Dấu hiệu nhiễm cúm A/H1N1

Người nhiễm cúm A/H1N1 thường sốt trên 38 độ C, ớn lạnh, đau viêm họng, nhức đầu, ho, dễ tử vong hơn mắc các chủng cúm mùa khác do virus tấn công sâu vào phổi.

Sở Y tế tỉnh Bình Định ghi nhận 9 ca dương tính với cúm A/H1N1 một tháng qua, trong đó 4 người tử vong. Năm 2018, TP HCM ghi nhận 4 trường hợp tử vong do chủng cúm này, bao gồm sản phụ 35 tuổi không qua khỏi sau ba tuần sinh con gái, hai người có cơ địa béo phì, một người suy thận mạn giai đoạn cuối khiến cúm diễn tiến nặng. Hàng năm, các địa phương thỉnh thoảng vẫn ghi nhận ca tử vong, nguy kịch do chủng cúm này.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cúm mùa do chủng cúm A/H1N1 là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây qua hắt hơi, ho khạc và tiếp xúc trực tiếp với các đồ vật bị nhiễm virus, sau đó làm lây nhiễm qua đường mũi họng. Việt Nam mỗi năm ghi nhận khoảng 600.000-1.000.000 trường hợp mắc cúm mùa, trong đó khoảng 10% số mẫu bệnh nhân cúm dương tính với chủng cúm A/H1N1.

Giống như các chủng cúm mùa khác, khi nhiễm cúm A/H1N1, người bệnh thường có các triệu chứng:

- Sốt, thường trên 38 độ C, ớn lạnh.

- Đau viêm họng.

- Nhức đầu.

- Đau mình và nhức cơ.

- Ho khan, sổ mũi.

- Mệt mỏi và suy nhược.

- Tiêu chảy và nôn ói.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP HCM, cho biết trong khi cúm mùa thông thường chỉ tấn công vào các tế bào thuộc phần trên của hệ hô hấp, cúm A/H1N1 có khả năng tấn công sâu vào tế bào phổi nên nguy hiểm hơn. Người bệnh thường hồi phục trong vòng một tuần mà không cần điều trị, nhưng cũng có trường hợp nhập viện với biến chứng nặng, tiến triển nhanh, gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.

Nhóm dễ gặp nguy cơ biến chứng nghiêm trọng là trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi, phụ nữ có thai, người già, bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch, người có các bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Các triệu chứng nặng gồm khó thở, viêm phổi, suy hô hấp, co giật.

Tiến sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, cũng cho rằng đối với người khỏe mạnh, độc lực của virus H1N1 không cao. Với bệnh nhân mạn tính, người suy giảm miễn dịch nhiễm virus sẽ làm thúc đẩy bệnh nền, gây tổn thương phổi, tổn thương đa tạng, khả năng biến chứng nặng nề.

Khu vực cách ly bệnh nhân cúm A/H1N1 điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy năm 2018. Ảnh: Lê Phương

Khu vực cách ly bệnh nhân cúm A/H1N1 điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy năm 2018. Ảnh: Lê Phương

Các bác sĩ khuyến cáo khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời. Đặc biệt, những trường hợp sốt cao, khó thở cần chủ động cách ly, đeo khẩu trang và đến cơ sở y tế. Việc nhận biết và phát hiện sớm các dấu hiệu mắc bệnh có thể giúp điều trị kịp thời, hạn chế tối đa nguy cơ tử vong. Do có dấu hiệu giống cảm cúm thông thường, bệnh chỉ được chẩn đoán xác định bằng cách lấy dịch mũi họng để xét nghiệm.

Người bị cúm nên uống nhiều nước và nghỉ ngơi. Thuốc kháng virus cúm có thể làm giảm các biến chứng nặng và nguy cơ tử vong, được chỉ định đối với các nhóm có nguy cơ cao, cần được dùng sớm trong vòng 48 giờ sau khi xuất hiện các triệu chứng. Thuốc kháng sinh không có tác dụng chống lại virus cúm.

Để phòng chống cúm A/H1N1, cần rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, tránh tối đa việc chùi tay lên mắt và mũi, che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi, hàng ngày sử dụng các dung dịch sát khuẩn đường mũi, họng, mắt.

Hạn chế tập trung chỗ đông người, đặc biệt nơi có người mắc cúm, nghi ngờ cúm. Trong trường hợp tiếp xúc người bệnh, phải giữ khoảng cách an toàn khoảng 1,3 m. Người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân phải đeo khẩu trang. Rửa tay thường xuyên với xà phòng, thuốc sát khuẩn nhanh. Nên súc họng, vệ sinh hầu họng thường xuyên.

Ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng để ngăn ngừa nhiễm virus cúm. Thường xuyên vệ sinh, lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường, mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc.

Cách tốt nhất để phòng tránh cúm là chủng ngừa cúm mỗi năm, đặc biệt là nhóm nguy cơ cao như trẻ em dưới 5 tuổi, người già trên 65 tuổi, phụ nữ có thai, người có bệnh lý phổi mạn tính, tim mạch, đái tháo đường, suy giảm miễn dịch, suy thận mạn...