Đột quỵ tăng khi trời lạnh, cách nào để phòng tránh?

Mỗi năm Việt Nam có khoảng 200.000 người bị đột quỵ. Thời tiết lạnh là mối nguy cơ hàng đầu dẫn đến căn bệnh này.

Ngày 23-12, hội nghị khoa học toàn quốc Đông - Tây y kết hợp chủ động phòng đột quỵ não và phục hồi chức năng sớm, được Hội Đông y Việt Nam tổ chức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến tới các điểm cầu trên toàn quốc.

Theo GS-TS Lê Văn Thính, Đơn vị đột quỵ não, Trung tâm thần kinh (Bệnh viện Bạch Mai), đột quỵ não là trạng thái cấp cứu khẩn cấp, nếu không xử lý sớm sẽ để lại di chứng rất nặng nề.

Đột quỵ não cấp tính cần được cấp cứu bằng y học hiện đại

Đột quỵ não cấp tính cần được cấp cứu bằng y học hiện đại

Có 2 loại đột quỵ là đột quỵ do thiếu máu cục bộ và đột quỵ do xuất huyết não. Trong đó, đột quỵ do thiếu máu cục bộ xảy ra do tình trạng tắc nghẽn trong động mạch. Theo thống kê, hiện nay có đến khoảng 85% ca bệnh đột quỵ thuộc nhóm này.

"Đột quỵ não cấp tính cần nhanh chóng được cấp cứu bằng y học hiện đại, nhưng sau khi được cứu sống cần phối hợp các phương pháp của Đông y để điều trị. Bởi lẽ, hầu hết bệnh nhân sẽ có những di chứng với các mức độ khác nhau như: Liệt vận động, rối loạn cảm giác, rối loạn ngôn ngữ và một số rối loạn cơ thể khác"- GS Thính nói.

Theo PGS-TS Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông Y Việt Nam, trong Đông y, bệnh đột quỵ não còn gọi là "trúng phong" với đặc điểm bệnh khởi phát đột ngột, hôn mê hoặc bị yếu, liệt mặt, tay hoặc liệt nửa người. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 200.000 ca bệnh đột quỵ. Đây là căn nguyên gây tử vong, tàn phế hàng đầu nhưng chỉ rất ít trường hợp đột quỵ đến bệnh viện trong 6 giờ đầu là "thời gian vàng" để cứu chữa hiệu quả. 

PGS Cảnh cho rằng người dân cần nhận biết các biểu hiện của đột quỵ để đến bệnh viện sớm nhất. Đó là tình trạng yếu liệt nửa người, miệng méo, lưỡi cứng, nói khó, nói ngọng, đại tiểu tiện không tự chủ... Khi thấy bản thân không cầm nắm được chặt, tay đưa lên khó, mặt liệt méo… cần đến bệnh viện ngay.

Theo PGS Cảnh bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường... không được kiểm soát làm tăng nguy cơ đột quỵ

Theo PGS Cảnh bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường... không được kiểm soát làm tăng nguy cơ đột quỵ

Các chuyên gia cho rằng y học cổ truyền đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn phục hồi cho người bệnh với các phương pháp như: Châm cứu, tập luyện, xoa bóp và dùng thuốc… Do đó, việc phục hồi chức năng sớm bằng các phương pháp y học cổ truyền là một trong những lựa chọn và là thế mạnh của Đông y để phục hồi chức năng vận động, cải thiện tuần hoàn máu, giảm thiểu di chứng với người bệnh đột quỵ.

PGS Cảnh lưu ý những yếu tố làm gia tăng các ca đột quỵ và trẻ hóa là tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu… không được kiểm soát. Cùng đó, sự thay đổi thời tiết, nhất là mùa đông - xuân, trời lạnh đột ngột là một trong những nguyên nhân hàng đầu làm đột quỵ não gia tăng. Vì thế, việc kiểm soát tốt yếu tố nguy cơ rất quan trọng trong việc phòng ngừa đột quỵ.