Hà Nội sẽ lập bệnh viện dã chiến số 2 chống dịch Covid-19

Đây sẽ là bệnh viện dã chiến số 2 của Hà Nội nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh khi dịch Covid-19 xảy ra trên diện rộng.

  

CẬP NHẬT TÌNH HÌNH DỊCH COVID-19
(Số liệu cập nhật lúc 01:16 13/03/2020) - Nguồn: Bộ Y tế & Worldometers
Thế giới Trung Quốc Việt Nam
  Ca nhiễm bệnh
  Ca tử vong
  Ca khỏi bệnh
STT Tỉnh Ca nhiễm Ca tử vong Ca khỏi bệnh

Chiều 10/3, bà Phùng Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội và Trưởng các Ban HĐND TP, lãnh đạo các sở, ngành đã đi khảo sát công tác triển khai bệnh viện dã chiến số 2 tại Trung tâm sát hạch lái xe (Bộ Tư lệnh Thủ đô).

Bệnh viện dã chiến số 2 sẽ nằm tại xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, Hà Nội.

Bệnh viện dã chiến số 2 sẽ là cơ sở chuyên khoa truyền nhiễm được tổ chức, xây dựng và triển khai trên cơ sở khi tình hình dịch Covid-19 gây ra ở cấp độ 4 (cấp độ khi có trên 1.000 ca bệnh).

Bệnh viện dã chiến này có quy mô 600 giường bệnh với 20 khoa phòng chức năng sẽ thu dung, cấp cứu, điều trị cách ly cho toàn bộ bệnh nhân bị nhiễm Covid-19 trong khu vực theo chỉ đạo.

Bệnh viện được thi công trong thời gian 10 ngày trên cơ sở các hạng mục đã có nhưng phải đảm bảo nguyên tắc kiểm soát nhiễm khuẩn, trang bị các thiết bị chủ yếu như: máy thở, máy XQuang di động, máy xét nghiệm sinh hóa, huyết học, xe điện chuyên chở bệnh nhân nội viện, xe cứu thương.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà, cơ sở này dự kiến xây dựng bệnh viện dã chiến với quy mô 600 giường, có thể nâng cấp lên 1.000 giường, phục vụ thu dung, cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân nhiễm, nghi nhiễm Covid-19.

Với bệnh viện dã chiến số 2, dự kiến lấy bộ khung cán bộ y bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Bệnh viện Thanh Nhàn và Bệnh viện Tim Hà Nội.

Ngành Y tế đã lên phương án, sơ đồ chi tiết, dự kiến số lượng máy thở, xe điện tim, xe cứu thương, giường bệnh… Hiện ngành y tế đã làm việc với các nhà cung ứng để sẵn sàng cung cấp ngay thiết bị khi chuyển trạng thái bệnh viện dã chiến vào hoạt động.

Bên cạnh đó, ngành cũng phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô lên phương án cải tạo sửa chữa các khu nhà, xử lý các vấn đề phát sinh như nước thải, vệ sinh, thi công trên cơ sở các cơ sở hiện có. Thời gian cải tạo tối đa 10 ngày có thể đi vào hoạt động.

Theo Phó Chủ tịch HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà với hai phương án về bệnh viện dã chiến đặt ra, thành phố đã chuẩn bị kịch bản chi tiết từ nguồn lực, bác sĩ, người phục vụ, các khoa chuyên môn, vật tư thiết bị y tế… Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế thì hiện bệnh viện dã chiến số 2 mới chỉ có khung nhà, chưa đủ điều kiện để trở thành bệnh viện dã chiến.

Theo kế hoạch thì nơi đây sẽ đảm bảo công tác cứu chữa, cách ly cho khoảng 600-800 bệnh nhân. Vì vậy, Phó chủ tịch Phùng Thị Hồng Hà đề nghị Bộ Tư lệnh Thủ đô phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế tiếp tục triển khai theo đúng kế hoạch, tiến độ và các phương án đã đặt ra.

Phó chủ tịch Phùng Thị Hồng Hà cũng đề nghị, trước mắt, ngành y tế cần theo dõi sát tiến độ của dịch bệnh, có phương án sẵn sàng đón các đối tượng F2 để tiến hành cách ly tại cơ sở y tế hoặc địa phương. Đồng thời cần tăng cường, đẩy mạnh công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, từ nơi vệ sinh, trang thiết bị y tế, đến khu ở cho cán bộ y bác sĩ. Phải theo dõi hằng ngày về số lượng để kịp thời triển khai ngay các bệnh viện dã chiến số 1, 2.

Trước đó, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã thống nhất chọn Trường Quân sự và Trung tâm Sát hạch lái xe làm 2 bệnh viện dã chiến.

Theo đại diện Bộ Tư lệnh thủ đô, tại Trung tâm Sát hạch lái xe chưa có khu riêng biệt phục vụ cho độ ngũ y bác sĩ. Vì thế, để tránh lây nhiễm chéo thì phải tổ chức riêng. Đây là điều kiện còn khó khăn. Các khu nhà tại đây cũng không có cầu thang máy nên nếu chuyển đồ ăn thì phải lắp thang rời.

Tuy nhiên, Bộ Tư lệnh Thủ đô và ngành Y tế đã có phương án cụ thể để cải tạo cơ sở vật chất. Ngoài ra, Trường có 4 khu nhà xưởng đang bỏ trống, có thể cải tạo ngay để làm các phòng bệnh dã chiến. Khi thành phố chính thức yêu cầu triển khai nơi đây thành bệnh viện dã chiến thì Bộ Tư lệnh Thủ đô sẽ triển khai ngay.

Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19:

- Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi.

- Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác.

- Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.

- Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 1900322819009095.

Việt NamThế giớiTrung Quốc Hàn Quốc