Đây là kết quả nghiên cứu mới đây của Mỹ đăng trên Tạp chí Journal of Hospital Medicine.
Bệnh mạn tính gây nguy cơ mắc COVID-19 trầm trọng ở trẻ em
Xét nghiệm sàng lọc COVID-19 ở các trẻ em nguy cơ.
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã thu thập dữ liệu của gần 20.000 bệnh nhi tại 45 bệnh viện nhi của Mỹ. Kết quả cho thấy, trẻ em có sức khỏe kém do các bệnh mạn tính, như béo phì, đái tháo đường và các vấn đề về thần kinh, thì có nguy cơ cao bị tình trạng COVID-19 trầm trọng và cần được điều trị tại bệnh viện. Điều này đặc biệt đúng đối với những trẻ lớn.
Tiến sĩ James Antoon, phó giáo sư nhi khoa tại Đại học Vanderbilt, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: "1/5 số trẻ em bị COVID-19 vào khám tại khoa cấp cứu ở Mỹ phải nhập viện và 21% trong số đó phải điều trị tại khoa hồi sức tích cực, bao gồm cả thở máy. Các biến chứng thường gặp nhất của COVID-19 ở trẻ em là viêm phổi, nôn và tiêu chảy. Ngoài ra, các cơn hen cũng xuất hiện rất phổ biến, nhưng điều may mắn là khá ít trẻ em bị tử vong".
Nhóm nghiên cứu cho rằng: "Sự gia tăng các ca bệnh COVID-19 ở trẻ em là do trẻ bắt đầu tới trường để đi học trở lại. Khi lũ trẻ tụ tập đông, chúng sẽ truyền virus và chắc chắn sẽ có sự gia tăng lây truyền giữa các trẻ, điều này sẽ dẫn đến hậu quả là số trẻ em nhập viện và tình trạng bệnh nặng nhiều hơn".
Biện pháp ngăn ngừa nguy cơ
Tiêm phòng COVID-19 ngay khi đủ điều kiện
Tiến sĩ Antoon cho biết: "Những đứa trẻ ở độ tuổi đủ điều kiện được tiêm chủng ở Mỹ (trên 12 tuổi) có nguy mắc bệnh trầm trọng hơn, nhưng chỉ đối với nhóm ít được tiêm chủng nhất. Do vậy, chúng ta cần đẩy mạnh việc tiêm chủng cho những trẻ có đủ điều kiện và sau đó chúng ta cũng cần phải cân nhắc về các biện pháp bảo vệ những trẻ có các bệnh khác đi kèm, đây là những đối tượng có nguy cơ rất cao bị tình trạng COVID-19 trầm trọng".
Antoon nhấn mạnh: "Việc phòng ngừa COVID-19 hiệu quả hơn nhiều so với việc nỗ lực điều trị, bởi vì các phương pháp điều trị mà chúng ta đang áp dụng không hiệu quả bằng vaccine trong việc ngăn ngừa tình trạng bệnh nặng".
Các nhà khoa học cho rằng: "Ngay cả những đứa trẻ khỏe mạnh cũng có thể phải nhập viện do mắc COVID-19. Để bảo vệ con bạn và những đứa trẻ xung quanh chúng, thì nên cho chúng đi tiêm phòng, đeo khẩu trang và tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây truyền COVID-19 khác".
Tiến sĩ David Katz, Chủ tịch của True Health Initiative, Tổ chức thúc đẩy lối sống lành mạnh phòng ngừa bệnh tật, cho biết: "Nghiên cứu này nhấn mạnh tầm quan trọng của tình trạng bệnh lý mạn tính đối với hậu quả COVID-19 ở trẻ em, điều đã được xác định ở người lớn". Ông lưu ý rằng béo phì và bệnh đái tháo đường týp 2, yếu tố làm tăng nguy cơ COVID-19 trầm trọng, là vấn đề ngày càng tăng ở trẻ em và gia tăng trong đại dịch.
Theo Katz, các tình trạng rối loạn sức khỏe này hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng các biện pháp can thiệp vào lối sống. Ông cũng cho rằng: "Dữ liệu nghiên cứu đã cho thấy trong khi trẻ em da đen và trẻ em gốc Tây Ban Nha ít phải nhập viện hơn thanh thiếu niên da trắng ở Mỹ, thì chúng có nguy cơ cao hơn bị tình trạng COVID-19 trầm trọng nếu phải nhập viện. Điều này rõ ràng không liên quan đến màu da hay sắc tộc, mà liên quan đến khả năng tiếp cận và các rào cản trong chăm sóc sức khỏe. Những người khó tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe thường đến khám muộn hơn và sức khỏe kém hơn. Do đó, cần có chiến lược đáp ứng khẩn cấp ở quy mô quốc gia đối với vấn đề này".