Hãy ăn như trẻ nhỏ sau phẫu thuật ung thư dạ dày

Một trong những thách thức lớn nhất mà bệnh nhân gặp phải sau phẫu thuật ung thư dạ dày là việc duy trì chế độ ăn uống hợp lý để đảm bảo cơ thể phục hồi và tránh những biến chứng không mong muốn. Trong bối cảnh này, việc 'học hỏi' cách ăn uống của trẻ nhỏ có thể là một giải pháp hữu hiệu.

Trẻ em, đặc biệt là khi chúng gặp vấn đề về sức khỏe, cha mẹ thường có phản xạ cho con ăn ít, chia nhỏ bữa ăn và tập trung vào những thực phẩm dễ tiêu hóa. Đây là một phương pháp lý tưởng cho bệnh nhân sau phẫu thuật ung thư dạ dày vì nó giúp duy trì năng lượng và dinh dưỡng mà không gây căng thẳng cho hệ tiêu hóa đã yếu.

Hiểu rõ về cơ thể sau phẫu thuật ung thư dạ dày

Sau khi trải qua phẫu thuật ung thư dạ dày, cơ thể người bệnh không chỉ phải đối mặt với sự mất mát về thể chất mà còn phải điều chỉnh lại khả năng hấp thu dinh dưỡng. Sau phẫu thuật, cơ thể phải học cách thích nghi với sự thay đổi này. Việc cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ dạ dày sẽ khiến cho quá trình tiêu hóa trở nên khó khăn hơn.

Chính vì vậy, chế độ ăn uống sau phẫu thuật ung thư dạ dày cần phải được điều chỉnh sao cho phù hợp với tình trạng của cơ thể.

Tại sao nên ăn như trẻ nhỏ?

Sau phẫu thuật ung thư dạ dày, cơ thể thường không thể tiếp nhận một lượng thức ăn lớn trong một bữa ăn. Điều này tương tự như cách mà trẻ nhỏ ăn uống. Trẻ em, do dạ dày còn nhỏ và hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện, thường chỉ ăn một lượng nhỏ thức ăn mỗi bữa và ăn nhiều bữa trong ngày. Phương pháp này không chỉ phù hợp với khả năng hấp thụ của hệ tiêu hóa sau phẫu thuật, mà còn giúp duy trì năng lượng và giảm bớt cảm giác khó chịu.

Bệnh nhân sau phẫu thuật ung thư dạ dày nên ăn từ 6 đến 8 bữa nhỏ trong ngày thay vì ăn 3 bữa lớn.

Bệnh nhân sau phẫu thuật ung thư dạ dày nên ăn từ 6 đến 8 bữa nhỏ trong ngày thay vì ăn 3 bữa lớn.

Trẻ nhỏ cũng phù hợp với những món ăn dễ tiêu hóa, mềm và giàu dinh dưỡng, như cháo, súp... Điều này đặc biệt quan trọng đối với bệnh nhân sau phẫu thuật ung thư dạ dày, khi mà việc ăn thức ăn cứng hoặc khó tiêu hóa có thể gây ra cảm giác khó chịu hoặc làm tổn thương niêm mạc dạ dày. Mô phỏng ‘bữa ăn trẻ em’ với xu hướng ăn thức ăn ít gia vị và dễ tiêu, cũng giúp giảm gánh nặng cho hệ tiêu hóa yếu sau phẫu thuật.

Cách áp dụng phương pháp ăn như trẻ nhỏ

Để áp dụng phương pháp ăn như trẻ nhỏ, bệnh nhân sau phẫu thuật ung thư dạ dày cần chú ý đến một số điểm quan trọng trong chế độ ăn uống hàng ngày. Dưới đây là một số lời khuyên cụ thể của TS.BS dinh dưỡng Trương Hồng Sơn (Viện Y học ứng dụng Việt Nam):

Chia nhỏ bữa ăn: Bệnh nhân sau phẫu thuật nên ăn từ 6 đến 8 bữa nhỏ trong ngày thay vì ăn 3 bữa lớn. Việc này giúp cơ thể dễ dàng tiêu hóa và hấp thụ dinh dưỡng mà không tạo áp lực lên hệ tiêu hóa.

Lựa chọn thực phẩm dễ tiêu hóa: Các món ăn nên mềm, nhuyễn và dễ tiêu hóa như cháo, súp, canh, sữa... Những thực phẩm này không chỉ dễ tiêu hóa mà còn cung cấp năng lượng và dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Những loại trái cây như chuối, bơ hoặc táo nghiền nhuyễn là lựa chọn tuyệt vời. Chúng cung cấp vitamin và khoáng chất thiết yếu mà không gây áp lực lên dạ dày.

Tránh thực phẩm cay, chua hoặc có nhiều gia vị: Các món ăn có gia vị mạnh hoặc chứa acid có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày và khiến người bệnh cảm thấy khó chịu. Hãy chọn những món ăn ít gia vị để giảm bớt gánh nặng cho hệ tiêu hóa. Hạn chế món ăn nhiều dầu mỡ hoặc thực phẩm chiên do chúng làm cho dạ dày phải làm việc nhiều hơn và dễ gây ra cảm giác đầy bụng, khó tiêu.

Ăn chậm, nhai kỹ: Trẻ nhỏ thường ăn rất , đây cũng là một thói quen tốt cho bệnh nhân sau phẫu thuật. Việc nhai kỹ giúp thức ăn được tiêu hóa tốt hơn và giảm bớt khả năng gây khó chịu cho dạ dày. Một điều đặc biệt nên lưu ý là ngồi thẳng trong khi ăn.

Hạn chế uống nước trong khi ăn, nên uống nước 30-60 phút sau hoặc trước bữa ăn.

Tâm lý và sự hỗ trợ trong quá trình hồi phục

Sau phẫu thuật ung thư dạ dày, bệnh nhân thường cảm thấy mệt mỏi, lo lắng về việc ăn uống hoặc không muốn ăn do tâm lý bi quan và những tác động tiêu cực sau một ca mổ. Vì vậy, chế độ ăn uống lành mạnh không chỉ là việc dinh dưỡng như thế nào, cách ăn ra sao mà cần có sự hỗ trợ tâm lý từ gia đình và bạn bè.

Một tâm lý thoải mái sẽ giúp bệnh nhân có thể có cảm giác ngon miệng hơn, dễ dàng tuân thủ các chế độ ăn uống lành mạnh và phục hồi nhanh chóng hơn. Bên cạnh đó, bệnh nhân cần duy trì một lối sống lành mạnh, nghỉ ngơi đầy đủ và theo dõi sức khỏe thường xuyên với sự hỗ trợ của các chuyên gia dinh dưỡng và bác sĩ điều trị.