiệu lo âu của người bệnh không giảm", bác sĩ Chung chia sẻ.
Trò chuyện vui vẻ với người xung quanh cũng là cách giúp ngừa và "chữa lành" rối loạn lo âu. Ảnh minh họa.
Bác sĩ Chung lưu ý, thuốc điều trị rối loạn lo âu gây ra một số tác dụng phụ, hiếm nhưng có thể gặp là bồn chồn, bốc hỏa, run, rối loạn cương dương hoặc giảm ham muốn. Và sẽ tùy từng tác dụng phụ của người bệnh khi uống thuốc, bác sĩ có phương điều chỉnh phù hợp.
Theo bác sĩ Chung, rối loạn lo âu sẽ để lại nhiều hệ lụy cho người mắc, từ nhẹ đến nặng. Vì vậy, để phòng và kiểm soát tình trạng này, mọi người nên xây dựng cho mình một lối sống lành mạnh, ngủ đủ giấc, ăn uống cân bằng, tránh sử dụng các chất kích thích... Việc tham gia các hoạt động cộng đồng và sẵn sàng chia sẻ những khó khăn, áp lực bản thân đang gặp với người người thân, bạn bè cũng giúp chúng ta giảm áp lực và nhanh chóng giải quyết vấn đề mình đang gặp. Cuộc sống cũng trở nên lành mạnh hơn khi bạn tăng cường kết nối với những người tích cực và tránh xa các mối quan hệ tiêu cực.
Bác sĩ nhắc nhở, khi có các dấu hiệu của rối loạn lo âu, dù là ai cũng đừng e ngại, mà cần mạnh dạn đi gặp bác sĩ đúng chuyên khoa, ở các cơ sở y tế uy tín để được tư vấn phương pháp điều trị đúng, tránh tiền mất tật mang.
* Tên nhân vật trong bài đã thay đổi.