Vừa qua, tại Thượng Hải, Trung Quốc phát hiện một trường hợp bé mới 7 tháng tuổi nhiễm virus Corona.
Thông tin này đã khiến nhiều phụ huynh của Việt Nam lo lắng. Vì mọi người tin rằng loại virus này lây nhiễm ở người lớn tuổi nhiều hơn và các trường hợp ở trẻ em là tương đối hiếm.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia đây là một sai lầm tai hại. Chính vì thế, nhiều bậc phụ huynh vẫn chủ quan không phòng ngừa cho con trẻ.
Một trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi tại Trung Quốc nhiễm virus Corona.
Theo PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương, viêm phổi cấp do virus Corona là bệnh nhiễm virus nên tất cả mọi người đều có thể bị lây, không loại trừ cả trẻ em và phụ nữ có thai.
“Trẻ em và phụ nữ có thai là đối tượng có nguy cơ sẽ cao hơn nếu có bệnh”, PGS.TS Trần Minh Điển nói.
Theo Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương, phụ nữ có thai hay trẻ em đều cần thực hiện biện pháp chung giống như mọi người:
Cụ thể: Đeo khẩu trang, rửa tay sạch sẽ, môi trường sinh hoạt an lành, không đi ra tiếp xúc quá nhiều người.
Đặc biệt, phụ nữ mang thai ngoài nguy cơ nhiễm virus Corona với phụ nữ mang thai mà còn rất nhiều virus, vi khuẩn khác. Vì vậy, khi tiếp xúc với nhiều người nên có giải pháp đeo khẩu trang và rửa tay ngay sau khi có tiếp xúc.
Với trẻ em, thì người lớn cần hết sức giữ gìn, cố gắng giữ gìn hệ thống mũi họng cho trẻ; kiểm soát các cháu trong lớp tốt, đeo khẩu trang, rửa tay, đảm bảo dinh dưỡng, uống nước đặc biệt khi thời tiết đang lạnh cần giữ ấm và khi thời tiết ấm lên cho các cháu ra sân chơi nhiều hơn. Trời lạnh không cho bé ra sân chơi, giữ ấm mũi họng, cổ cho bé để đảm bảo virus không xâm nhập và niêm mạc khu vực mũi họng các cháu không bị biến đổi để virus khó xâm nhập hơn.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần Kinh, Trưởng Phòng CTXH (BV Nhi đồng I, TP. HCM) cho biết hiện nay, không có nghiên cứu nhiều về phụ nữ mang thai mắc Corona. Tuy nhiên, người phụ nữ mang thai là một đối tượng có tình trạng miễn dịch suy giảm và rất dễ biến chứng với các bệnh lý từ đường hô hấp như bệnh do virus Corona gây ra.
Nghiên cứu cho thấy virus cúm, cũng là một virus lây qua đường hô hấp cho nên việc phòng ngừa cần phải thực hiện nghiêm ngặt hơn.
Cũng theo bác sĩ Khanh, không có biện pháp nào gọi là ngừa lây bệnh 100%. Tuy nhiên, virus gây bệnh không thể "từ trên trời rơi xuống" mà phải từ nguồn bệnh phát tán ra.
Do đó, không tiếp xúc với người bệnh thì không thể mắc bệnh và mang khẩu trang đúng cách khi tiếp xúc với người lạ thì sẽ giảm gần như 100% khả năng lây bệnh. Chính vì vậy, trẻ em cũng cần phải được phòng virus Corona như những đối tượng khác.
Các biện pháp phòng lây nhiễm virus Corona
- Đeo khẩu trang và đến cơ sở y tế khám bệnh ngay khi có triệu chứng hô hấp.
- Vệ sinh cá nhân như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước hoặc bằng dung dịch rửa tay có chứa cồn.
- Sau khi hắt hơi, ho hoặc chùi mũi; che mũi, miệng khi có hắt hơi và ho, vứt các khăn giấy lau mũi miệng vào thùng rác riêng có nắp đậy…
- Đảm bảo chế độ ăn đầy đủ; không hút thuốc lá; vệ sinh môi trường, duy trì thông khí nơi ở hoặc nơi làm việc tốt
-Tránh tiếp xúc và tụ tập ở nơi đông người, nơi không thoáng khí; hạn chế tiếp xúc trực tiếp các vật nuôi, động vật hoang dã; tiêm phòng vắc xin đầy đủ.
- Để thực hiện tốt việc phòng ngừa lây nhiễm trong bệnh viện, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm ngặt việc phân luồng khám, cách ly và điều trị bệnh nhân, các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm đối với cán bộ y tế, người chăm sóc người bệnh và các người bệnh khác tại các cơ sở điều trị người bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế.