Anh Đông (Trung Quốc) năm nay ngoài 40 tuổi nhưng có vẻ ngoài rất trẻ trung, khỏe mạnh. Dáng người anh to cao, làm công việc nặng nhọc nhưng rất hiếm khi đau ốm. Anh thường đùa vui với bạn bè rằng tài sản lớn nhất mình có là sức khỏe và sự chăm chỉ.
Tuy nhiên, khoảng mấy tháng trở lại đây anh đột nhiên thấy trong người khác thường, cân nặng cũng giảm đi rất khó hiểu. Tuy không chán ăn nhưng mỗi khi nuốt anh đều cảm thấy cổ họng giống như có vật gì đó bị mắc kẹt nhưng lại không gây đau đớn. Chỉ là một cảm giác ngứa ngáy, khó chịu rất mơ hồ.
Ảnh minh họa
Lúc đầu, anh Đông không quá để tâm, nghĩ rằng một vài ngày sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, mỗi bữa ăn cơm anh đều nhăn nhó khiến người nhà bắt đầu lo lắng. Sau nhiều lần vợ khuyên bảo, anh mới chịu đi mua thuốc uống. Nhưng bản thân anh chỉ nghĩ rằng nếu không phải có dị vật thì chắc chắn mình bị viêm họng.
Sau khi mô tả triệu chứng, dược sĩ tại nhà thuốc kê cho anh một số loại thuốc uống và viên ngậm chữa đau họng. Đồng thời, khuyên anh nên tới bệnh viện thăm khám nếu dùng thuốc 3 ngày vẫn không thấy thuyên giảm.
Một tuần trôi qua, dù rất chăm chỉ dùng thuốc nhưng cảm giác khó chịu không biến mất. Ngược lại, cảm giác ngứa họng ngày càng tăng, kèm theo khó nuốt và buồn nôn, miệng lúc nào cũng khô khốc. Lúc này, anh Đông cùng vợ tới Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) để thăm khám.
Thật không ngờ, kết quả chẩn đoán chỉ ra anh mắc ung thư thực quản giai đoạn đầu. Cụ thể, bác sĩ Kiều tại khoa Phẫu thuật lồng ngực cho biết, khi nội soi phát hiện thực quản của anh Đông gồ ghề bất thường. Thực hiện sinh thiết cho thấy bệnh nhân mắc bệnh ung thư biểu mô vảy cấp độ cao, đây là biểu hiện sớm của ung thư thực quản.
Những thói quen dễ dẫn đến bệnh ung thư thực quản
Bác sĩ Kiều kể lại, khi nhận được kết quả chẩn đoán thì chỉ có bệnh nhân sửng sốt, liên tục đòi kiểm tra lại. Trong khi đó, vợ của bệnh nhân lập tức ôm mặt khóc và trách chồng mình. Chị nói rằng mấy năm gần đây luôn sống trong lo sợ rằng một ngày nào đó nhận tin chồng mình mắc bệnh ung thư. Nhưng chị luôn nghĩ đó sẽ là ung thư phổi hoặc ung thư gan, bởi vì anh Đông có thói quen uống rượu và hút thuốc đã nhiều năm.
Ảnh minh họa
May mắn là bệnh mới ở giai đoạn đầu nên có thể điều trị hiệu quả thông qua phẫu thuật, kết hợp cùng thuốc và thay đổi lối sống. Qua trường hợp này, bác sĩ Kiều cũng nhắc nhở rằng rất nhiều người trẻ có thói quen xấu giống như anh Đông mà không biết rằng nó rất dễ dẫn tới ung thư thực quản. Nhiều người trong số đó thì lại mắc sai lầm giống như vợ của anh, cho rằng hút thuốc chỉ gây ung thư phổi còn uống rượu chỉ gây ung thư gan.
Thực chất, hai thói quen xấu này có thể gây ra hoặc góp phần làm tăng nguy cơ mắc rất nhiều bệnh ung thư nguy hiểm khác. Phổ biến như ung thư miệng, ung thư thực quản, ung thư dạ dày, ung thư vú, ung thư tuyến tụy, ung thư thanh quản, ung thư thận, ung thư bàng quang, ung thư cổ tử cung, ung thư vòm họng…
Ông cũng liệt kê ra những thói quen phổ biến hàng ngày dễ gây ung thư thực quản, bao gồm:
- Hút thuốc (thuốc lá, thuốc lào, xì gà…)
- Uống nhiều rượu bia.
- Ăn hoặc uống đồ nóng (nhất là nóng trên 60 độ C).
- Hay ăn các món muối chua, lên men.
- Ăn nhiều món thô cứng, dễ làm tổn thương niêm mạc thực quản.
- Thường xuyên ăn đồ nướng, các món bị cháy khét.
- Ngoài ra, vệ sinh răng miệng kém và thừa cân, béo phì cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư thực quản.
Bác sĩ Kiều nhắc nhở thêm rằng, giai đoạn đầu của ung thư thực quản các dấu hiệu thường không rõ ràng và dễ bị nhầm lẫn với đau họng, viêm họng thông thường. Để phát hiện và điều trị sớm, cần chú ý tự kiểm tra thường xuyên.
Ở giai đoạn đầu của ung thư thực quản, bệnh nhân có thể có cảm giác thức ăn dính, khó nuốt, nhưng vẫn nuốt được nếu nhai kỹ. Một số bệnh nhân có cảm giác nóng rát, khó chịu sau xương ức.
Ở giai đoạn tiến triển tại chỗ, bệnh nhân sẽ cảm thấy khó nuốt rõ rệt, ngứa họng và giống như có dị vật mắc kẹt ở cổ họng. Nghẹn thức ăn đặc tăng dần gây ra do khối u bít tắc lòng thực quản. Sự phát triển của khối u sẽ đi liền với tình trạng sụt cân nhanh, đau họng rõ rệt, khó thở, khàn tiếng. Một số bệnh nhân có thể gặp tình trạng trào ngược nước bọt hoặc thức ăn. Có thể gặp viêm phổi do trào ngược hoặc thiếu máu, thiếu sắt do mất máu mạn tính từ khối u.
Ảnh minh họa
Nếu ung thư thực quản ở giai đoạn nặng, khối u di căn sẽ thường xuyên bị đau lưng, phía sau xương ức hoặc hai xương bả vai. Có thể có biểu hiện nôn ra máu, đi ngoài phân đen, hay trào ngược ra dịch có máu. Xuất huyết tiêu hóa ồ ạt xảy ra khi u ăn mòn động mạch chủ, phổi hay động mạch phế quản.
Dò khí quản là biến chứng muộn của bệnh, xảy ra khi ung thư xâm lấn trực tiếp từ lòng thực quản vào lòng khí quản (đường thở, nằm ngay phía trước thực quản trong lồng ngực). Bệnh nhân ho không kiểm soát được và thường xuyên viêm phổi. Lúc này, thời gian sống thêm của những bệnh nhân này là dưới 4 tuần.
Nguồn và ảnh: QQ, Health People, ETtoday