Dự báo tương lai của ngành y thời COVID-19

Nhiều lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, song ngành y vẫn luôn tiên phong trên tuyến đầu chống dịch.

  

Năm 2022, dịch COVID-19 mới có thể chấm dứt?

Đó là dự báo của tỷ phú Mỹ Bill Gates vừa được tờ Businessinsider (BIC) cập nhật. Theo dự báo này, đại dịch COVID-19 sẽ không thể kết thúc vào cuối năm 2021, kể cả đối với các quốc gia giàu nhất hành tinh. Bill Gates là nhà từ thiện, người đang tài trợ tài chính cho các nghiên cứu vắc-xin dùng cho một số căn bệnh nguy hiểm, trong đó có COVID-19. Do quá trình bào chế vắc-xin tiến triển thuận lợi, đi đúng “đường ray” nên vị tỷ phú công nghệ này đã đưa ra dự báo nói trên.

Tỷ phú Bill Gates tiết lộ, ngoài các tiến bộ trong nghiên cứu vắc-xin còn phải kể đến tiến bộ về đổi mới quy trình chẩn đoán, điều trị. “Hiện tại, nhiều quốc gia như Nga và Trung Quốc áp lực về vắc-xin quá lớn nên việc cho phép tiêm ở người trước khi vắc-xin được cấp phép là không hợp lý. Riêng tại Mỹ, FDA (Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ) không cho phép đi tắt như vậy. Chúng ta cần ít nhất 3-4 tháng, đặc biệt là dữ liệu giai đoạn 3 để kiểm chứng các tác dụng phụ là rất quan trọng”, Bill Gates nhấn mạnh trước báo giới.

Dự báo tương lai của ngành y thời COVID-19 - 1

Thuốc chữa bệnh phát triển nhờ trí tuệ nhân tạo.

Trí tuệ nhân tạo hỗ trợ phát triển thuốc chữa bệnh

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong chăm sóc sức khỏe rất rộng, từ chẩn đoán, ra quyết định, điều trị cho đến các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, nghiên cứu khoa học và đào tạo, trong đó hỗ trợ phát triển thuốc chữa bệnh đóng vai trò quan trọng.

Thông thường, phát triển và phê duyệt một loại thuốc là cả một quá trình tốn kém, kéo dài. Người ta phải dành nhiều thời gian cho nghiên cứu sơ bộ lẫn thử nghiệm lâm sàng. Chi phí nghiên cứu và phát triển một loại thuốc mới tốn trung bình khoảng 985 triệu USD nhưng nếu AI và máy học được ứng dụng thì chi phí này giảm mạnh, tiến độ nhanh hơn. Ví dụ, hãng OneThree Biotech của Mỹ đã sử  dụng AI để tích hợp và phân tích hơn 30 loại dữ liệu lâm sàng, sinh học và hóa học. Điều này cho phép tạo ra các thông số về thuốc mới với độ chính xác cao và cơ hội thành công lớn hơn. Nhờ AI, người ta biết được các tác dụng phụ để hạn chế và thu hồi sau khi phê duyệt thông qua việc tham khảo các loại dược phẩm đã từng được chấp thuận.

Loại thuốc đầu tiên trên thế giới được phát triển bằng công nghệ AI hiện đang bước vào giai đoạn I thử nghiệm lâm sàng. Thuốc chủ vận thụ thể serotonin 5-HT1A tác dụng kéo dài có tên DSP-1181, được sử dụng để điều trị chứng rối loạn ám ảnh cưỡng bức. Trong khi thời gian nghiên cứu tiêu chuẩn cho một loại thuốc như vậy mất 5 năm thì việc sử dụng công nghệ AI giảm xuống còn 12 tháng.

Khám chữa bệnh từ xa

Năm 1970, lần đầu tiên khái niệm telemedicine (y học từ xa) được dùng nhằm mô tả dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho các bệnh nhân từ xa thông qua việc sử dụng công nghệ thông tin. Dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở đây rất đa dạng và có thể hiểu nôm na telehealth là phân phối các dịch vụ và thông tin liên quan đến sức khỏe thông qua các công nghệ thông tin và viễn thông điện tử. Nó cho phép liên lạc với bệnh nhân và bác sĩ lâm sàng, chăm sóc, tư vấn, nhắc nhở, giáo dục, can thiệp, theo dõi từ xa...

Trong bối cảnh COVID-19 bùng phát, telemedicine và teledoctor (bác sĩ từ xa) thực sự là công cụ hữu ích, cho ra đời dịch vụ khám bệnh từ xa. Dịch vụ này hạn chế mật độ giao thông tại bệnh viện và văn phòng của các bác sĩ, hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh. Bệnh nhân có thể sử dụng telemedicine để được tư vấn của các chuyên gia đầu ngành và có thể giữ liên hệ thường xuyên với trung tâm y tế thông qua thiết bị công nghệ thông tin như máy tính cá nhân.

Ưu điểm của telemedicine là nâng cao chuyên môn và tiết kiệm thời gian, chi phí cho cả bác sĩ và bệnh nhân. Kết nối mạng đội ngũ y tế ở tuyến trên và tuyến dưới có thể trao đổi và chia sẻ các thông tin của người bệnh...