Nhà tắm, hay nhà vệ sinh, là căn phòng không thể thiếu trong mọi căn nhà. Công năng chính của nơi này là để chúng ta vệ sinh cá nhân, tắm giặt.. cùng những công việc liên quan khác. Chính vì vậy, nhà vệ sinh là nơi dễ bị nhiễm bẩn nhất trong nhà bởi chúng luôn ẩm ướt, dễ sản sinh nhiều vi khuẩn gây bệnh.
Do phải sử dụng liên tục nên nhiều gia đình thường có thói quen đặt vật dụng, đồ dùng hàng ngày trong nhà vệ sinh để tiện sử dụng. Tuy nhiên ít ai biết rằng, hành động tưởng chừng bình thường này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của cả nhà, thậm chí gây bệnh nặng.
Đặt những vật dụng vệ sinh cá nhân trong phòng tắm là thói quen của nhiều người.
Các vật dụng thiết yếu thường có trong nhà vệ sinh bao gồm bồn cầu, bồn rửa mặt, vòi nước hay các dụng cụ vệ sinh cá nhân như bàn chải, khăn mặt... Nhiều người nghĩ rằng, với chức năng của mình, bồn cầu sẽ là nơi chứa nhiều vi khuẩn nhất. Tuy nhiên, một vài nghiên cứu cho thấy thực tế hoàn toàn không phải như vậy.
Theo kết quả từ nhiều nghiên cứu cho thấy, theo thời gian, bàn chải đánh răng chính là vật dụng dễ tích tụ nhiều vi khuẩn bậc nhất. Cứ sau mỗi lần sử dụng thì nó lại bám thêm một lượng vi khuẩn, nếu không vệ sinh sạch sẽ thì sẽ tạo điều kiện cho bệnh tật phát triển.
Tại sao để bàn chải đánh răng trong nhà vệ sinh lại có thể cực bẩn?
Trong một nghiên cứu của Trường Nha khoa Case Western Reserve (Mỹ), có khoảng 700 sinh vật bao gồm vi khuẩn, virus, động vật nguyên sinh và nấm trong miệng mỗi người. Khi kiểm tra, trong mỗi 100ml nước bọt của chúng ta có đến 100 triệu vi khuẩn đến từ 600 loài khác nhau.
Do đó mỗi khi đánh răng, số lượng vi khuẩn này sẽ được truyền từ miệng qua bàn chải ra môi trường bên ngoài. Kết hợp với môi trường ẩm ướt trong nhà vệ sinh, lượng vi khuẩn này sẽ càng phát triển mạnh hơn, biến chiếc bàn chải đánh răng thành một ổ vi khuẩn cực nguy hiểm, gây ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe.
Bàn chải đánh răng thật sự chứa nhiều vi khuẩn và mầm bệnh hơn bạn tưởng.
Để tiện sử dụng, mọi người thường đặt bàn chải đánh răng trong nhà tắm, ngay trên bồn rửa mặt và bồn cầu. Tuy nhiên, khi chúng ta giật nước sau khi đi vệ sinh xong, vi khuẩn sẽ được giải phóng vào không khí và bám dính trên bàn chải. Về lâu dài, lượng vi khuẩn trong bàn chải thậm chí còn nhiều hơn bồn cầu.
Thêm vào đó, việc đặt bàn chải của các thành viên trong gia đình cạnh nhau sẽ làm tăng khả năng lây lan vi khuẩn. Từ đó ảnh hưởng xấu đến sức khỏe răng miệng, gây sâu răng và viêm nướu.
Theo nghiên cứu của trường Đại học Quinnipiac (Mỹ), cho dù bạn có dọn dẹp nhà vệ sinh sạch sẽ như thế nào, bàn chải của bạn vẫn có đến 60% khả năng nhiễm bẩn. Nếu dùng chung nhà vệ sinh với người khác thì nguy cơ tăng đến 80%.
Hãy lưu ý vệ sinh bàn chải đánh răng mỗi ngày kẻo mắc bệnh.
Nên để bàn chải đánh răng trong nhà vệ sinh như thế nào?
Chính vì những lý do trên, chúng ta cần phải giữ bàn chải đánh răng luôn sạch sẽ. Các chuyên gia khuyên rằng, nếu nhà tắm thường xuyên ẩm ướt, bàn chải đánh răng nên để ở bên ngoài, chỗ khô ráo hoặc để trên tủ tường. Tuyệt đối không nên để gần bồn cầu hoặc trên bồn rửa tay, đầu của bàn chải nên hướng lên trên để tránh vi khuẩn bám vào.
Ngoài ra, nếu mỗi ngày bạn đánh răng 3 lần, thì mỗi tháng nên thay bàn chải một lần. Nếu mắc các bệnh về răng lợi, tốt nhất nên 3 tuần nên thay bàn chải một lần. Nếu bị cảm hoặc mắc các bệnh lây nhiễm khác thì nên thay bàn chải mới sau khi khỏi bệnh.
Bên cạnh đó, bạn có thể nhúng bàn chải qua nước sôi để loại bỏ vi khuẩn. Tuy cách làm này sẽ làm lông bàn chải dễ hỏng, nhưng lại mang đến hiệu quả tiêu diệt vi khuẩn rất tốt. Chỉ nên áp dụng cách này mỗi tuần một lần để bàn chải đánh răng sử dụng lâu hơn, hạn chế hư tổn.
Nên thay mới bàn chải sau 3-4 tháng sử dụng để bảo vệ sức khỏe răng miệng.
Bàn chải dùng lâu ngày có thể tích thụ nhiều vi khuẩn và mảng bám. Lúc này, thay bàn chải đánh răng mới chính là giải pháp bảo vệ răng miệng hiệu quả, giúp giảm thiểu nguy cơ sâu răng, viêm lợi và nướu. Bạn nên thay bàn chải đánh răng sau khoảng 3 - 4 tháng sử dụng.
Theo Indiatimes, Healthline