Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, Phú Thọ vừa tiếp nhận bệnh nhân nữ 34 tuổi, đi khám vì đau bả vai trái khoảng 3 năm, đau âm ỉ, uống thuốc giảm đau lúc đầu đỡ, về sau không đỡ đau.
Bệnh nhân đến khám, được bác sĩ tư vấn chụp cắt lớp vi tính phổi thì phát hiện khối u thuỳ trên phổi trái rất to 9x12 cm. Bác sĩ sinh thiết kết quả trả về kết luận là bệnh nhân mắc ung thư phổi (u ác).
Bệnh nhân nữ mắc ung thư phổi.
Khai thác tiền sử bản thân và bố mẹ không ai mắc ung thư, nhưng chồng bệnh nhân nghiện thuốc lá gần 20 năm nay. Bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân hút thuốc lá thụ động, vì vấn đề này đã được giới y học ghi nhận.
Hãy bỏ thuốc lá càng sớm càng tốt để bảo vệ sức khoẻ của bản thân cũng như mọi thành viên trong gia đình. Đặc biệt khi có dấu hiệu bất thường như đau, ho kéo dài dùng thuốc không đỡ cần đến ngay cơ sở y tế thăm khám và kiểm tra sức khỏe.
Ung thư phổi biểu hiện như thế nào?
Theo các chuyên gia y tế, ung thư phổi giai đoạn đầu thường không gây triệu chứng rõ ràng. Khi bệnh tiến triển nặng, tùy thuốc vào vị trí, kích thước, độ xâm lấn của khối u mà xuất hiện dấu hiệu cụ thể như:
- Ho kéo dài: Triệu chứng này dễ nhầm lẫn với các bệnh lý đường hô hấp thông thường. Tuy nhiên với ung thư phổi, tình trạng ho diễn ra trong thời gian dài, liên tục khiến người bệnh khó chịu, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống.
- Ho ra máu: Đây cũng là triệu chứng điển hình của ung thư phổi. Khó thở hoặc thở khò khè: Người bệnh ung thư phổi thường gặp khó khăn khi thở: khó thở hoặc thở khò khè. Vì thế người bệnh cần đi khám ngay khi có biểu hiện này để bác sĩ chẩn đoán chính xác tình trạng sức khỏe.
- Đau ngực: Thành ngực có rất nhiều sợi thần kinh kết nối với nhau, do đó khi khối ung thư phổi xâm lấn vào ngực hoặc cột sống sẽ gây ra đau tức ngực. Cơn đau có thể nặng hơn về buổi tối, khi thở sâu, ho, hắt xì hoặc cười thì rất đáng lưu ý.
- Mệt mỏi, gầy sút cân: Nếu không áp dụng bất cứ biện pháp giảm cân nào mà cân nặng vẫn thay đổi thì bạn nên lưu ý vì nó có thể là dấu hiệu mắc bệnh ung thư.