Không đơn thuần là giải trí, chiếc điện thoại di động còn phục vụ cho nhu cầu công việc, liên lạc hàng ngày. Đó là lý do mà rất nhiều người, đặc biệt là người trẻ tuổi không thể rời tay khỏi thiết bị thông minh này trong mọi tình huống. Tuy nhiên, dù bận rộn đến đâu thì cũng có 4 thời điểm chúng ta nên tránh xa chiếc điện thoại nếu không muốn tự rước cả đống bệnh vào người:
1. Dùng điện thoại khi đi vệ sinh
Thói quen tưởng chừng vô hại này thật ra tiềm ẩn rất nhiều mối nguy sức khỏe. Dễ thấy nhất là nó làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn.
Nhiều nghiên cứu chứng minh rằng, điện thoại di động còn bẩn hơn cả bệ ngồi trong nhà vệ sinh. Vừa dùng điện thoại vừa đi vệ sinh làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn E.coli có thể gây ngộ độc, thậm chí nguy hiểm tính mạng. Nếu rửa tay sau khi đi vệ sinh rồi cầm lại điện thoại, thì việc rửa tay cũng trở nên vô dụng do vi khuẩn bám ở điện thoại lại lây truyền qua tay.
Dùng điện thoại khi đi vệ sinh là thói quen phổ biến ở nhiều người trẻ tuổi (Ảnh minh họa)
Tiếp theo, dùng điện thoại khi đi vệ sinh làm tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ. Do thời gian ngồi trên bồn cầu bị kéo dài ra, các cơ quan trong cơ thể sẽ chịu áp lực lớn. Nó cũng khiến chức năng sàn chậu bị ảnh hưởng, đặc biệt là các cơ quan như ruột, bàng quang, âm đạo. Nguyên nhân là do ngồi quá lâu ở 1 tư thế khiến cho cơ sàn xương chậu không còn đủ khỏe để nâng đỡ các cơ quan trên.
Ngoài ra, bạn có thể bị ảnh hưởng về mặt não bộ. Ví dụ như bị phụ thuộc, không thể đại tiện nếu không mang theo điện thoại. Hay về lâu dài còn có thể làm giảm khả năng giải quyết các vấn đề có tính quyết đoán trong cuộc sống.
2. Vừa sạc vừa dùng điện thoại
Đây là một hành động rất nguy hiểm, bởi nguy cơ cháy nổ, bị điện giật. Hơn nữa, còn làm giảm tuổi thọ của thiết bị sạc, chiếc điện thoại của bạn. Do vừa sạc vừa dùng khiến điện thoại sẽ phải tiêu thụ một nguồn năng lượng lớn. Điều này khiến nó nóng lên rất nhanh và có thể phát nổ, bị cháy gây nguy hiểm.
Điều này càng dễ xảy ra với các loại điện thoại, pin sạc không có chế độ tự ngắt khi pin đầy hoặc pin quá nóng. Hay trong trường hợp người dùng vừa sạc vừa chơi các loại game nặng, chiếm dụng nhiều bộ nhớ. Càng nguy hiểm hơn nếu bạn dùng những loại pin, sạc trôi nổi không rõ nguồn gốc.
Các chuyên gia cũng nhắc nhở rằng ngay cả với sạc đảm bảo chất lượng thì vẫn tiềm ẩn nguy cơ giật điện cao. Do đa phần các thiết bị này có lớp sơn cách điện mỏng chỉ khoảng 1 micromet đến đầu cắm sạc. Chỉ cần sơ sẩy để lớp sơn này bong ra, khả năng bị điện giật chết người từ việc sờ vào các đầu cắm sạc cũng rất lớn.
3. Vừa ăn vừa dùng điện thoại
Người càng trẻ tuổi thì càng dễ mắc phải sai lầm này khi dùng điện thoại. Bởi vì bên cạnh việc quá bận rộn, phải kiểm tra công việc thì nhiều người còn coi thời điểm ăn uống là để tranh thủ giải trí, dùng điện thoại cũng giúp bữa ăn bớt cô đơn hay nhàm chán.
Vừa ăn vừa sử dụng thiết bị điện tử hại sức khỏe hơn chúng ta thường nghĩ (Ảnh minh họa)
Nhưng thực tế, chúng ta sẽ phải trả cái giá rất đắt cho thói quen này. Bởi vì trên điện thoại có rất nhiều bụi bẩn và vi khuẩn, chúng có thể vô tình đưa chúng vào miệng thông qua quá trình ăn uống. Hay việc không tập trung vào bữa ăn có thể khiến bạn ăn nhiều hơn mà không biết, dễ tăng cân, béo phì.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những người không tập trung khi ăn cũng thường ăn vặt nhiều hơn sau bữa chính. Điều này có thể là do bản thân họ không nhận ra rằng mình đã ăn nhiều bao nhiêu trong suốt bữa ăn.
Đặc biệt, dùng điện thoại khi đang ăn khiến bạn không tập trung vào bữa ăn của mình. Điều này làm giảm cảm giác ngon miệng, không nhai kỹ thức ăn nên không tốt cho tiêu hóa. Đồng thời, nó còn gây ảnh hưởng đến quá trình tiết axit và enzyme để tiêu hóa thức ăn và khiến dạ dày của bạn gặp nhiều rắc rối, dễ mắc bệnh hơn.
4. Dùng điện thoại trước khi ngủ
Thói quen này gây hại cả cho sức khỏe và ngoại hình. Bởi vì bên cạnh ánh sáng xanh khiến da khô, xỉn màu, nhanh lão hóa, lỗ chân lông to… thì còn dễ bị nhiễm vi khuẩn từ điện thoại và mọc mụn nhiều hơn.
Chưa kể, ánh sáng xanh phát ra từ màn hình điện thoại có bước sóng ngắn, làm ức chế não bộ và cản trở quá trình sản xuất của hormone melatonin gây buồn ngủ. Sự suy giảm hormone này sẽ khiến bạn khó đi vào giấc ngủ, khó có giấc ngủ sâu, rối loạn đồng hồ sinh học nên chất lượng giấc ngủ bị kém đi.
Ánh sáng xanh từ điện thoại rất hại cho giấc ngủ, thị lực và làn da (Ảnh minh họa)
Theo nghiên cứu từ Thư viện Y học Quốc gia Mỹ còn cho thấy dùng điện thoại ngay trước khi đi ngủ khiến bạn tăng tiểu đêm, mệt mỏi vào ngày hôm sau ngay cả khi đã ngủ đủ giấc. Lặp lại lâu ngày còn có thể gây ra mất ngủ mãn tính, suy giảm trí nhớ, tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm và bệnh về thần kinh khác. Ngoài ra, hormone melatonin bị ức chế quá lâu có thể gây suy giảm hệ miễn dịch, tăng nguy cơ mắc ung thư do gốc tự do phát triển nhanh hơn.
Đặc biệt, thói xấu này “tàn phá” đôi mắt rất nhanh. Nhất là nếu bạn tắt đèn rồi nằm trên giường dùng điện thoại. Ngoài việc khiến mắt làm việc quá tải thì nó còn tăng kích thích nhãn cầu. Kéo dài tình trạng này sẽ gây ra suy giảm chức năng mắt, tắc nguy cơ giảm thị lực và tăng nhãn áp, nghiêm trọng hơn nữa có thể gây ra mù lòa.
Nguồn và ảnh: Sohu, QQ, Healthline