Mất hứng “chuyện yêu” vì tiêm thuốc tránh thai
Chị T.H (41 tuổi, ở Hà Nội) là người phụ nữ thành đạt, gia đình hạnh phúc khi hai con đều học giỏi, chồng hết mực yêu chiều. Cách đây một năm, chị H lo lắng chuyện mang thai ngoài ý muốn nên đã tìm hiểu và tiêm thuốc tránh thai. Vài tháng sau tiêm, chị H cảm nhận bản thân giảm ham muốn rõ rệt, mất hết động lực, không có suy nghĩ hay hứng thú về “chuyện chăn gối”.
“Trước đây tôi yêu 3-4 lần/tuần, giờ chỉ còn 1-2 lần/tháng. Khi làm “chuyện ấy” tôi rất khó nhập cuộc vì giảm tiết chất bôi trơn, khô rát dẫn đến đau khi quan hệ”, chị H chia sẻ.
Do bị đau nên chị H càng sợ việc gần gũi chồng, chính tình trạng "lệch pha" này khiến hai vợ chồng xảy ra bất đồng, thường xuyên cãi vã. “Tôi không ngờ từ việc không hòa hợp trong quan hệ, lại kéo theo những hệ lụy trong cuộc sống nhiều đến thế”, chị H nói và cho biết thêm, nhiều lần chị cố chịu đựng để chiều chồng, nhưng điều này khiến chị bất an, mất ngủ, lo âu, giảm chất lượng cuộc sống.
Nữ bệnh nhân bị giảm nồng độ estrogen và testosterone sau khi tiêm thuốc tránh thai. Ảnh: BSCC.
Ths.BS Phạm Minh Ngọc, Phó giám đốc Trung tâm Y học giới tính (BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội) cho biết, qua khai thác tiền sử, bác sĩ đã tiến hành các xét nghiệm cần thiết cho chị H. Kết quả cho thấy, nữ bệnh nhân bị giảm nồng độ estrogen và testosterone, tăng prolactin.
Theo bác sĩ Ngọc, việc thay đổi những chỉ số này dẫn đến tăng ức chế, giảm kích thích tình dục, ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề ham muốn tình dục, rối loạn kinh nguyệt, chán ăn, mệt mỏi, căng thẳng bực bội khó chịu.
“Với kết quả trên, bệnh nhân được đoán bị suy giảm ham muốn tình dục sau tiêm thuốc tránh thai. Bệnh nhân sau đó được tư vấn điều trị bằng liệu pháp nội tiết kết hợp thay đổi lối sống sinh hoạt”, bác sĩ Ngọc cho hay.
Sau 2 tháng điều trị bệnh nhân đã tăng ham muốn, lấy lại được cảm hứng khi yêu, tần suất quan hệ vợ chồng. Sau điều trị 3 tháng, bệnh nhân dừng hoàn toàn thuốc. Theo chia sẻ của chị H, hiện "chuyện chăn gối" của hai vợ chồng đã trở lại bình thường, cả hai cùng đạt được thăng hoa trong cuộc yêu.
Sau 3 tháng điều trị, bệnh nhân đã tìm được cảm giác khi yêu. Ảnh minh họa.
Tránh thai cần có sự tư vấn của bác sĩ để tránh tác dụng phụ
Bác sĩ Minh Ngọc cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn tới suy ham muốn tình dục của nữ giới, trong đó việc dùng các biện pháp tránh thai không phù hợp cũng là một trong số những nguyên nhân. Khi giảm ham muốn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của phụ nữ như nguy cơ mắc trầm cảm, đái tháo đường, béo phì, thậm chí còn ảnh hưởng đến cả hạnh phúc gia đình.
Đối với việc dùng thuốc tránh thai hoặc biện pháp tránh thai, bác sĩ Ngọc khuyên, nên có sự thăm khám và tư vấn của bác sĩ để có lựa chọn phù hợp nhất. Bởi không có biện pháp tránh thai nào là tốt cho tất cả mọi người, mỗi người sẽ có một biện pháp tránh thai phù hợp với cơ địa, nội tiết riêng.
Thuốc tránh thai nội tiết có nhiều tác dụng phụ với cơ thể, trong đó có gây giảm ham muốn tình dục. Ảnh minh họa.
Việc dùng biện pháp tránh thai không phù hợp có thể dẫn tới rối loạn kinh nguyệt, giảm ham muốn tình dục,… Thời gian sử dụng thuốc càng dài, sử dụng thuốc tránh thai ở độ tuổi càng trẻ, nguy cơ gây ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng tình dục của phụ nữ càng nhiều.
Với chị em bị giảm ham muốn, bác sĩ Ngọc tư vấn, đầu tiên cần thay đổi lối sống kết hợp điều chỉnh chế độ ăn các nhóm thực phẩm tốt cho nội tiết tố nữ. Nên duy trì tập thể dục ít nhất 4 buổi/tuần, 30 phút/buổi. Cần giải tỏa áp lực, căng thẳng, stress, dành nhiều thời gian chăm sóc bản thân, đi dạo, yoga, gặp gỡ bạn bè, mua sắm… Không dùng rượu bia, các chất kích thích, không thức khuya.
Về chế độ ăn, bệnh nhân cần bổ sung phytoestrogen - đây là một estrogen thực vật có chức năng tương tự như hormone sinh dục nữ estrogen, có nhiều trong đậu nành, ngũ cốc, hạt hướng dương, giá đỗ.
Trường hợp bệnh nhân bị suy giảm ham muốn, rối loạn chức năng tình dục trầm trọng, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống, thời gian kéo dài từ 3 đến 6 tháng và không tự cải thiện được thì đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn điều trị. Tùy từng trường hợp, các bác sĩ sẽ phối hợp nhiều phương pháp điều trị khác nhau như: tư vấn thay đổi lối sống, vật lý trị liệu sàn chậu, dược lý, tâm lý kết hợp.